Thời gian qua, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình đã không ngừng đổi mới nội dung, phương thức giám sát, phản biện xã hội, tham gia xây dựng pháp luật, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng hoạt động giám sát của Ban Thanh tra nhân dân, Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng, lựa chọn những vấn đề được nhân dân quan tâm để triển khai giám sát.
Theo bà Đặng Bích Ngọc - Phó Chủ tịch Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình, sự phối hợp giữa MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình và các tổ chức đoàn thể trong tỉnh đã góp phần nâng cao hiệu quả trong việc giám sát và phản biện xã hội, giúp hoạt động này có chiều sâu và thực chất hơn.
Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình đã chủ trì, phối hợp với các tổ chức đoàn thể tổ chức hội nghị thống nhất nội dung giám sát năm 2022 và ban hành kế hoạch về giám sát và phản biện xã hội của Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình và các tổ chức đoàn thể năm 2022. Trong đó, MTTQ tỉnh đã chủ trì giám sát 5 nội dung, các tổ chức đoàn thể chủ trì giám sát 8 nội dung, thành lập 3 đoàn giám sát theo các nội dung kế hoạch chi tiết của MTTQ tỉnh về giám sát năm 2022; thành lập 1 đoàn kiểm tra xác minh theo đơn thư về nội dung thu, chi các loại quỹ ủng hộ tại huyện Lương Sơn.
“Ban Thanh tra nhân dân và Ban Giám sát đầu tư của cộng đồng trên địa bàn tỉnh Hòa Bình được duy trì hoạt động hiệu quả, góp phần phát huy vai trò trong thực hiện quyền giám sát của nhân dân ở cơ sở như giám sát việc giải quyết khiếu nại, tố cáo, thực hiện Pháp lệnh về dân chủ cơ sở, việc thực hiện các dự án đầu tư, công trình từ nguồn vốn do nhân dân đóng góp và các vấn đề liên quan đến quyền lợi, nghĩa vụ của công dân. Qua đó đã góp phần phòng ngừa, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật, chống tham ô, lãng phí, tăng cường dân chủ ở cơ sở, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nhân dân” - bà Đặng Bích Ngọc nhấn mạnh.
Cũng theo bà Ngọc, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình đã tích cực bám sát chương trình, kế hoạch của cấp ủy, chính quyền các cấp và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, những vấn đề xã hội nổi cộm, bức xúc mà nhân dân quan tâm để thực hiện công tác phản biện xã hội. Năm 2022, MTTQ tỉnh đã tổ chức 2 hội nghị phản biện đối với dự thảo Luật Đất đai sửa đổi, dự thảo Quy hoạch tỉnh Hòa Bình thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến 2050 và phản biện bằng hình thức gửi văn bản đối với 2 dự thảo: Luật Thực hiện dân chủ ở cơ sở; Nghị quyết liên tịch ban hành quy chế phối hợp công tác giữa Chính phủ và Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam.
Bên cạnh đẩy mạnh triển khai giám sát, phản biện xã hội, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình tiếp tục phát huy dân chủ ở cơ sở và vai trò đại diện, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp chính đáng của nhân dân. Trong đó, công tác tiếp dân, giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân, phối hợp tổ chức các buổi đối thoại giữa người đứng đầu cấp ủy, chính quyền với nhân dân được MTTQ tỉnh quan tâm thực hiện. Năm qua, MTTQ các cấp tỉnh đã tiếp 15 lượt công dân và nhận 25 đơn thư của công dân, ban hành 1 văn bản đôn đốc giải quyết đơn thư.
Về tham gia xây dựng pháp luật, bà Ngọc cho biết, MTTQ các cấp tỉnh Hòa Bình và các tổ chức thành viên đã tích cực tham gia góp ý vào các dự thảo, các văn bản quy phạm pháp luật, các dự thảo quy hoạch, đề án, các chương trình, Nghị quyết phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương khi được yêu cầu hoặc khi được mời tham dự các cuộc họp của HĐND, UBND cùng cấp. Trong năm 2022, Ban Thường trực Ủy ban MTTQ tỉnh Hòa Bình đã tham gia góp ý vào 53 văn bản, như Kế hoạch triển khai thực hiện về bảo tồn văn hóa; Kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật và tuyên truyền, vận động đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi trên địa bàn tỉnh Hòa Bình giai đoạn 2022 - 2025...
Thời gian tới, MTTQ tỉnh Hòa Bình sẽ triển khai một số chương trình giám sát trên quy mô toàn tỉnh, tập trung vào những nội dung mà cử tri và nhân dân bức xúc, quan tâm, có ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của nhân dân, tiếp tục nâng cao chất lượng hoạt động phản biện xã hội, tiếp công dân và xử lý đơn thư, khiếu nại, phản ánh của công dân, thực hiện quy chế dân chủ và tham gia hòa giải ở cơ sở.
Năm 20222, MTTQ tỉnh Hòa Bình đã duy trì, phối hợp thực hiện có hiệu quả 1.367 tổ hòa giải, với hơn 8.500 hòa giải viên, trong đó 1.351 hòa giải viên là cán bộ Mặt trận. Các tổ hòa giải đã phát huy vai trò, trách nhiệm giải quyết kịp thời tranh chấp, mâu thuẫn phát sinh trong đời sống và sản xuất của nhân dân ở khu dân cư, tránh phát sinh các điểm nóng về khiếu nại ở cơ sở.