Đại diện Bộ GDĐT cho hay tùy từng điều kiện, thiết bị, tùy từng địa phương về việc đảm bảo chất lượng dạy học trực tuyến thì nhà trường, giáo viên sẽ chọn hình thức, mức độ áp dụng phù hợp.
Trong đó, có hình thức dạy học trực tuyến bổ trợ song song với quá trình dạy học trực tiếp, dạy học trực tuyến thay thế một số nội dung, một số bài học trực tiếp…
Vượt khó để học online
Cô giáo Nguyễn Thu Hà (Trường Tiểu học Mai Động, Hoàng Mai, Hà Nội) cho biết khi giảng dạy, vì thời gian có hạn nên chỉ kịp để cô giảng bài, hỏi lại học sinh (HS) xem nắm được đến đâu. Còn phần thực hành, viết bài thì sau buổi học, cô giáo sẽ gửi clip bài học cho tất cả các phụ huynh để HS có thể xem lại và làm theo hướng dẫn chi tiết.
“Hôm thứ 3 vừa rồi, giờ học online của thầy trò chúng tôi có lãnh đạo Phòng Giáo dục đào tạo quận Hoàng Mai dự giờ đột xuất. Khi tôi điểm danh lớp, HS có mặt, camera ghi nhận đúng là em HS đó nhưng khi tôi đặt câu hỏi, gọi HS trả lời thì em không có phản ứng gì! Lần khác, khi trả lời câu hỏi của tôi, HS bật mic lên thì ôi thôi, xung quanh nào là tiếng ti vi, tiếng em bé khóc, tiếng trò chuyện của mọi người rộn ràng” - cô Hà chia sẻ.
Trên thực tế, chẳng phải ở cấp tiểu học mà ngay cả ở bậc đại học, tình trạng sinh viên vừa học vừa… ăn cơm, tay bưng bát, miệng nhai không phải là hiếm! Giảng viên Mai Tuyết Nhung (Trường ĐH Thương mại) kể lại có lần khi điểm danh sinh viên đầu giờ sáng học trực tuyến, có em miệng còn đầy kem đánh răng cũng xuất hiện trước màn hình khiến cô và cả lớp được một trận cười. Hay đang học, trò hồn nhiên nhắn tin cho cô xin phép đi nấu cơm, đi ship hàng, đi abc… và treo máy luôn đến tận cuối tiết học mặc cho giảng viên gọi ời ời.
Vì vậy, để việc học online hiệu quả, đầu tiên phải là chuẩn bị cơ sở hạ tầng như thiết bị vào học, đường truyền mạng ổn định, sau đó là không gian học tập cần sáng sủa, yên tĩnh, không bị nhiễu bởi các hoạt động xung quanh thì cô và trò mới tập trung vào việc học.
Khó nhất là trang thiết bị dạy học
Cô giáo Thu Hằng (Trường Tiểu học Thịnh Liệt, Hoàng Mai, Hà Nội) nhìn nhận, nếu chỉ dạy online, nhiều em không tham gia lớp học đủ, hoặc trong quá trình học bị out ra sẽ có thể khó hiểu phần tiếp theo khi vào lại lớp học. Vì vậy Trường Thịnh Liệt làm clip bài học gửi đến từng phụ huynh để HS có thể xem lại bất cứ lúc nào.
Những video clip với những hình ảnh hấp dẫn; các bài tập thì giáo viên soạn trên Word rồi gửi cho phụ huynh để họ in ra giấy cho con em làm phù hợp với lứa tuổi HS còn nhỏ, chưa thành thạo việc sử dụng phương tiện kỹ thuật. Với cách làm này, sẽ không bó buộc thời gian học trực tuyến phải vào phòng học zoom này, zoom kia mà phụ huynh chủ động thời gian để kèm con.
Cô giáo N.T.T. ở huyện Ba Vì, Hà Nội cho rằng khó khăn lớn nhất khi triển khai dạy học trực tuyến là trang thiết bị dạy học. Điện thoại thông minh hầu như gia đình nào cũng có nhưng chủ yếu trang bị cho bố mẹ. Nay con dùng để học, đang học lại có cuộc điện thoại gọi đến nên rất khó tiếp thu. Máy tính thì nhiều gia đình HS trong lớp cô dạy không có. Tốc độ đường truyền internet cũng được lắp đặt để sử dụng thông thường, không phải định hướng ban đầu là dùng cho việc học online cũng là một hạn chế.
Cô N.T.T. đề xuất Bộ GDĐT phối hợp với các Sở, phòng, trường xây dựng và tổ chức dạy học trên truyền hình, gia đình nào cũng có ti vi và xem lại bất cứ lúc nào. Giáo viên sẽ chỉ giao và chữa bài, trả lời các thắc mắc của HS online vì chính bản thân cô cũng thường xuyên bị out ra khỏi nhóm lớp đang dạy. Cô từng gặp trường hợp phụ huynh cũng bức xúc, phản ánh lên tận nhà trường nhưng sau đó, khi nghe giáo viên giải thích về sự cố kỹ thuật không mong muốn thì cũng thông cảm và gọi điện xin lỗi cô giáo.
“Bản thân giáo viên chúng tôi luôn chuẩn bị tâm thế tốt nhất, bài giảng chỉn chu nhất khi dạy học bởi xác định, phụ huynh có thể “dự giờ” bất cứ lúc nào. Các lãnh đạo phòng, Sở cũng có thể dự giờ đột xuất không báo trước vì thông tin của lớp học, chúng tôi đều gửi về ban giám hiệu trước khi bắt đầu. Nên nếu có những sự cố về kỹ thuật như đường truyền, về máy tính bất ngờ… rất mong HS, phụ huynh thông cảm và cùng khắc phục khó khăn” - cô T. nêu ý kiến.
Chia sẻ quan điểm này, GS.TS Nguyễn Đình Cử, nguyên Viện trưởng Viện Dân số và các vấn đề xã hội (Trường ĐH Kinh tế quốc dân) thông tin, hiện nay 80% số gia đình nông thôn chưa có máy tính, tỷ lệ này ở thành phố là 49%. Nếu gia đình có 2, 3 con em cùng học online một thời điểm thì rõ ràng là rất “bí”. Chưa kể, đối với cấp tiểu học, HS rất cần giám sát, hỗ trợ kỹ thuật trong quá trình học online nhưng không phải gia đình nào cũng sắp xếp kèm con được. Do vậy, bên cạnh việc học trực tuyến, các địa phương nên triển khai việc dạy học trên truyền hình.