Đẩy mạnh nuôi hải sản xa bờ

Lê Bảo 17/08/2023 06:32

Giảm khai thác hải sản từ tự nhiên, tăng nuôi trồng là hướng đi chiến lược được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) coi là một chính sách giúp cân bằng giữa nhu cầu của con người với bảo tồn tài nguyên biển và phát triển bền vững.

Mô hình nuôi cá tra thâm canh đạt chứng nhận VietGAP tại vùng Đồng bằng sông Cửu Long. Ảnh: TTKNQG.

Đó là nhận định của các đại biểu tại Tọa đàm trực tuyến “Phát triển nuôi trồng thuỷ sản trên biển - Cơ hội và thách thức” do Trung tâm Khuyến nông quốc gia (Bộ NNPTNT) tổ chức ngày 16/8.

Theo ông Trần Công Khôi - Trưởng phòng Giống và thức ăn thủy sản (Cục Thủy sản, Bộ NNPTNT), Việt Nam có 3.260km bờ biển, có khoảng 500.000ha mặt nước có thể nuôi thủy sản. Trên thực tế có rất nhiều vùng, địa phương có thể phát triển, đơn cử như vùng phía Bắc, nơi các cửa sông, cửa biển có thể phát triển nuôi cá, nhuyễn thể, giáp xác. Với vùng duyên hải miền Trung có thể nuôi cá biển quy mô lớn, sản lượng lớn. Vùng thứ 3 là Đông Nam bộ và vùng thứ 4 là Tây Nam bộ.

Về mặt chính sách, năm 2017 đã có Nghị quyết 09 về phát triển kinh tế biển rồi Luật Thủy sản được ban hành đã tạo hành lang pháp lý để phát triển kinh tế thủy sản. Đến năm 2018 có Nghị quyết số 36 chú trọng phát triển kinh tế thủy sản. Đặc biệt, năm 2021 Thủ tướng cũng đã ban hành Đề án phát triển nuôi trồng thủy sản trên biển đến năm 2030 tầm nhìn 2045, điều này cho thấy, về mặt chủ trương đã khá đầy đủ.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Hữu Dũng - Chủ tịch Hiệp hội Nuôi biển Việt Nam, dù chúng ta có nhiều thuận lợi, có thể khai thác nghề nuôi biển không phụ thuộc vào nhiều yếu tố song bên cạnh đó là những khó khăn khiến nghề nuôi biển nước ta chưa phát triển đúng với tiềm năng. Ông Dũng chỉ ra, quy mô sản xuất, 99% số trại nuôi trên biển là quy mô hộ gia đình nên sản xuất phải lo từ cá giống, lồng bè, dịch bệnh, bán cá... khiến rủi ro đổ lên đầu người nuôi cá, nếu không may bị bão gây thiệt hại rất lớn.

Theo ông Dũng mặc dù các bè nuôi của bà con trị giá hàng chục tỷ đồng nhưng Nhà nước, ngân hàng không công nhận đó là tài sản. Vì không có cơ quan nào xác định, đánh giá để các cơ quan đánh giá là tài sản cho bà con có thể vay vốn hay tiếp cận bảo hiểm, các chính sách, hỗ trợ của nhà nước.

“Mức độ tiếp cận chính sách, thực hiện chính sách khó. Luật Thủy sản năm 2017, việc giao khu vực biển cho các tổ chức, cá nhân làm hoạt động nuôi trồng chưa được thực hiện hiệu quả. Luật có hiệu lực từ đầu năm 2019 nhưng chưa có cơ quan nào được giao biển để nuôi trồng lâu dài. Trong Nghị định 67 vẫn còn nhiều vấn đề chưa được giải quyết. Theo đó, từ sản xuất đến quản lý còn nhiều vướng mắc cần được các cơ quan chức năng, địa phương tháo gỡ” - ông Dũng nhấn mạnh.

Tính toán từ thực tế cho thấy, với tiềm năng khai thác biển từ 3,9-4 triệu tấn hiện chúng ta đã khai thác đạt 3,6 triệu tấn, chính vì vậy, theo các chuyên gia việc giảm khai thác ven bờ, tập trung nuôi trồng thủy sản là vấn đề cần hướng đến.

Trên thực tế về chuyển đổi nghề, Chính phủ cũng đã có Quyết định 339 về chiến lược thủy sản từ năm 2030-2045. Thủ tướng Chính phủ cũng đã phê duyệt Quyết định 1664 về Đề án phát triển thủy sản trên biển;cùng với đó là Quyết định 208 về chuyển đổi nghề xâm hại môi trường biển sang nghề khác.

Ông Đặng Xuân Trường - Trưởng phòng Khuyến ngư (Trung tâm Khuyến nông quốc gia, Bộ NNPTNT) cho biết, thời gian qua, Trung tâm đã triển khai nhiều mô hình, đưa các đối tượng nuôi biển vào thực tế rất phong phú, từ nuôi xa bờ, ven bờ, bãi triều, hướng đến các sản phẩm nuôi giá trị như cá biển (cá giò, cá mú, chim vây vàng), tôm hùm, các loại nhuyễn thể như rong biển. Tuy nhiên để phát huy hơn nữa nghề nuôi biển thời gian tới, chúng ta phải phối hợp các Viện để có con giống, hợp tác với doanh nghiệp để có thức ăn cùng đồng hành với khuyến nông và chuyển giao cho bà con. Các mô hình khuyến nông sẽ hướng tới liên kết với các hợp tác xã để hình thành các chuỗi liên kết.

Về đầu ra cho các sản phẩm nuôi biển, đại diện Cục Thủy sản cho biết: Đối với nuôi biển, thị trường bây giờ mới bắt đầu phát triển vì đây là ngành mới. Trước đây chúng ta thường tiêu thụ trong nước, nhưng nếu chỉ có thị trường trong nước sẽ khó phát triển nên phải tính đến xuất khẩu. Hiện tôm hùm đã xuất khẩu được 142 triệu USD, cá biển hơn 300 triệu USD, tuy nhiên tiềm năng xuất khẩu còn rất lớn. Chúng ta phải có vùng nuôi lớn đạt chuẩn, phải có nghiên cứu sâu, đủ về các thị trường tiềm năng và có cách tiếp cận phù hợp, làm theo đúng yêu cầu thị trường như vậy sẽ đưa sản phẩm đi được nhiều thị trường trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh nuôi hải sản xa bờ