Cùng với rà phá bom mìn tồn sót lại sau chiến tranh, việc triển khai chính sách đào tạo nghề, dịch vụ việc làm… đã giúp nạn nhân bom mìn ổn định cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng.
Đánh giá về kết quả hỗ trợ nạn nhân bom mìn giai đoạn 2016-2020, Bộ LĐTB&XH cho biết, số bom đạn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam hiện nay khoảng 800 nghìn tấn, nằm rải rác trên tổng diện khoảng 6,1triệu ha, chiếm 18,82% tổng diện tích của cả nước.
Từ năm 1975 đến nay, bom mìn còn sót lại phát nổ đã làm hơn 4 vạn người chết, 6 vạn người bị thương, trong đó phần lớn nạn nhân là lao động chính trong gia đình và trẻ em. Chính vì vậy, việc triển khai chính sách trợ giúp xã hội, tạo việc làm cho nạn nhân bom mìn rất được Nhà nước đặc biệt quan tâm.
Hiện cả nước có hơn 1,6 triệu trẻ em khuyết tật, trong đó có hơn 9 vạn trẻ khuyết tật nặng bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học có khả năng học tập được đi học hòa nhập ở các trường mầm non và phổ thông.
Đối với giáo dục nghề nghiệp và tạo việc làm, thời gian qua, hơn 2 vạn người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn, đã được hỗ trợ đào tạo nghề trình độ sơ cấp, đào tạo dưới ba tháng tại các cơ sở giáo dục nhà nước.
Cả nước đã giải quyết việc làm cho hơn 1,5 triệu lao động, trong đó có khoảng 10% là người khuyết tật, nạn nhân bom mìn.
Mạng lưới cơ sở cung cấp dịch vụ công tác xã hội và phục hồi chức năng cho nạn nhân bom mìn đang tích cực phát triển. Hiện toàn quốc có 425 cơ sở trợ giúp xã hội, trong đó có 73 cơ sở chăm sóc cho người khuyết tật, bao gồm nạn nhân bom mìn và chất độc hóa học và 45 Trung tâm Công tác xã hội chuyên biệt.
Để tiếp tục cải thiện chất lượng cuộc sống của nạn nhân bom mìn, từng bước tạo điều kiện cho họ tái hoà nhập cộng đồng, ổn định và tự vươn lên trong cuộc sống, Bộ LĐTB&XH cho biết, sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp như hỗ trợ sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tìm việc làm cho các nạn nhân bom mìn, người khuyết tật.
Các tỉnh, thành phố trọng điểm về ô nhiễm bom mìn sẽ tiến hành hỗ trợ mô hình sinh kế. Mô hình tập trung vào hỗ trợ cây giống, con giống, công cụ, phương tiện, cơ sở vật chật… để giúp người khuyết tật, nạn nhân bom mìn, vật liệu tổ chức lao động sản xuất kinh doanh; hỗ trợ học nghề, tạo việc làm; hỗ trợ vay vốn, hỗ trợ tín dụng để sản xuất kinh doanh.