Sáng 28/12, tại Hà Nội, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng (Ban Chỉ đạo) đã họp Phiên họp thứ 11 dưới sự chủ trì của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng- Trưởng Ban Chỉ đạo để thảo luận, cho ý kiến đối với một số vấn đề quan trọng. Phát biểu tại phiên họp, Tổng Bí thư yêu cầu các thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tập trung lực lượng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm; đồng thời, đẩy nhanh tiến
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu tại phiên họp.
Nhiều vụ án lớn đã được đưa ra xét xử
Tại phiên họp các thành viên đã nghe Báo cáo kết quả xử lý các vụ việc, vụ án Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc; trọng tâm là tiến độ, kết quả xử lý các vụ án, vụ việc theo Thông báo kết luận số 11-TB/BCĐTW và Thông báo kết luận số 30-TB/BCĐTW của Thường trực Ban Chỉ đạo; Báo cáo kết quả kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc; khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại một số địa phương; Báo cáo kết quả kiểm tra chuyên đề công tác phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; Báo cáo tình hình, kết quả sau một năm thực hiện Chỉ thị 50-CT/TW của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng; Dự thảo Báo cáo kiểm điểm kết quả hoạt động năm 2016 của Ban Chỉ đạo và Dự thảo Chương trình công tác năm 2017 của Ban Chỉ đạo.
Phát biểu kết luận phiên họp, Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo biểu dương Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã có nhiều nỗ lực, cố gắng, chủ động, sáng tạo trong tham mưu, đề xuất, phục vụ các hoạt động của Ban Chỉ đạo và lưu ý một số nội dung sau:
Trong năm 2016, với quyết tâm cao và sự chỉ đạo tập trung, sâu sát, quyết liệt, cụ thể, kịp thời, đổi mới của Thường trực Ban Chỉ đạo và Ban Chỉ đạo, vừa chỉ đạo định hướng chủ trương xử lý, vừa chỉ đạo cụ thể từng nội dung công việc, gắn với trách nhiệm của các cơ quan chức năng và người có thẩm quyền và thường xuyên đôn đốc giải quyết công việc đến cùng của cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo; cùng với sự nỗ lực cố gắng lớn của các cơ quan tiến hành tố tụng và các cơ quan chức năng khác, nên tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng nghiêm trọng, phức tạp và xử lý các vụ việc nổi cộm có những chuyển biến rõ rệt; nhiều vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận bức xúc đã được xử lý đúng tiến độ, nghiêm minh theo quy định của pháp luật, như: Vụ án Phạm Công Danh; vụ án Hà Văn Thắm; vụ án Lê Dũng; vụ án Phạm Ngọc Ngoạn; vụ án Huỳnh Thị Huyền Như (phần điều tra lại).
Năm 2016, các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo đã truy tố, xét xử sơ thẩm 08 vụ/121 bị cáo; xét xử phúc thẩm 06 vụ/55 bị cáo. Các vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã truy tố, xét xử sơ thẩm 03 vụ/10 bị cáo; xét xử phúc thẩm 02 vụ/03 bị cáo.
Nhìn lại sau 3 năm, trong tổng số 40 vụ án và 7 vụ việc thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo (trong đó có nhiều vụ xảy ra từ nhiều năm trước khi thành lập Ban Chỉ đạo), đến nay đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 26 vụ/330 bị can; đã truy tố, xét xử sơ thẩm 21 vụ/247 bị cáo, xét xử phúc thẩm 14 vụ/137 bị cáo, với mức án nghiêm khắc (7 bị cáo với 08 mức án tử hình, 14 bị cáo với 15 mức án tù chung thân, 06 bị cáo có mức án tù 30 năm, 203 bị cáo có mức án tù từ 15 tháng đến dưới 30 năm); trong số 29 vụ án thuộc diện Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc đã kết luận điều tra, đề nghị truy tố 21 vụ/93 bị can, đã truy tố xét xử sơ thẩm 18 vụ/68 bị cáo, xét xử phúc thẩm 10 vụ/24 bị cáo. Việc điều tra, truy tố, xét xử rất nghiêm khắc đã dóng lên hồi chuông cảnh tỉnh, răn đe, phòng ngừa tham nhũng, được nhân dân đồng tình ủng hộ.
Ban Chỉ đạo đã thành lập 07 Đoàn công tác kiểm tra, giám sát việc thanh tra các vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm tại 14 tỉnh. Qua kiểm tra, giám sát, các Đoàn công tác đã kiến nghị 42 vấn đề về cơ chế, chính sách, pháp luật; kiến nghị đôn đốc, theo dõi, chỉ đạo xử lý 87 vụ việc, vụ án.
Trong năm Ban Chỉ đạo cũng đã chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì, phối hợp Ban Nội chính Trung ương và Ban cán sự đảng Bộ Tài chính kiểm tra chuyên đề phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong các lĩnh vực thuế, hải quan. Qua kiểm tra, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã đưa ra 11 nhóm kiến nghị về công tác lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy, tổ chức đảng đối với công tác PCTN; công tác tổ chức cán bộ phục vụ PCTN; hoàn thiện thể chế về PCTN; xử lý các vụ việc, vụ án tham nhũng; tăng cường quản lý nhà nước trong lĩnh vực thuế, hải quan v.v...; yêu cầu chỉ đạo kiểm điểm làm rõ trách nhiệm và xử lý đối với 29 cơ quan, đơn vị có liên quan.
