Trong 1 tuần qua, số ca mắc Covid-19 bình quân tại Hà Nội vẫn nằm ở mức trên 2.500 ca/ngày. Giới chuyên gia dự đoán, thời gian tới dịch Covid-19 có khả năng tiếp tục có những diễn biến phức tạp. Để dự phòng, nhiều quận, huyện tại Hà Nội đã tổ chức đến tận nhà tiêm chủng cho những người có bệnh lý nền nặng, người cao tuổi…
Hạn chế ca bệnh nặng, số người tử vong
Thông tin từ Sở Y tế Hà Nội, hiện tại, toàn thành phố đang có 43.695 trường hợp F0 được điều trị và cách ly. Trong đó, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (126), Bệnh viện Đại học Y Hà Nội (215), tại các bệnh viện của Hà Nội là (2842), cơ sở thu dung điều trị thành phố (1278), cơ sở thu dung quận, huyện (5403), theo dõi cách ly tại nhà (33.831).
Cùng với số ca mắc mới tăng, số bệnh nhân nặng, nguy kịch cũng tăng cao so với tuần trước đó. Theo thống kê của Bộ Y tế, tại Hà Nội đang có 408 bệnh nhân nặng/nguy kịch, tăng gần 14% so với trung bình 7 ngày trước.
Ông Vũ Cao Cương - Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội nhận định, tỷ lệ bệnh nhân nặng, tử vong vẫn đang trong giới hạn kiểm soát. Tuy nhiên, hệ thống y tế các tuyến đang chịu rất nhiều áp lực về quản lý, tiếp nhận, điều trị. Số ca mắc tiếp tục gia tăng sẽ tạo gánh nặng lên hệ thống y tế và số bệnh nhân chuyển nặng, tử vong cũng tăng theo. Để hạn chế số ca trở nặng, tử vong thì tiêm vaccine cho nhóm đối tượng nguy cơ cao trước Covid-19 là một trong những biện pháp quan trọng. Bởi thực tế cho thấy, theo thống kê từ các bệnh viện điều trị bệnh nhân Covid-19, hầu hết các bệnh nhân nặng/nguy kịch, tiên lượng tử vong đều là người cao tuổi, nhiều bệnh nền, chưa tiêm hoặc mới tiêm 1 mũi vaccine, nhập viện khi đã suy hô hấp nặng.
“Việc quá tải, gia tăng tỷ lệ tử vong hay không phụ thuộc nhiều vào việc rà soát người trên 50 tuổi có bệnh nền nhưng chưa được tiêm vaccine. Có thể nói, chúng ta tiêm được một người trong đối tượng này sẽ góp phần giảm một phần áp lực cho khu vực điều trị tại tầng 3, giảm số người tử vong” - ông Cương nói.
Mới đây UBND thành phố Hà Nội đã có văn bản yêu cầu các địa phương trên địa bàn thành lập các tổ tiêm vaccine lưu động, đi từng ngõ, gõ từng nhà, rà từng người thuộc nhóm nguy cơ cao, thực hiện tiêm vét, tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại vaccine phòng Covid-19 ngay tại nhà, bảo đảm không để sót ai thuộc nhóm nguy cơ cao mà không được tiêm vaccine đầy đủ (trừ trường hợp chống chỉ định), đặc biệt là những người không đi lại được.
Nhiệm vụ cần được ưu tiên
Trao đổi với phóng viên Báo Đại Đoàn Kết, ông Nguyễn Quốc Hoàn - Phó Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm cho biết: Hiện nay trên địa bàn quận có khoảng 400 trường hợp người cao tuổi cần tiêm vaccine tại nhà. Do đã có sự thống kê từ những lần tổ chức tiêm chủng trước đó nên ngay sau khi có hướng dẫn từ Trung tâm Kiểm soát bệnh tật thành phố Hà Nội, công tác tổ chức tiêm của quận được thực hiện rất nhanh chóng và bài bản. Dự kiến trong ngày 10/1 sẽ hoàn thành việc tiêm chủng cho những trường hợp này. Nhìn chung trong 2 ngày thực hiện tiêm chủng tại nhà cho người dân vừa qua, việc tiêm chủng được tiến hành an toàn. Gia đình các trường hợp được tiêm rất phấn khởi.
“Chúng tôi xác định, tiêm chủng cho những người có bệnh lý nền nặng, người cao tuổi là việc ưu tiên cần tập trung hoàn thành sớm, đảm bảo tỷ lệ tiêm phủ rộng nhất có thể. Những ngày qua, quận đã chỉ đạo Trung tâm y tế bố trí tập lực lượng cho công tác tiêm chủng tại nhà, đặc biệt chỉ đạo 18 phường tăng cường các lực lượng khác hỗ trợ để nhân viên y tế tập trung vào công tác chuyên môn” - ông Hoàn chia sẻ.
Cũng theo ông Hoàn, công tác đảm bảo an toàn cho người dân khi được tiêm chủng luôn được quận Hoàn Kiếm đặt lên ưu tiên hàng đầu: “Quận đã thành lập những tổ tiêm chủng tại nhà từ 5-7 thành viên bao gồm cán bộ y tế phường, cán bộ cơ sở và cảnh sát khu vực. Bên cạnh đó, quận cũng liên hệ các bệnh viện, phòng khám trên địa bàn để bố trí bác sĩ tham gia tổ tiêm chủng, bố trí 2 xe cấp cứu của quận sẵn sàng trực tại các điểm trên địa bàn chia theo khu vực để sử dụng trong các trường hợp khẩn cấp để đảm bảo an toàn tiêm chủng. Trước khi tiêm chủng, chúng tôi thực hiện xét nghiệm Covid-19, đo huyết áp, khám sàng lọc cho người được tiêm. Mỗi lần tiêm chủng được thực hiện trong khoảng 1 giờ đồng hồ”.
Ghi nhận của phóng viên cho thấy, đại bộ phận người dân đều ủng hộ và phối hợp tốt với cán bộ y tế để thực hiện việc tiêm vaccine phòng Covid-19 tại nhà. Bà Nguyễn Thị Hồng Yến (sinh năm 1950, trú quận Hoàn Kiếm) cho biết: “Bản thân tôi bị huyết áp cao, già yếu nên chưa được tiêm vaccine. Nay được y tế phường đến tận nhà, thăm khám sức khỏe và tiêm vaccine phòng Covid-19, tôi cảm thấy rất vui và rất biết ơn sự quan tâm của nhà nước”.
Tuy nhiên, đáng tiếc là vẫn còn một số người không phối hợp, thậm chí là từ chối tiêm vaccine Covid-19 dù lực lượng y tế đã tới tận nhà.
Theo ông Nguyễn Quốc Hoàn: “Qua triển khai thực tế, vẫn có một vài trường hợp người thân trong gia đình không đồng ý cho cán bộ y tế tiêm vaccine cho người già yếu. Với những trường hợp này, quận đã chỉ đạo tổ dân phố, Tổ Covid cộng đồng, cán bộ cơ sở tuyên truyền, vận động các hộ gia đình, đặc biệt là con cháu đồng ý tiêm cho người thân để phòng Covid-19. Chúng tôi cho rằng, nâng cao công tác tuyên truyền, phổ biến, vận động người dân hiểu rõ hơn về trách nhiệm thực hiện nghiêm 5K, tiêm vaccine là biện pháp cơ bản để phòng, chống dịch Covid-19.
Hiện nay, lực lượng cán bộ nói chung và lực lượng y tế nói riêng đang thực hiện rất nhiều công việc cùng một lúc, từ phòng, chống dịch, theo dõi, hướng dẫn F0 điều trị tại nhà tới tiêm vaccine mũi 3 cũng như tiêm vaccine tại nhà cho người cao tuổi nhưng anh em đều rất quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi kêu gọi người dân hãy phối hợp cùng các lực lượng để góp phần bảo vệ bản thân, gia đình và toàn xã hội, giúp sớm đẩy lùi dịch bệnh”.
