Sức khỏe

Đẩy nhanh số hóa trong khám, chữa bệnh

An Thái 29/10/2024 10:06

Số hóa khám, chữa bệnh giúp giảm thủ tục hành chính, tiết kiệm thời gian và công sức cho cả người bệnh cũng như nhân viên y tế. Theo đó, việc chuẩn bị các điều kiện cần và đủ (người dân có bệnh án điện tử được kết nối, bệnh viện (BV) có đầy đủ thiết bị, phần mềm...) cần phải tiến hành đồng bộ, khẩn trương.

bai tren
Người dân đăng ký khám, chữa bệnh. Ảnh: An Thái.

Kỹ lưỡng trong khâu chuẩn bị

Ghi nhận thực tế cho thấy, hiện nay TP Hà Nội có 42 BV công lập nhưng hiện chỉ có một số BV triển khai bệnh án điện tử, bao gồm: BV Phụ sản Hà Nội; BV đa khoa Xanh Pôn; BV đa khoa huyện Mỹ Đức; BV đa khoa Vân Đình và BV đa khoa Hòe Nhai, BV đa khoa huyện Ba Vì.

Tại Hội thảo “Chia sẻ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy và thanh toán không dùng tiền mặt ở các cơ sở khám, chữa bệnh” vừa tổ chức, PGS.TS Trần Quý Tường - Chủ tịch Hội Tin học y tế cho biết, đến nay cả nước mới có hơn 90 cơ sở khám, chữa bệnh công bố đã triển khai bệnh án điện tử, không sử dụng bệnh án giấy, trong đó có 32 BV hạng 1; 44 BV hạng 2, 3; 4 phòng khám và 14 BV tư nhân. Trong khi, theo lộ trình quy định tại Thông tư số 46/2018 của Bộ Y tế, đến hết năm 2023, phải có 135 BV hạng 1 triển khai bệnh án điện tử thành công và khuyến khích các cơ sở khám, chữa bệnh khác triển khai. Như vậy, đến thời điểm này, việc triển khai bệnh án điện tử trên quy mô cả nước đang diễn ra còn chậm, trong khi lợi ích của việc triển khai bệnh án điện tử rất rõ ràng.

Theo PGS.TS Trần Quý Tường, việc triển khai bệnh án điện tử diễn ra chậm trên cả nước có nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân, giám đốc các BV chưa quyết liệt, còn trông chờ sự chỉ đạo của cơ quan quản lý cấp trên. Mặc khác, triển khai hồ sơ bệnh án điện tử làm thay đổi thói quen, nề nếp làm việc truyền thống sang quy trình làm việc khoa học hơn nên việc thay đổi này cũng là một trở ngại. Một nguyên nhân nữa là do chưa có cơ chế tài chính cho ứng dụng công nghệ thông tin y tế nói chung và triển khai hồ sơ bệnh án điện tử nói riêng. Do đó, kinh phí triển khai bệnh án điện tử còn hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu.

Từ kinh nghiệm triển khai bệnh án điện tử, TS Nguyễn Khuyến - Giám đốc BVĐK Vân Đình (Hà Nội) cho rằng, bệnh án điện tử giúp tối ưu hóa quy trình khám chữa bệnh, đồng bộ thông tin từ lúc tiếp nhận đến khi ra viện, tiết kiệm thời gian cho bác sĩ và người bệnh, tăng tính minh bạch và giảm rủi ro cho người bệnh. Tuy nhiên, để triển khai được bệnh án điện tử, đòi hỏi quá trình chuẩn bị thật kỹ lưỡng và bảo đảm nguồn tài chính đáp ứng đầy đủ từ việc đầu tư hạ tầng công nghệ thông tin, mua sắm phần mềm và trang thiết bị, đào tạo nhân viên…

Hơn 14 triệu công dân đã tích hợp sổ sức khỏe điện tử

Tại Hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm sổ sức khỏe điện tử và cấp phiếu lý lịch tư pháp qua VneID trên toàn quốc tổ chức đầu tháng 10 vừa qua (được kết nối trực tuyến 4 cấp - từ trụ sở Chính phủ tới các bộ, ngành, các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các địa phương cấp huyện, cấp xã), số liệu báo cáo cho thấy những bước chuyển biến khả quan.

Cụ thể, về kết quả triển khai sổ sức khỏe điện tử, đến nay đã tạo lập được 32.062.931 dữ liệu sổ sức khỏe điện tử cho người dân, trong đó có 14.638.905 công dân đã tích hợp Sổ sức khỏe điện tử trên VNeID với 12.518/12.693 cơ sở khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế đạt tỷ lệ 98,6% dữ liệu đồng bộ liên thông qua bảo hiểm xã hội để tích hợp vào VNeID, hướng dẫn các cơ sở khám chữa bệnh liên thông dữ liệu đảm bảo chất lượng, hiệu quả. Về giấy chuyển tuyến, hẹn tái khám, đã tạo lập được 911.696 dữ liệu về giấy chuyển tuyến, 2.629.117 dữ liệu về giấy hẹn khám lại. Bộ Công an đã phối hợp với bảo hiểm xã hội Việt Nam, Bộ Y tế tích hợp trên VNeID để sẵn sàng công bố trên toàn quốc để người dân sử dụng...

Mới đây nhất, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo số 487 ngày 24/10/2024 kết luận hội nghị trực tuyến triển khai mở rộng thí điểm Sổ sức khỏe điện tử và cấp Phiếu lý lịch tư pháp qua VNeID trên toàn quốc.

Về quan điểm chỉ đạo, điều hành, Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Ủy ban Quốc gia về chuyển đổi số đặt mục tiêu đến năm 2025 là 100% cơ sở y tế (bao gồm cả công lập và tư nhân) và có 40 triệu lượt người dân sử dụng Sổ sức khỏe điện tử. Sau năm 2025, mỗi người dân Việt Nam, kể cả những người chưa có thẻ bảo hiểm y tế đều sở hữu một Sổ sức khỏe điện tử trên ứng dụng VNeID và 30% người dân khi đi khám, chữa bệnh có bệnh án điện tử.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đẩy nhanh số hóa trong khám, chữa bệnh