Liên tiếp những cái chết do đuối nước thương tâm xảy ra, nhiều băn khoăn lại được đặt ra, liệu hiện thực hóa chủ trương phổ cập bơi trong trường học có phải là việc quá khó?
Tháng 6, thông tin về các vụ học sinh đuối nước xảy ra ở nhiều địa phương đã khiến nhiều người cảm thấy xót xa. Mới đây nhất là 3 vụ việc học sinh đuối nước liên tiếp (do tắm suối, tắm ở hồ thủy điện…) tại huyện Đức Trọng (Lâm Đồng). Trước đó, những ngày đầu tháng 6, cũng liên tiếp xảy ra 2 vụ đuối nước cướp đi sinh mạng 5 em học sinh tại hai tỉnh Ninh Thuận, Bình Thuận. Từ những cái chết do đuối nước thương tâm ấy, nhiều băn khoăn lại được đặt ra, liệu hiện thực hóa chủ trương phổ cập bơi trong trường học có phải là việc quá khó?
Thống kê từ các địa phương, từ Bộ LĐTBXH cho thấy, tỉ lệ đuối nước ở trẻ em Việt Nam hàng năm đang cao gấp nhiều lần các nước đang phát triển. Trong khi Việt Nam là một đất nước có hệ thống sông suối nhiều, có đường bờ biển dài, thì tỉ lệ thống kê ấy nghe thật là nghịch lý. Chương trình phòng chống tai nạn đuối nước cho trẻ em cũng đã được triển khai trong môi trường học đường. Nhưng giờ đây có vô vàn những cái khó được chỉ ra như có nơi thiếu quỹ đất xây bể bơi; trường học có quỹ đất dành cho xây bể bơi thì lại không có kinh phí triển khai, không có giáo viên dạy bơi chuyên nghiệp… Thành thử việc dạy và học bơi trong nhà trường phổ thông lâu nay mới chỉ là một phong trào mạnh đâu nấy làm.
Thực trạng trẻ em đuối nước khiến nhu cầu phổ cập bơi trong nhà trường càng trở nên cấp thiết. Nhiều người kỳ vọng môn bơi lội sẽ trở thành môn bắt buộc trong nhà trường. Tuy vậy, trong chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) mới, bơi lội vẫn tiếp tục là môn tự chọn.
Thống kê của Bộ GDĐT cho thấy, hiện nay chỉ có từ 0,4 đến 0,6% các trường cấp phổ thông và khoảng 13% các trường ĐH có xây dựng bể bơi trong trường. Con số quá khiêm tốn này cho thấy việc xây dựng bể bơi trong hệ thống trường học dường như vẫn là điều xa xỉ, kể cả ở các thành phố lớn.
Vậy bao giờ có thể phổ cập bơi trong nhà trường? Mục tiêu phổ cập bơi cho học sinh đang phải đối diện với những khó khăn gì? Nói như một lãnh đạo của Bộ GDĐT, bơi lội đã được xác định là một kỹ năng vô cùng cần thiết nên khi xây dựng chương trình GDPT mới, Bộ GDĐT rất mong muốn có thể đưa bơi lội trở thành môn học bắt buộc trong chương trình. Dẫu thế sau khi khảo sát các điều kiện để đảm bảo thực hiện môn học này thì thấy cơ sở vật chất, đặc biệt là tỉ lệ bể bơi trong nhà trường hiện nay không thể nào đáp ứng được. Điều này lại hoàn toàn nằm ngoài tầm tay của ngành giáo dục.
Như thế, việc khuyến khích học sinh có chứng chỉ bơi cũng là một hình thức ngành giáo dục khuyến khích các nhà trường/gia đình chủ động việc dạy bơi cho học sinh và cho con em mình trong điều kiện có thể, nhằm trang bị cho các em kỹ năng sống cần thiết, kỹ năng tự cứu mình trong những hoàn cảnh nguy cấp. Lâu nay, nguyên nhân của tai nạn đuối nước được chỉ ra cũng do sự bất cẩn của người lớn. Do đó, việc dạy bơi cho trẻ em cũng cần gắn liền với trách nhiệm của cộng đồng.
Theo phân tích từ các chuyên gia, tới đây việc đẩy mạnh giáo dục thể chất- nhìn ở góc độ học đường hôm nay có lẽ không chỉ có thể dục giữa giờ mà còn là việc tăng cường sức khỏe cho học sinh trong môi trường học đường. Trước vô vàn những cái khó, cần có sự linh hoạt để tận dụng tối đa các điều kiện của nhà trường, địa phương để tổ chức dạy và học giáo dục thể chất, trong đó có môn bơi lội cho học sinh. Chẳng hạn như trường nào có điều kiện về dạy bơi thì học sinh sẽ có thời lượng nhiều hơn trong việc học bơi…Và rõ ràng chỉ khi nào công tác giáo dục thể chất và thể thao trường học trở thành nhu cầu tự thân (chứ không đơn thuần là có tấm chứng chỉ học bơi), thì khi đó mới tạo ra động lực thiết thực cho người dạy - người học.