Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực

Lê Bảo 05/09/2023 06:48

Tính chung 8 tháng năm 2023, tổng kim ngạch xuất, nhập khẩu nông lâm thủy sản ước đạt 59,69 tỷ USD. Trong đó, xuất khẩu 33,21 tỷ USD, nhập khẩu 26,48 tỷ USD. Tính đến thời điểm này, toàn ngành nông lâm ngư nghiệp xuất siêu 6,73 tỷ USD.

Nhiều mặt hàng nông sản đạt giá trị xuất khẩu cao.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT), trong tháng 8/2023, kim ngạch xuất khẩu nhóm các ngành hàng trồng trọt tăng 11,5% so với tháng 8/2022, ước đạt 2,16 tỷ USD; xuất khẩu sản phẩm chăn nuôi tăng 24% so với tháng 8/2022, ước đạt 50 triệu USD. Xuất khẩu vật tư nông nghiệp đạt 207 triệu USD, tăng 13,3% so với cùng kỳ năm trước. Giá gạo xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 542 USD/tấn, tăng 11,5% so với cùng kỳ năm trước. Giá cà phê xuất khẩu bình quân trong 8 tháng đạt 2.455 USD/tấn, tăng 8,5% so với cùng kỳ năm trước.

Trong 8 tháng năm 2023, kim ngạch xuất khẩu rau quả tăng tới 57,5% so với cùng kỳ năm trước, đạt 3,45 tỷ USD. Đặc biệt, xuất khẩu sầu riêng đã lập kỷ lục mới về kim ngạch khi cán mốc 1,2 tỷ USD trong 8 tháng, chiếm 30% trong tổng kim ngạch rau quả.

Ông Đặng Phúc Nguyên - Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết, trong khi sầu riêng của các nước Đông Nam Á khác đã hết vụ thì Việt Nam vẫn còn tiếp tục thu hoạch phục vụ xuất khẩu. Dự báo những tháng còn lại của năm 2023 chúng ta có vùng sầu riêng còn lại ở Tây Nguyên chưa khai thác. Cộng thêm những mặt hàng trái cây khác nữa, dự báo xuất khẩu trái cây 2023 sẽ khoảng 5 tỷ USD. Như vậy, kim ngạch sẽ bằng dự báo quy hoạch của Bộ NNPTNN cho năm 2025 sớm hơn kế hoạch 2 năm.

Mặc dù đã đạt nhiều kết quả song theo đánh giá của các chuyên gia mục tiêu xuất khẩu cán đích 55 tỷ USD của ngành nông nghiệp vẫn còn là thách thức.

Bà Nguyễn Thảo Hiền - Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Âu - châu Mỹ (Bộ Công thương) cho biết, tốc độ giảm kim ngạch xuất khẩu đã chậm lại, tuy vẫn kỳ vọng có thể khôi phục tăng trưởng vào quý IV/2023.

Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến đánh giá, xuất khẩu nông sản vẫn thiếu bền vững, khi chất lượng chưa đồng đều, thị trường xuất khẩu chưa có độ bền, chưa khẳng định được thương hiệu. Để thiết lập thị trường bền vững, các doanh nghiệp cần tổ chức sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và các tiêu chuẩn nước nhập khẩu. Đồng thời phải tuân thủ các quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc sản phẩm… Chính vì thế, để đạt được mục tiêu xuất khẩu 55 tỷ USD, Bộ NNPTNT cho rằng cần tận dụng cơ hội thị trường, nhất là những nhóm mặt hàng đang có lợi thế, tăng trưởng tốt, đồng thời đẩy mạnh đàm phán, mở cửa thị trường xuất khẩu chính ngạch.

Trong những tháng cuối năm, Bộ NNPTNT sẽ tập trung triển khai các hoạt động nhằm thúc đây xuất khẩu các mặt hàng nông lâm thủy sản chủ lực vào 3 thị trường lớn gồm: Trung Quốc, Hoa Kỳ và Nhật Bản.

Năm 2023, mục tiêu kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản là 54 - 55 tỷ USD. Để đạt được mục tiêu này, Thứ trưởng Bộ NNPTNT Phùng Đức Tiến cho rằng, cần thực hiện các giải pháp tác động vào các sản phẩm chủ lực xuất khẩu có triển vọng và khả năng tăng giá trị xuất khẩu cao để bù vào những sản phẩm dự kiến có khả năng không đạt chỉ tiêu kim ngạch xuất khẩu cả năm.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy mạnh xuất khẩu nông sản chủ lực

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO