Đó là khẳng định của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT;) tại Hội nghị Phát triển phân bón hữu cơ, được tổ chức sáng 9/3, tại Hà Nội
Theo Bộ NN&PTNT, trong khi xu thế chung trong sản xuất nông nghiệp thế giới là tăng tỉ lệ phân hữu cơ sử dụng cho cây trồng, xây dựng một nền nông nghiệp hữu cơ. Vì vậy, nhiều nước đã chuyển mạnh sang công nghệ sản xuất phân hữu cơ, có nước đã đạt đến tỷ lệ 40% như Nhật Bản, Autralia.
Tuy nhiên, hiện nay theo ước tính, số lượng sản phẩm phân bón vô cơ đang được sản xuất, nhập khẩu và sử dụng trong nước nhiều gấp 19 lần so với phân bón hữu cơ (713 sản phẩm hữu cơ và 13.423 sản phẩm vô cơ). Việc sử dụng phân bón hóa học trong một thời gian dài đã gây ô nhiễm cho môi trường đất và ảnh hưởng xấu đến chất lượng nông sản.
Hiện nay, trên toàn quốc có 180 cơ sở sản xuất phân bón hữu cơ, chiếm 24,5% trên tổng số 735 cơ sở sản xuất phân bón đã được Bộ NN&PTNT và Bộ Công thương cấp phép với quy mô công suất lớn nhỏ khác nhau (từ 20 nghìn đến 500 nghìn tấn/năm).
Thống kê cũng cho thấy, ngành trồng trọt mỗi năm loại ra khoảng 40 triệu tấn rơm rạ, bã ngô, mía; ngành chăn nuôi loại ra 80 triệu tấn chất thải…Riêng Đồng bằng sông Cửu Long, mỗi năm có 23 triệu tấn rơm rạ, 4,7 triệu tấn trấu, 2,3 triệu tấn cám. Từ những nguồn này, mỗi năm có thể sản xuất từ 5 đến 6 triệu tấn phân hữu cơ theo mô hình hộ nông dân.
Phát biểu tại Hội nghị, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết, với mục tiêu phát triển phân bón hữu cơ trong thời gian tới, định hướng của Bộ NN&PTNT sẽ sử dụng tối đa phế phụ phẩm nông nghiệp để sản xuất phân bón hữu cơ phục vụ nội tiêu; Tăng tỷ lệ sản phẩm và tỷ trọng sử dụng phân bón hữu cơ.
Bộ quản lý nhà nước về lĩnh vực nông nghiệp nhấn mạnh sẽ khuyến khích, vận động để đảm bảo ít nhất 50% trong tổng số các đơn vị sản xuất phân bón cả nước cam kết đầu tư phát triển sản xuất phân bón hữu cơ đặc biệt là các đơn vị sản xuất phân bón vô cơ lớn; Hoàn thiện các thủ tục, văn bản pháp quy để phục vụ kiểm tra và kiểm soát chất lượng phân bón hữu cơ…