Tuần qua, liên tiếp những cá nhân mắc sai phạm đã được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ rõ và kiến nghị Bộ Chính trị xem xét, xử lý kỷ luật. Đáng nói là, những vi phạm của các cá nhân đều diễn ra trong thời gian dài, có tính hệ thống nhưng không được ngăn chặn kịp thời. Điều đó cho thấy việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu. Trao đổi với ĐĐK, ông Lê Như Tiến, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, thiếu niên và nhi đồng của Quốc hội cho rằng, cần đẩy mạnh tự phê bình và phê bình.
Ông Lê Như Tiến.
PV:Từ những kết luận về vi phạm của các cán bộ đảng viên trong tuần qua, ông đánh giá thế nào về vấn đề này?
Ông Lê Như Tiến: Bộ Chính trị đã thi hành kỷ luật đối với ông Hoàng Trung Hải, Uỷ viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành uỷ Hà Nội, nguyên Uỷ viên Ban Cán sự đảng, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ đã cho thấy quyết tâm chính trị rất lớn của Đảng, Nhà nước. Bộ Chính trị đã chỉ rõ những vi phạm, khuyết điểm của ông Hoàng Trung Hải là nghiêm trọng, gây bức xúc trong xã hội, ảnh hưởng xấu đến uy tín của tổ chức Đảng và cá nhân ông Hải đến mức cần phải xử lý nghiêm minh theo quy định của Đảng. Còn ông Lê Thanh Hải, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Bí thư Thành ủy TP.Hồ Chí Minh chịu trách nhiệm chính về những vi phạm, khuyết điểm của Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh trong quá trình thực hiện Dự án đầu tư khu đô thị mới Thủ Thiêm, gây hậu quả rất nghiêm trọng, làm thiệt hại lớn tiền và tài sản của Nhà nước và gây bức xúc trong xã hội.
Nhưng có một vấn đề đó là tại sao những sai phạm của các cán bộ đảng viên là lãnh đạo cấp cao, đã diễn ra trong một thời gian dài nhưng tổ chức đảng nơi đó không phát hiện ra? Lẽ ra, khi thấy có dấu hiệu vi phạm, tổ chức đảng nơi đó phải ngăn chặn ngay, không để đến mức cán bộ cứ lên hết cấp nọ, cấp kia rồi mới bị kỷ luật. Đó là bài học rất xót xa trong công tác quản lý cán bộ. Bởi thực tế họ không hoạt động “đơn thương độc mã” mà họ hoạt động trong tập thể cấp ủy Đảng. Chả nhẽ tập thể lãnh đạo thời điểm đó không biết? Rõ ràng, nếu thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, bàn bạc sẽ không đến mức như vậy.
Vậy theo ông nguyên nhân là do việc tự kiểm tra, tự phát hiện và xử lý vi phạm trong nội bộ vẫn là khâu yếu hay do những kẽ hở nào khác?
- Chúng ta có hàng loạt các cơ quan kiểm soát như: Thanh tra Chính phủ, thanh tra các bộ, ngành nhưng chưa có cơ chế kiểm soát quyền lực một cách thực sự, hiệu quả. Nguyên nhân của mọi nguyên nhân là phải kiểm soát quyền lực. Tôi xin nhắc lại, những cán bộ đảng viên vi phạm trong thời gian qua đều là những cán bộ cấp cao, người có chức, có quyền như: ông Đinh La Thăng, ông Nguyễn Bắc Son, ông Trương Minh Tuấn, rồi đến nay là ông Hoàng Trung Hải, ông Lê Thanh Hải. Vậy cơ chế kiểm soát quyền lực đối với các đồng chí đó như thế nào? Khi để xảy ra hết chuyện nọ, chuyện kia rồi mới thấy là vi phạm rất nghiêm trọng. Trong đó vi phạm cả nguyên tắc tập trung dân chủ, vi phạm nguyên tắc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước.
Đó là việc kiểm soát quyền lực còn chưa tốt, chưa chặt chẽ. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nhắc: “Phải có cơ chế kiểm soát quyền lực”, tức là phải nhốt quyền lực đó vào lồng pháp luật, dùng pháp luật để soi xét các hành vi. Tại sao khi Dự án Tisco 2 nâng lên mấy ngàn tỷ đồng mà không có sự can ngăn nào? Còn trường hợp của ông Lê Thành Hải, tại sao Ban Thường vụ Thành ủy TP Hồ Chí Minh không có sự can ngăn?
Nó cũng cho thấy: Đấu tranh trong nội bộ vẫn còn yếu. Thực tế tại một số Đảng bộ có việc ngại va chạm, sợ động đến “ghế” của mình cho nên đã ngại đấu tranh. Đặc biệt từ những vi phạm được Ủy ban Kiểm tra Trung ương chỉ ra trong thời quan qua đã phát hiện tại một số Đảng bộ có người đứng đầu lộng quyền, lạm quyền và chuyên quyền. Còn cấp dưới nể nang, sợ ảnh hưởng tới vị trí công tác của mình nên dĩ hòa vi quý cho qua.
Để nâng cao sức chiến đấu của các tổ chức đảng, theo ông chúng ta cần có giải pháp nào trong thời gian tới?
- Có nhiều giải pháp, nhưng cá nhân tôi cho rằng trước hết phải bịt tất cả những kẽ hở của cơ chế, chính sách pháp luật. Phải bịt các lỗ hổng bằng khung pháp lý. Vừa qua do có những sơ hở trong văn bản pháp lý cho nên chúng ta đã phải sửa đổi các luật như: Luật Phòng, chống tham nhũng; Luật Cán bộ công chức; Luật Viên chức; Luật Đầu tư; Luật Đấu thầu. Khi sửa các luật này đều hướng tới yếu tố công khai, minh bạch các dự án để mọi người biết và có quyền tham gia giám sát, cũng là để ngăn chặn tình trạng sai phạm. Nếu như vụ Thủ Thiêm công khai minh bạch quy hoạch, có lẽ không đến nỗi như hiện nay. Nếu công khai minh bạch, đưa ra bàn thảo dân chủ trong Đảng, trong chính quyền thì làm sao có việc mở rộng Dự án Tisco 2 từ 3.000 tỷ đồng thành hơn 8.000 tỷ đồng. Nếu công khai minh bạch không đến mức 12 đại dự án của ngành Công thương phải đắp chiếu trong thời gian qua, buộc phải khắc phục, xử lý.
Chúng ta vẫn nói đấu tranh phê và tự phê là động lực của sự phát triển và làm trong sạch bộ máy. Nhưng tại một số cấp ủy Đảng, khâu tự phê bình và phê bình đang bị triệt tiêu, từ đó kéo theo “một dây” khuyết điểm từ sai lầm nọ đến sai lầm kia. Vì thế theo tôi thời gian tới cần tăng cường đẩy mạnh tự phê bình và phê bình trong các tổ chức Đảng.
Trân trọng cảm ơn ông!