Một hợp tác xã (HTX) ở huyện miền núi Hương Sơn - Hà Tĩnh đã mở lớp dạy nghề nuôi ong lấy mật cho hàng trăm hộ dân. Thu nhận kiến thức từ lớp học, nông dân tự tin khởi nghiệp nâng cao thu nhập.
Nghề nuôi ong lấy mật là nghề truyền thống của người dân huyện miền núi Hương Sơn. Tuy nhiên, bao đời nay bà con chủ yếu bắt ong từ rừng đem về nhà thuần hóa, không chăm sóc, không quản lý, bảo vệ đàn ong nên ong thường bị phá tổ, năng suất mật kém.
Nhận thấy nghề nuôi ong lấy mật áp dụng khoa học kỹ thuật không chỉ nâng cao năng suất, chất lượng mật ong mà còn tạo việc làm, phát triển kinh tế cho người dân, đầu năm 2024, UBND huyện Hương Sơn phối hợp HTX mật ong Cường Nga (xã Quang Diệm, huyện Hương Sơn) tổ chức các lớp dạy nghề ngắn hạn cho lao động nông thôn theo Chương trình Mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Để tăng hiệu quả kinh tế cho mô hình nuôi ong lấy mật, tại các lớp đào tạo, chính quyền huyện Hương Sơn và HTX mật ong Cường Nga vừa trang bị kỹ thuật nuôi, vừa hỗ trợ trang thiết bị, cung ứng giống, giúp bà con tiếp cận với cách nuôi mới khoa học, hiệu quả mô hình, tránh sử dụng đồng vốn thua lỗ khi khởi nghiệp.
Ngay khi chính quyền địa phương thông báo lớp dạy nghề nuôi ong, bà con địa phương đã hào hứng đăng ký tham gia, với mong muốn tích lũy thêm kiến thức, kinh nghiệm để phát triển nghề nuôi ong bền vững, tăng thu nhập cho gia đình.
Ghi nhận của PV tại lớp đào tạo nghề vào ngày cuối tuần tháng 7, có khoảng 40 học viên ở xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn tham gia. Đây là lớp học thứ 3 được tổ chức kể từ đầu năm 2024 đến nay với hơn 100 người dân tham gia.
Tham gia lớp học, bà con được HTX mật ong Cường Nga hướng dẫn kỹ thuật chăn nuôi loài ong nội. Đồng thời, cung ứng giống, thiết bị ngành ong cho người dân có nhu cầu phát triển kinh tế sau khóa học.
Anh Đinh Trần Thảo (trú xã An Hòa Thịnh, huyện Hương Sơn, tỉnh Hà Tĩnh) chia sẻ: Qua lớp tập huấn này tôi biết được các kỹ thuật cơ bản về nuôi ong, từ biết con ong chúa, cách chia đàn ong, tránh nóng, chống rét, cách lấy mật cho ong và nhiều kỹ thuật khác nữa. Với kiến thức thu nhận được từ lớp học, tôi có thể để tự tin khởi nghiệp.
“Cách đây 5 năm tôi bắt được ong về nuôi nhưng nuôi truyền thống cha ông để lại hiệu quả chưa cao. Tôi đăng ký tham gia lớp này mong sao từ nuôi ong nhỏ lẻ, kinh tế kém mong sao tiếp xúc kỹ thuật nuôi ong hiện đại, mở mang tầm nhìn thì chăn nuôi ong khỏe mạnh, cho mật tốt nhất”, ông Nguyễn Sơn, xã An Hòa Thịnh bày tỏ.
Ông Nguyễn Văn Cường, Giám đốc HTX mật ong Cường Nga, huyện Hương Sơn cho hay, tại lớp dạy nghề, chuyên gia ngành ong của HTX đã hướng dẫn từ lý thuyết đến tổ chức thực hành trực tiếp tại các hộ đang nuôi ong.
Trong đó, kỹ thuật quan trọng nhất là cách tạo chúa, bảo vệ ong chúa; cách chia đàn ong; phòng chống dịch bệnh; cách chống nóng, chống rét cho ong và lấy mật hiệu quả. Mục đích của khoá học để giúp dân nắm được kỹ thuật tốt về con ong, khai thác mật hiệu quả, xử lý vấn đề bệnh, lấy mật hiệu quả, lan tỏa nghề này đến toàn huyện, toàn tỉnh. Học viên cũng được trang bị kiến thức về phòng, chống các loại dịch bệnh đối với ong.
Theo Giám đốc HTX mật ong Cường Nga, từ năm 2023 đến nay, ngoài đào tạo nghề ở huyện Hương Sơn, HTX còn trích một phần lợi nhuận từ hoạt động sản xuất, kinh doanh, phối hợp chính quyền các huyện Hương Khê, Kỳ Anh…chuyển giao kỹ thuật nuôi ong cho hàng trăm hộ dân, góp phần tạo thêm ngành nghề cho người dân tăng thu nhập.
Ông Nguyễn Kiều Hưng, Phó chủ tịch UBND huyện Hương Sơn cho biết, trước đây, người dân địa phương nuôi ong theo phương pháp thủ công, truyền thống dẫn đến hiệu quả kinh tế không cao.
Từ khi được HTX mật ong Cường Nga phối hợp tập huấn kỹ thuật nuôi, các hộ đã thành công với mô hình nuôi ong tự nhiên, trung bình hàng năm tuỳ theo quy mô, mỗi hộ thu về từ 50 - 200 triệu đồng.
“Được tập huấn theo phương pháp cầm tay chỉ việc, người dân đã nắm được kỹ thuật nuôi, tách đàn, lấy con giống… Ngoài ra, HTX còn thu mua sản phẩm mật cho các hộ nuôi trên địa bàn, tạo hiệu quả kinh tế”, Phó Chủ tịch UBND huyện Hương Sơn nói.