Chiều 24/4, nhân việc đình chỉ vụ án, bị can đối với chủ quán Xin Chào, PGS.TS Trần Hoàng Ngân- ĐBQH, Giám đốc Học viện Cán bộ TP HCM đã trao đổi với phóng viên ĐĐK về việc hoàn thiện thể chế kinh tế và môi trường đầu tư, để doanh nghiệp phát triển.
PGS.TS Trần Hoàng Ngân.
PV: Với tư cách đại biểu Quốc hội, là nhà chuyên môn, ông vừa đến Bình Chánh khảo sát vụ khởi tố chủ quán Xin Chào. Qua khảo sát, theo ông, chính sách quản lý hoạt động sản xuất kinh doanh đang tồn tại bất cập gì?
PGS.TS Trần Hoàng Ngân: Cuối tuần qua tôi đến quán phở, quán cà phê Xin Chào mục đích gặp chủ quán để tìm hiểu rõ sự việc, xem có vấn đề gì khó khăn, vướng mắc cần tháo gỡ. Tuy nhiên, qua tiếp xúc và tìm hiểu thông tin tôi thấy chủ quán phở không sai, cơ quan chức năng huyện Bình Chánh lại cho rằng không sai khi không cập nhật quy định mới.
Thưa ông, nhìn từ vụ việc này cơ quan chức năng có thể rút ra được bài học gì trong công tác quản lý nhằm đảm bảo hoạt động sản xuất kinh doanh an toàn, lành mạnh?
- Thông qua sự việc này mới thấy đây là câu chuyện nhỏ nhưng lại cho bài học lớn.
Thứ nhất, phải tập trung tuyên truyền hiểu biết luật pháp cho đội ngũ dịch vụ công. Bởi vì nguyên nhân dẫn đến vụ việc khởi tố chủ quán phở do luật đã sửa đổi nhưng cán bộ địa phương không cập nhật thông tin và quy định mới về quy trình tiếp nhận, xử lý hồ sơ cấp giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm…
Thứ hai, luật nên ổn định thay vì cứ thay đổi liên tục như thời gian qua.
Thứ ba, đẩy mạnh tuyên truyền cho đội ngũ cán bộ hành pháp hiểu rõ hơn về các quy định mới để họ nghiên cứu và áp dụng vào thực tế cho phù hợp. Thực tế đã chứng minh có nhiều bất cập khi áp dụng các quy định vào cuộc sống. Mới đây, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, Nghị quyết mang tính trí tuệ cao nhưng đi vào thực tiễn rất yếu kém. Tương tự, pháp luật quy định một đường, thực hiện không như ý.
Thứ tư, cần hoàn thiện tốt quy trình xử lý thủ tục hành chính như: hỗ trợ doanh nghiệp, người dân trong đăng ký kinh doanh để người dân không ngại đến với dịch vụ công. Trường hợp làm được việc này sẽ giải quyết tốt hàng loạt vấn đề, cụ thể: giải quyết việc làm, tăng thu ngân sách, đơn giản và nhanh chóng về thủ tục.
Ý kiến nhiều doanh nghiệp cho rằng, môi trường đầu tư đã được cải thiện song vẫn diễn ra chậm và chưa thật sự như mong muốn. Ông đánh giá về hiệu quả của vấn đề này thời gian qua như thế nào?
- Luật Doanh nghiệp và Luật Đầu tư sửa đổi chính thức có hiệu lực từ năm 2015 nhằm đảm bảo kinh doanh lành mạnh và công bằng song cần có hướng dẫn cụ thể xuống tận tổ, trung tâm, phường/xã. Theo tôi nên hình thành các tổ dịch vụ công hỗ trợ xúc tiến thương mại, thành lập doanh nghiệp, hỗ trợ phát triển đầu tư…
Nói chung là những dịch vụ hành chính công nhằm tạo điều kiện để doanh nghiệp sản xuất kinh doanh. Đơn cử đối với trường hợp của quán phở Xin Chào, sau vụ việc này họ sẽ ngại tìm đến các cơ quan hành chính để làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận an toàn vệ sinh thực phẩm. Cơ quan chức năng địa phương cần chủ động tìm đến hỗ trợ đơn vị này.
Hội nhập sâu rộng buộc doanh nghiệp bước vào sân chơi chung, thế nhưng rào cản về thủ tục hành chính đang cản trở sự phát triển. Theo ông, giải pháp trong thời gian tới hoạt động cải cách môi trường đầu tư, kinh doanh là gì?
- Chính phủ nên triển khai và hoàn thành tốt chương trình chính quyền điện tử nhằm giảm tối đa về thời gian, chi phí cho người dân, doanh nghiệp. Tiếp tục rà soát các thủ tục hành chính rườm rà gây bất lợi trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Tuy nhiên, muốn thực hiện tốt cải cách thủ tục hành chính, cải thiện tốt môi trường đầu tư đòi hỏi đội ngũ cán bộ công chức nhiệt tình, nỗ lực với công việc.
Cán bộ công chức là những người quyết định sự thành công cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư trong an toàn và lành mạnh. Chưa hết, cộng đồng doanh nghiệp hiện nay đang phải cạnh tranh gay gắt, khốc liệt khi sản phẩm ngoại ồ ạt thâm nhập với mong muốn chiếm lĩnh thị trường. Trong khi doanh nghiệp nội địa lại “thấp bé , nhẹ cân” do khả năng cạnh tranh không cao, vốn ít, trang thiết bị lạc hậu…
Thực tế đó đang đòi hỏi chính quyền địa phương phải có những chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhiều hơn nữa để doanh nghiệp có điều kiện tiếp cận nguồn vốn và đổi mới công nghệ tăng khả năng cạnh tranh.
Trân trọng cảm ơn ông!