Trong chương trình giáo dục phổ thông mới, giáo dục STEM đã được chú trọng thông qua các biểu hiện: Chương trình giáo dục phổ thông mới có đầy đủ các môn học STEM. Đó là các môn Toán học; Khoa học tự nhiên; Công nghệ; Tin học... STEM sẽ được triển khai tốt nhất khi học sinh và giáo viên cùng đến trường. Nhưng trong bối cảnh hiện nay, học sinh học online nhiều, thì STEM cần được triển khai như thế nào cho hiệu quả?
Nhiều cách triển khai dạy học tại nhà
PGS.TS Nguyễn Chí Thành, Trường Đại học Giáo dục chia sẻ: Thời gian gần đây, việc học diễn ra chủ yếu qua hình thức trực tuyến do tình hình dịch bệnh phức tạp. Với học STEM trực tuyến, tôi nghĩ cũng có một số ưu điểm. Thứ nhất, qua các kết nối thì học sinh có thể tìm kiếm được rất nhiều thông tin ở các kênh khác nhau. Kỹ năng công nghệ, kỹ năng tìm kiếm thông tin hay xem những mô hình, mô phỏng để có những ý tưởng thiết kế là chúng ta có thể làm được. Thứ hai, giáo viên có thể triển khai những hoạt động như trao đổi, hình thành những ý tưởng thông qua các nhóm.
Tất nhiên đối với học sinh tiểu học, việc này sẽ khó khăn hơn vì cần có sự đồng hành của bố mẹ. Và cũng sẽ có những khó khăn khi chúng ta phải thực hiện thiết kế trực tiếp, khi cần có những trao đổi về sản phẩm này. Tôi nghĩ với giai đoạn đó, có thể nhà trường hãy cho các em hình thành trước ý tưởng, trao đổi định hình ý tưởng. Sau đó, có thể cho các em thực hành ý tưởng tại nhà. Đến khi, giáo viên và học sinh có thể gặp trực tiếp được thì sẽ cùng trao đổi về việc đó.
“Tôi vẫn nghĩ rằng, những thao tác thủ công hay chân tay, thì cần có sự gặp gỡ trao đổi làm việc trực tiếp mới ra được sản phẩm cụ thể. Còn nếu chúng ta chỉ trao đổi qua mạng về một sản phẩm nào đó sẽ khó hơn”- ông Thành nói và nhấn mạnh thêm rằng: Trong giai đoạn này nhà trường có thể triển khai những bước đầu tiên cho học sinh tìm tòi, hình thành các ý tưởng, sau đó trao đổi về ý tưởng theo các cách thức khác nhau. Khi đến gặp trực tiếp được thì cùng trao đổi lại. STEM phải là một kế hoạch, dự án chứ không thể xong sau 1, 2 bài được, nên chúng ta cần dành thời gian cho các em hoàn thiện sản phẩm.
TS Bùi Thị Thanh Hương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và ứng dụng khoa học giáo dục (Trường Đại học Giáo dục) bổ sung: Về dạy học STEM trực tuyến, chúng tôi cũng đã có nhiều cách triển khai. Đó là làm các video clip hướng dẫn; chia sẻ, trao đổi với các giáo viên đến từ nhiều trường học trên cả nước qua zoom để hỗ trợ họ trong việc giảng dạy. Cũng như kêu gọi sự hỗ trợ từ phía phụ huynh… Điều này đã được thực hiện rất thành công, phụ huynh đã cùng với giáo viên hướng dẫn các con làm được nhiều sản phẩm STEM tại nhà.
Học từ những khái niệm gần gũi
Về vấn đề này, cô giáo Đinh Thu Hồng - giáo viên tiểu học có kinh nghiệm nhiều năm giảng dạy về giáo dục STEM, tác giả cuốn sách “Học STEM kiểu Mỹ tại nhà” chia sẻ: Trong bối cảnh dịch bệnh căng thẳng, từ nhiều tháng trước, tôi và các đồng nghiệp đã có nhiều ý tưởng sáng tạo để việc dạy và học STEM luôn sống động. Ví dụ như sẽ lên các danh sách những nguyên liệu dễ kiếm tại nhà như giấy, băng dính, ống hút…, hoặc chuẩn bị sẵn những túi học liệu để gửi cho phụ huynh, có những khung giờ cụ thể để phụ huynh đến mang túi học liệu về.
