Đẩy mạnh công nghệ 4.0 vào bảo tồn phát triển cây sâm quý Ngọc Linh

Tấn Thành 28/02/2021 13:40

Sâm Sâm Group đã nỗ lực đầu tư hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh bằng kỹ thuật NCM in-vitro.

Giá trị của sâm Ngọc Linh

Hiện nay giá trị của cây sâm Ngọc Linh đã được khẳng định trong và ngoài nước. Nó thật sự trở thành quốc bảo. Vì thế bảo tồn và phát triển loại sâm này không chỉ tỉnh Quảng Nam mà cả Chính phủ đã quan tâm một cách cụ thể.

Theo Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam, Hồ Quang Bửu, cây sâm Ngọc Linh do người dân Nam Trà My trồng và khai thác hiện nay là 1 trong 5 địa điểm trên thế giới có sâm quý.

Dó đó, phát triển cây sâm này thành hàng hóa chủ đạo để phát triển kinh tế, góp phần xóa đói giảm nghèo, ổn định đời sống cho đồng bào các dân tộc tại địa bàn vùng trồng sâm là mục tiêu đã đặt ra.

Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô tại Sâm Sâm Group.

“Một trong các giải pháp để thực hiện mục tiêu trên là xây dựng thành công thương hiệu sâm Việt Nam cùng với việc bảo tồn phát triển giống sâm thì phải xây dựng quy trình sản xuất các mặt hàng thuốc có giá trị kinh tế cao từ nguồn nguyên liệu sâm Ngọc Linh để tạo nên dược phẩm đặc hữu của quốc gia, góp phần phát triển ngành dược và kinh tế xã hội của của tỉnh Quảng Nam và của đất nước”, ông Hồ Quang Bửu nhấn mạnh.

Bên trong trung tâm nuôi trồng cáy mô sâm Ngọc Linh của Sâm Sâm Group.

Cũng theo ông Bửu, Chính phủ đã thông qua Đề án bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh, đồng thời công nhận Ngọc Linh là sản phẩm quốc gia đã giúp thương hiệu và giá trị cây sâm tăng lên rất cao.

Tại huyện Nam Trà My, nơi được gọi là thủ phủ sâm Ngọc Linh, hiện nay cây sâm đã phát triển ở 7 xã với hàng ngàn hộ hộ tham gia trồng. Cùng với đó, Quảng Nam đang triển khai nhiều dự án như Dự án sản xuất giá thể sâm Ngọc Linh, Dự án khảo nghiệm nuôi cấy mô, Dự án chế biến sâu về sâm Ngọc Linh cho mỹ phẩm, thực phẩm chức năng,…

Mục tiêu đến năm 2020 diện tích bảo tồn nguồn giống và phát triển sâm Ngọc Linh trên địa bàn huyện Nam Trà My đạt 665,4 ha. Đến năm 2025 trồng thêm 2.000 ha, những năm tiếp theo sẽ trồng hết diện tích quy hoạch, đưa cây sâm Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa mũi nhọn nhằm phát triển kinh tế của tỉnh Quảng Nam.

Sâm Sâm Group nơi tiên phong cho việc nuôi trồng sâm Ngọc Linh bằng phương pháp cấy mô.

Theo ông Trần Văn Mẫn, Phó Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My, trong các phiên chợ sâm gần đây, mỗi ký sâm có giá từ 80 - 200 triệu đồng. Bình quân 1ha sâm trồng sau 5 năm có thể cho thu nhập từ 70 - 75 tỷ đồng. Nhờ cây sâm nhiều hộ đồng bào dân tộc thiểu số ở đây không chỉ thoát nghèo mà đã trở nên khá giả.

Bảo tồn và phát triển

Quyết định số 157/QĐ-TTg Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc ký ngày 1/2/2021 đã nêu rõ “Nghiên cứu, ứng dụng công nghệ tiên tiến, thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 vào sản xuất, phát triển các sản phẩm quốc gia nhằm tăng năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh của sản phẩm quốc gia tại thị trường trong nước và quốc tế. Đến năm 2030, hình thành và phát triển tối thiểu 10 sản phẩm quốc gia mới”.

