Tìm hướng thích nghi với dạy và học trong điều kiện ứng phó dịch Covid-19, thời gian qua nhiều trường đại học (ĐH) đã áp dụng linh hoạt các phần mềm trực tuyến để giảng dạy cho sinh viên.
Chủ động ứng phó
Ghi nhận cho thấy, nhiều trường ĐH hiện đã và đang sử dụng phần mềm học trực tuyến để triển khai kế hoạch giảng dạy học kỳ I năm học 2021-2022.
Đơn cử, tại Trường ĐH Y Hà Nội, GS.TS Nguyễn Hữu Tú, Phó Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Học kỳ I năm học 2021-2022 bắt đầu với sinh viên các khóa trước từ ngày 5/8. Hiện tại, nhà trường quyết định dạy học trực tuyến cho 100% sinh viên để đảm bảo công tác phòng, chống dịch. Đối với chương trình học lâm sàng, nhà trường sẽ giảng dạy bằng hình thức quay video hướng dẫn kỹ thuật cho sinh viên. Khi điều kiện cho phép, sinh viên quay trở lại trường học trực tiếp sẽ được học bổ sung những phần kiến thức còn thiếu.
ĐH Quốc gia Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cả về chính sách, đầu tư, hỗ trợ để thúc đẩy chuyển đổi số nói chung và đào tạo trực tuyến nói riêng. Trong đó, phần mềm VNU-LMS được phát triển theo hướng tiếp cận hiện đại, có thể đáp ứng được nhu cầu giảng dạy. Ông Lê Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội khẳng định sẽ hỗ trợ tối đa cho cán bộ giảng viên giảng dạy trực tuyến. Từ nay đến năm 2022, trường tập trung nâng cao chất lượng hoạt động giảng dạy trực tuyến, tăng tính chủ động của giảng viên và sinh viên.
Lãnh đạo Trường ĐH Công nghiệp Dệt may Hà Nội chia sẻ: Để thích ứng với bối cảnh dịch bệnh, năm học này, nhiều hoạt động của nhà trường sẽ được tổ chức linh hoạt. Trường đã ban hành hướng dẫn tổ chức thi, chấm và bảo vệ khóa luận trực tuyến. Các khoa đã hướng dẫn sinh viên làm khóa luận trong giai đoạn giãn cách xã hội. Nếu dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp, việc tổ chức lễ tốt nghiệp cho sinh viên sẽ được tổ chức trực tuyến.
Cần quyết tâm để thích ứng
Nhận định về xu hướng dạy và học trực tuyến, ông Bùi Phương Việt Anh, Chủ tịch, Tổng Giám đốc Tổ chức giáo dục EAS Việt Nam cho rằng, phương thức giáo dục cần phải thay đổi để thích ứng với mục tiêu mới của đời sống, công việc thời đại 4.0 và chuyển đổi số. Trong đó, dạy học trực tuyến là phương thức cần được khai thác triệt để, hiệu quả trong những thập niên tới.
Việc các trường ĐH chuyển sang hình thức dạy học trực tuyến vì dịch Covid-19 cũng là thời cơ để giáo dục ĐH “chuyển mình” mạnh mẽ nhằm thích ứng với công cuộc chuyển đổi số. Tuy nhiên, đứng trước những thách thức mới, giáo dục ĐH cần phải làm gì để chuyển đổi tức thời nhưng vẫn phù hợp với yêu cầu xã hội số hiện nay?
GS.TS Lê Anh Vinh - Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam cho hay, trong quá trình chuyển đổi số, giáo dục ĐH Việt Nam cần phải quyết tâm và có sự đầu tư xứng đáng mới có thể đem lại hiệu quả.
Theo GS.TS Vinh, trong hai năm qua, dưới áp lực của dịch Covid-19, chuyển đổi số trong ngành giáo dục đã vượt xa những gì chúng ta đã làm trong 10 năm trước đó. Nhưng nếu đại dịch qua đi, liệu nội động lực bên trong có còn? Làm thế nào để “cú huých” đó tiếp diễn lâu dài và thực sự tạo ra sự chuyển đổi?- đây là câu hỏi đang được đặt ra.
Cũng theo GS.TS Vinh, trở ngại lớn nhất khi thực hiện chuyển đổi số trong giáo dục ĐH, không phải là trở ngại về công nghệ hay chi phí, mà chính là yếu tố con người. Liệu chúng ta có sẵn sàng đón nhận sự thay đổi hay không? Các thầy cô và học sinh có chấp nhận sự thay đổi, loại bỏ những điều cũ, học tập những cái mới? Bởi một trong những điều tiên quyết giúp chuyển đổi số thành công chính là việc sẵn sàng thay đổi và phải chấp nhận sự đổi mới trong toàn bộ quá trình này.
Khẳng định tính ưu việt của công nghệ số ứng dụng vào giảng dạy và học tập, song ông Phạm Bảo Sơn - Phó Giám đốc ĐH Quốc gia Hà Nội cho rằng: Để dạy học trực tuyến trở thành hoạt động liên tục và đảm bảo chất lượng cần những giải pháp đầu tư đồng bộ, mạnh mẽ đối với hệ thống phần cứng và phần mềm;…
Mới đây nhất, diễn đàn Giáo dục Việt Nam 2021 trực tuyến với chủ đề “Giáo dục đại học thích ứng với khủng hoảng” đã thu hút sự quan tâm của nhiều chuyên gia quốc tế. Tại đây, các đại biểu đã thảo luận về khả năng thích ứng cũng như đề xuất chính sách, giải pháp hay định hướng chuyển đổi cho giáo dục ĐH. Bà Nguyễn Thụy Phương - sáng lập viên Mạng lưới giáo dục EduNet và là giảng viên ĐH Paris nhận định: Các cơ sở ĐH nói chung đều đã thích ứng nhanh trong thời kỳ dịch bệnh khi chuyển sang hình thức trực tuyến, giảng viên và học sinh làm việc theo nhóm trên mạng, các công tác điều hành và quản lý được thực hiện trên các nền tảng và phần mềm hiện đại… Tuy nhiên, trong trung và dài hạn, điều đáng lo ngại là về chất lượng đào tạo sinh viên.
Những băn khoăn ấy hoàn toàn có cơ sở, bởi vấn đề dạy và học cần có quy định, hướng dẫn rõ ràng về việc học trực tuyến sao cho đảm bảo duy trì được sự tương tác giữa người dạy và người học. Giảng viên cũng cần được tập huấn về kỹ năng, phương pháp dạy học trực tuyến, không chỉ về mặt chuyên môn, mà còn là kỹ năng quản lý lớp học.