PGS.TS Nguyễn Việt Hùng - Phó Chủ tịch Hội Kiểm soát nhiễm khuẩn Hà Nội:
Số ca mắc có thể tiếp tục tăng trong thời gian tới
Dịp Tết Nguyên đán đang tới gần, đây là thời điểm diễn ra nhiều cuộc liên hoan, họp hành, bên cạnh đó, nhu cầu đi lại, giao thương của người dân cũng sẽ tăng cao. Bởi vậy, có thể dự đoán, số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội sẽ còn tiếp tục tăng trong thời gian tới. Tuy nhiên, người dân không nên quá hoang mang bởi phần lớn số F0 đều là trường hợp mắc bệnh nhẹ, không triệu chứng nhờ độ bao phủ vaccine phòng Covid-19 tại Hà Nội đang ở mức rất cao.
Với tình hình hiện nay, chúng ta nên tập trung vào khống chế số ca trở nặng, số ca tử vong thay vì tập trung vào số ca mắc mới từng ngày. Một trong những biện pháp quan trọng để tránh số ca tử vong tăng cao là rà soát, tiêm vaccine đầy đủ cho đối tượng nguy cơ cao như người già yếu, người mắc bệnh nền bằng biện pháp cụ thể như đến tận nhà tiêm cho người già yếu mà Hà Nội đang triển khai.
Bên cạnh đó, với số lượng rất đông các ca mắc bệnh đang cách ly tại nhà như hiện nay, Hà Nội cần tăng cường khả năng thông tin, hướng dẫn cho người dân tự theo dõi sức khỏe tại nhà, tự xét nghiệm, hướng dẫn người dân sử dụng thuốc…. Đồng thời sát sao theo dõi, đồng hành cùng người bệnh để có thể phản ứng kịp thời trong trường hợp bệnh nhân trở nặng.
Ngoài ra, cần nâng cao công tác tuyên truyền để phát huy trách nhiệm, ý thức của người dân trong phòng, chống dịch, giảm gánh nặng cho ngành Y tế. Người dân cần nhận thức được, thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch như 5K, tiêm vaccine vẫn là rất quan trọng để bảo vệ sức khỏe của bản thân và gia đình, xã hội khi Tết đang đến gần.
PGS.TS Trần Đắc Phu - Cố vấn cao cấp Trung tâm đáp ứng khẩn cấp sự kiện y tế công cộng Việt Nam:
Ý thức người dân đóng vai trò quan trọng
Số ca mắc Covid-19 tại Hà Nội tăng trong những ngày qua là điều đã được dự báo từ trước. Nguyên nhân là do chúng ta đã nới lỏng các hoạt động, nới lỏng cả việc đi lại, tăng sự tiếp xúc giữa người với người, trong khi Hà Nội là thành phố đông dân, người dân không chỉ di chuyển trong thành phố mà còn di chuyển đến các tỉnh, thành phố khác. Bên cạnh đó, một số người dân có tâm lý chủ quan, không thực hiện nghiêm quy định phòng, chống dịch. Người tiêm vaccine giai đoạn đầu miễn dịch, sau tiêm sẽ giảm theo thời gian và những người mới tiêm cần có thời gian sinh miễn dịch.
Trong tình hình hiện nay, người dân cần thực hiện tốt 5K để phòng bệnh và chỉ đi lại khi thật cần thiết, tránh tụ tập đông người, tránh để bản thân mình nhiễm bệnh, làm lây lan cho người khác, đặc biệt là lây lan sang những người chưa tiêm vaccine, người già, người mắc bệnh nền. Có thể nói, ý thức của mỗi người sẽ là lá chắn hiệu quả, góp phần ngăn chặn, không cho dịch bệnh lây lan, bùng phát.
N.Toàn (ghi)