Dó đó tại Quảng Nam, để bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh theo định hướng nói trên, nơi đây không chỉ áp dụng các biện pháp ứng dụng khoa học vào quá trình gieo ươm hạt giống, mà con đẩy mạnh quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô (NCM) in-vitro. Đơn vị tuyên phong cho việc này là Sâm Sâm Group, đóng tại KCN Tam Thăng, xã Tam Thăng, TP Tam kỳ, Quảng Nam.

Ông Lực bên hệ thống chiết xuất với công suất 1500 phôi/mẻ.

Trao đổi với Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Đức Lực, Chủ tịch HĐQT Sâm Sâm Group cho biết, đơn vị đã nỗ lực đầu tư hợp tác nghiên cứu, ứng dụng, làm chủ công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh bằng kỹ thuật NCM in-vitro.

“Chúng tôi là đơn vị tiên phong tiếp nhận chuyển giao quy trình công nghệ nhân giống sâm Ngọc Linh NCM in-vitro từ Sở Khoa học và công nghệ và hiện đã làm chủ công nghệ nhân giống sâm với các công đoạn: tạo mẫu in-vitro từ thân rễ (củ) và lá sâm; tạo mô sẹo - phôi thứ cấp, hình thành cây con; tạo cây con in-vitro có bộ rễ hoàn chỉnh. Đơn vị cũng nỗ lực đầu tư kiện toàn nguồn nhân lực, kiện toàn trang thiết bị hệ thống phòng thí nghiệm NCM đạt chuẩn, vườn ươm huấn luyện cây con,…”.

Theo ông Lực, đội ngũ thực hiện công nghệ cấy mô tại trung tâm được đào tạo qua 4 năm, bước đầu với 150 người. Còn từ khi cấy mô đến đem ra nuôi trồng khoảng 9 tháng. “Tại đây có hệ thống chiết xuất dược liệu với công suất 1500 phôi/mẻ Chúng tôi có đến 20 phòng, mỗi phòng 10.0000 bình cây sâm mô. Tuy nhiên đợt đầu đơn vị đã nhân giống thành công 23.000 cây đạt tiêu chuẩn để đưa ra vườn ươm và thật đáng mừng qua đánh giá tỷ lệ sinh trưởng và phát triển đồng đều, tỷ lệ sống sau 5 tháng tại vườn ươm đạt 70%. Cây trưởng thành cho củ to, hình thái lá bình thường và cấu trúc tương tự cây sâm ngoài tự nhiên”- ông Lực nói.

Một củ sâm khủng người dân phát hiện ở rừng tự nhiên.

Theo ông Lực, không chỉ thúc đẩy quá trình nghiên cứu, hợp tác, tiếp nhận chuyển giao khoa học và công nghệ, Sâm Sâm Group còn tích cực đào tạo nguồn lao động chất lượng cao, đào tạo cán bộ kiểm định, phân tích, nghiên cứu chuyên sâu về sâm NCM và các sản phẩm từ sâm. Hiện, nhiều dòng sản phẩm của đơn vị ra đời có chỗ đứng trên thị trường như dòng sản phẩm hỗ trợ đái tháo đường, gút, cao huyết áp, tim mạch, viên tăng lực, cải thiện sinh lý nam,…

Trước đó, Đại Đoàn Kết đã đưa tin, tỉnh Quảng Nam đã quyết định chi 3 tỷ đồng để thực hiện mô hình nuôi cấy mô cây sâm Ngọc Linh, giao cho Sâm Sâm Group thực hiện. Hy vong với phương pháp NCM in-vitro sẽ góp phần quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh quý ở vùng Trà Linh, tỉnh Quảng Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh công nghệ 4.0 vào bảo tồn phát triển cây sâm quý Ngọc Linh