Ngoài ra, với cách thực hiện STEM tại nhà, chúng tôi cũng đăng tải rất nhiều video lên YouTube để phụ huynh có thể tham khảo. Khi trộn một món ăn cũng là cách học trong khoa học, một khái niệm trong khoa học rất đơn giản, gần gũi với hoạt động hàng ngày tại nhà để phụ huynh có thể thực hiện cùng con. Hay hoạt động liên quan đến kẹo, bánh. Hoặc kê lại bàn ghế, sắp xếp lại nhà cửa, hay là đóng một cái giá đựng giày… cũng là trải nghiệm STEM.
“Không nhất thiết phải ở trường mới học tập, thực hành được STEM mà ở nhà cũng có thể thực hiện, giải quyết các khâu trong hoạt động STEM. Ví dụ như đóng một cái giá giày mà thấy quá rộng hoặc quá chật thì hãy bàn cùng với con xem là, bây giờ có thể có hướng giải quyết như thế nào để cho hiệu quả, để đựng được nhiều giày nhất, mà không bị chiếm không gian chẳng hạn… Thì đó chính là quy trình giải quyết vấn đề trong STEM”- cô Hồng nói.
Khi có kiến thức khó hiểu trong hoạt động trải nghiệm STEM thì có thể tra cứu thông tin ở đâu? Hay làm thế nào để hiểu kỹ về kiến thức đó? Với câu hỏi này, cô Hồng cho biết: Nếu vấn đề đó khó hiểu liên quan đến việc học tập tại trường qua các môn như Khoa học Tự nhiên, Khoa học Xã hội… thì có thể dùng chính sách giáo khoa để tìm hiểu.
Việc mở rộng kiến thức trong thời buổi công nghệ thông tin cũng rất dễ dàng để cho các bạn tìm hiểu sâu. Hoặc có thể dùng sách liên quan từng chủ đề. Nếu các học sinh đang học về tái chế rác thải chẳng hạn thì có thể dùng chính sách liên quan đến chủ đề này, hoặc video mở rộng chuyên sâu kiến thức liên quan. Hoặc cũng có thể hỏi chuyên gia trong lĩnh vực này, thầy cô có thể giúp kết nối cho học sinh đi tham quan những nhà máy chế biến rác thải, hay trung tâm thu gom rác… để các em hiểu rõ hơn về những gì các em đang học ở trường.
Với hình thức học tại nhà này, các chuyên gia cũng cho rằng cần phải có những đánh giá để xem hiệu quả của quá trình học đến đâu. Theo PGS.TS Nguyễn Chí Thành: Trong việc dạy và học thì đánh giá kết quả học sinh là rất quan trọng cho các thầy cô cũng như các học sinh, để xác định xem kết quả đạt đến đâu; sau đó có điều chỉnh phương pháp, kiến thức. Với giáo dục STEM rất quan trọng, vì trong STEM, chúng ta chú ý tới sản phẩm như là một kết quả đặc biệt. Chú ý đến sản phẩm của dự án hay sản phẩm cụ thể khi kết thúc một phương án STEM.
Thứ hai, trong tiêu chí đánh giá cần có sự góp ý của học sinh. Khi các nhóm trình bày sản phẩm thì tất cả học sinh cũng được đánh giá với tiêu chí riêng. Phần đánh giá này cũng rất quan trọng.
STEM có gì khác với thực hành và thí nghiệm?
Theo chuyên gia giáo dục, PGS.TS Mai Văn Hưng: Thí nghiệm là một hoạt động minh họa cho kiến thức, tức là sau khi học xong kiến thức lý thuyết thì người ta minh họa các kiến thức lý thuyết ấy bằng thí nghiệm. Còn thực hành là người ta vận dụng kiến thức vào trong cuộc sống, hoạt động cụ thể có liên quan kiến thức, giống như một trình tự học hành. “Học” là chuyện thu nhận kiến thức, “tập” là chuyện lặp đi lặp lại kiến thức bằng các bài thí nghiệm cho quen, hiểu kiến thức, sau đó mang “tập” đó ra ngoài cuộc sống “hành” xem thế nào, thì đó chính là việc thực hành.
STEM là sự kết hợp của cả thí nghiệm, cả thực hành, để giải quyết vấn đề nào đó trong cuộc sống dưới dạng các dự án. Những dự án này sẽ giúp học sinh làm quen với “trường đời”. Và nhiệm vụ quan trọng hơn của giáo dục STEM là khởi đầu cho sáng tạo khoa học kỹ thuật, là một trong số những chức năng trong tư duy của con người khi muốn “cãi nhau” với tạo hóa, “cãi nhau” với thiên nhiên. Và chuyện giáo dục STEM là khởi đầu cho cuộc “cãi nhau”, để rồi sau này lớn lên, các em có thể trở thành các nhà khoa học và trở thành những chuyên gia “cãi nhau” với tạo hóa một cách chuyên nghiệp.