Trong Báo cáo Kinh tế thường niên đầu tiên về Đồng bằng sông Cửu Long, dài 350 trang, do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thực hiện, công bố mới đây có con số khiến người ta giật mình: Trong vòng 10 năm có tới 1,3 triệu người rời khỏi khu vực này, tương đương dân số của 1 tỉnh.
Như vậy, ĐBSCL là nơi có tỷ lệ nhập cư thấp nhất nhưng xuất cư lại cao nhất cả nước. Giai đoạn 2009-2019, tỷ lệ tăng dân số toàn vùng là 0% (cả nước là 1,14%). Đáng chú ý, 2 năm qua dân số cả vùng giảm 0,3%.
Vì sao số người đi khỏi ĐBSCL lại cao đến vậy? Nhiều lý do được đưa ra trong đó có chuyện tác động xấu của biến đổi khí hậu dẫn đến hạn mặn, sạt lở, ngập lụt và ô nhiễm môi trường. Cùng đó là cấu trúc kinh tế chưa ổn định, nhân lực hạn chế, năng suất lao động thấp, hạ tầng giao thông rời rạc, thiếu kết nối khiến cơ hội vươn lên không nhiều. Nói như tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh - Giám đốc Trường Chính sách công và quản lý Fulbright thì cơ hội kinh tế nơi đây không có hoặc kém hấp dẫn buộc người ta phải đi tới các vùng khác.
Đó là điều rất đáng suy nghĩ. Những năm qua, Chính phủ đã tổ chức nhiều cuộc họp chyên đề về ĐBSCL, một vùng đất giàu tiềm năng, nhiều kỳ vọng nhưng lại đang phải đối diện với rất nhiều khó khăn. ĐBSCL là vùng đất trù phú với rất nhiều kênh rạch, đất mầu mỡ, là vựa lúa, vựa cá, vựa trái cây của cả nước.
Tới nay, dù vẫn đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, có dấu hiệu tụt hậu so với tăng trưởng chung của cả nước nhưng ĐBSCL vẫn cung cấp các sản phẩm nông sản dẫn đầu cả nước. Chỉ nói riêng việc an ninh lương thực thì vùng này vẫn là chỗ dựa rất vững chắc. Năm 2019, ĐBSCL đóng góp 54% sản lượng lúa, 70% sản lượng nuôi trồng thủy sản và 60% lượng trái cây cả nước.
Là một trong những đồng chủ biên Báo cáo thường niên đầu tiên về ĐBSCL, ông Nguyễn Phương Lam - Giám đốc VCCI chi nhánh Cần Thơ rất trăn trở về những gì đã và đang diễn ra tại đây trong vòng hơn 10 năm qua.
Theo ông Lam, người dân miền Tây di dân nhiều, nhất là ở khu vực nông thôn trước hết là do ảnh hưởng biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng và nặng nề. Hàng loạt diện tích lúa, vườn cây ăn trái, vùng nuôi thủy sản nước ngọt thiệt hại nặng do bị hạn mặn, phải “treo ao” hoặc bỏ trống...
“Tình trạng này lặp lại một vài lần coi như nông dân trắng tay, phải bỏ xứ đi nơi khác làm công nhân kiếm sống”, ông Lam nói và thêm rằng: “Tôi nghĩ không ai muốn bỏ quê hương, xứ sở ra đi nhưng tình huống bắt buộc vì mưu sinh. Việc người dân miền Tây rời đi quá nhiều trong khoảng thời gian nhất định cho thấy đây là tình trạng bức bách và vùng đất này kém phát triển”.
Những năm qua, vấn đề ly nông, ly hương đã diễn ra tại một số vùng trên phạm vi cả nước. Nhưng làn sóng ly hương (xuất cư) mạnh như tại ĐBSCL trong vòng 10 năm qua thì không nơi nào đến độ như thế. Việc di dân từ vùng này sang vùng khác, tìm kiếm cơ hội, sinh kế mới tốt hơn là điều bình thường, nhưng tạo thành “làn sóng ồ ạt” thì lại là vấn đề rất khác.
Thực tế cho thấy, nơi nào tình trạng xuất cư nhiều thì nơi đó vốn đã khó sẽ lại càng khó hơn. Vì rằng, những người rời bỏ làng quê tìm kiếm cơ hội nơi vùng đất mới lại là lao động chính trong gia đình, những người trẻ tuổi. Khi họ rủ nhau ra đi thì làng xóm bỗng trở nên vắng lặng, những người ở lại phần đông là người già và trẻ em. Từ câu chuyện sinh kế dẫn đến những hệ lụy xã hội, dễ thấy nhất là những đứa trẻ thiếu thốn tình cảm, thiếu sự dạy dỗ, chăm sóc và hướng dẫn.
Thật đáng lo ngại khi biết rằng có tới 25% số trẻ em ở miền Tây Nam bộ bỏ học trong giai đoạn cấp 2 (Trung học cơ sở), mà chủ yếu lại là trẻ em nông thôn. Rồi đây, khi lớn lên, chúng có đủ năng lực làm chủ ruộng vườn hay cũng lại tìm đường ra đi?
Từ đó sẽ tạo ra một vòng luẩn quẩn đói nghèo và tụt hậu. Và, với những người xuất cư, sau những năm tháng mưu sinh nơi vùng đất mới, lúc tuổi cao sức yếu trở về quê hương. Đó cũng lại là gánh nặng kép vừa kinh tế vừa xã hội cho làng xóm.
Những ai từng đến miền Tây Nam bộ đều yêu quý những người dân nơi đây; những anh, những chị “Hai lúa” chân chất và rộng lòng. Nhưng bên cạnh sự ấm áp đó lại là nỗi lo khi mà các điểm sạt lở ngày một nhiều, triều cường ngày một lấn vào sâu nội đồng; mùa nước nổi với rất nhiều phù sa, rất nhiều tôm cá và những khóm hoa điên điển nở vàng theo mép nước chẳng lẽ rồi sẽ chỉ còn trong kí ức.
Không thể để vùng đất trù phú ấy trở thành nơi ngày một khó khăn, với những dòng người vừa ly nông vừa ly hương đành đoạn cất bước ra đi. Vùng đất ấy đang chờ một chiến lược đầu tư toàn diện và mạnh mẽ. Đó là đầu tư lớn xây dựng hạ tầng giao thông, đầu tư theo chiều sâu để giáo dục không còn là vùng trũng…
Đó cũng còn là việc chủ động đưa các doanh nghiệp về với ruộng vườn trong lúc doanh nghiệp nước ngoài ít đầu tư vào đây. Đầu tư mạnh mẽ cho ĐBSCL là điều hết sức cần thiết. Nhiều năm qua vùng đất này đã đóng góp rất nhiều cho đất nước, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp để hình thành và khẳng định thương hiệu hạt gạo Việt Nam, tôm cá Việt Nam, trái cây Việt Nam trên phạm vi thế giới.
Từ câu chuyện xuất cư quá lớn ở ĐBSCL trong vòng 10 năm qua càng thấy rằng một chiến lược đầu tư tập trung cho vùng đất rộng hơn 3,9 triệu ha, 13 tỉnh thành, hơn 17 triệu dân là cấp bách. Không thể để trong vòng 30 năm qua mức độ tăng trưởng của toàn vùng cứ giảm dần. Và cũng không thể không day dứt khi 10 năm mà số người rời khỏi làng quê tương đương với 1 tỉnh.