Đẩy mạnh học tập Nghị quyết Trung ương 4 khóa XII trong cán bộ, đảng viên
Đặc biệt, trong năm, Ban đã chỉ đạo đẩy mạnh việc hoàn thiện thể chế về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN; các quy định về kiểm tra, giám sát, kiểm soát việc thực thi quyền lực của người có chức vụ, quyền hạn để PCTN. Do vậy, nhiều văn bản quan trọng của Đảng, Nhà nước về quản lý kinh tế - xã hội và PCTN đã được các cơ quan có thẩm quyền khẩn trương xây dựng, ban hành, như: Chỉ thị 05-CT/TW, ngày 15/5/2016 của Bộ Chính trị về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chyển hoá” trong nội bộ; Quy định 30-QĐ/TW, ngày 26/7/2016 của Ban Chấp hành Trung ương về thi hành Chương VII và chương VIII Điều lệ Đảng về công tác kiểm tra, giám sát, kỷ luật của Đảng, Quy định 55-CT/TW, ngày 19/12/2016 của Bộ Chính trị về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên, Luật Báo chí, Luật Tiếp cận thông tin, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Quản lý thuế, Luật Đấu giá tài sản, Luật sửa đổi, bổ sung Điều 6 và Phụ lục 4 về Danh mục ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện của Luật Đầu tư v.v...
Ban Chỉ đạo đã chỉ đạo Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo tập trung giúp Bộ Chính trị tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác PCTN, lãng phí; chỉ đạo tổng kết 10 năm thực hiện Luật PCTN và khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội dự thảo Luật PCTN (sửa đổi); chỉ đạo Ủy ban Kiểm tra Trung ương rà soát, sửa đổi, bổ sung các quy định trong lĩnh vực kiểm tra, giám sát của Đảng có liên quan đến công tác PCTN.
Ban Chỉ đạo đã ban hành Kế hoạch số 19-KH/BCĐTW, ngày 10/5/2016 triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW, ngày 7/12/2015 của Bộ Chính trị về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phát hiện, xử lý vụ việc, vụ án tham nhũng. Đến nay, hầu hết các nội dung đã và đang được các cơ quan chức năng triển khai thực hiện theo đúng kế hoạch; 63/63 tỉnh ủy, thành ủy đã ban hành chương trình, kế hoạch thực hiện; đã lựa chọn, đưa vào diện Ban Thường vụ tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý 436 vụ việc, vụ án.
Sự phối hợp giữa các cơ quan của Đảng với các cơ quan Nhà nước nói chung, giữa cơ quan kiểm tra, giám sát của Đảng với cơ quan thanh tra, kiểm toán, điều tra nói riêng được tăng cường, chặt chẽ, kịp thời, hiệu quả hơn.
Các đồng chí Thành viên Ban Chỉ đạo đã nêu cao trách nhiệm, tham dự đầy đủ các phiên họp của Ban Chỉ đạo, tích cực, khẩn trương chỉ đạo triển khai thực hiện các nhiệm vụ theo Chương trình, Kế hoạch công tác, Kết luận của Ban Chỉ đạo và Thường trực Ban Chỉ đạo; kiến nghị, đề xuất nhiều chủ trương, giải pháp quan trọng giúp nâng cao hiệu quả hoạt động của Ban Chỉ đạo và công tác PCTN; quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo công tác PCTN thuộc phạm vi lĩnh vực, địa bàn được phân công phụ trách; kiểm tra, giám sát, đôn đốc công tác PCTN tại một số bộ, ngành, địa phương.
Ban Nội chính Trung ương - Cơ quan Thường trực của Ban Chỉ đạo đã chủ động tham mưu, đề xuất phân công nhiệm vụ các Thành viên Ban Chỉ đạo; chuẩn bị chu đáo nội dung, tài liệu, đổi mới chương trình và cách báo cáo các tài liệu, phục vụ tốt các Phiên họp Ban Chỉ đạo và Cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo; tham mưu, đề xuất Ban Chỉ đạo ban hành Kế hoạch triển khai thực hiện Chỉ thị số 50-CT/TW của Bộ Chính trị; cơ chế “Chỉ đạo công tác phối hợp giữa các cơ quan tiến hành tố tụng Trung ương và cấp tỉnh trong điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm các vụ án tham nhũng, kinh tế thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo và Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc”. Tích cực, chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng trong chỉ đạo, đôn đốc xử lý hoặc tham mưu xử lý những khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc, vụ án tham nhũng thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo, Ban Nội chính Trung ương theo dõi, đôn đốc và các vụ án, vụ việc thuộc diện tỉnh ủy, thành ủy chỉ đạo xử lý. Chủ trì, phối hợp giúp Ban Chỉ đạo triển khai có hiệu quả Kế hoạch kiểm tra, giám sát việc thanh tra vụ việc, khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm; phối hợp kiểm tra chuyên đề về phòng ngừa, phát hiện, xử lý tham nhũng trong lĩnh vực thuế, hải quan; theo dõi, nắm tình hình công tác PCTN tại một số cấp ủy, tổ chức Đảng trực thuộc Trung ương; tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 3 (khóa X) v.v...
Về nhiệm vụ trọng tâm công tác năm 2017, tại phiên họp, Ban Chỉ đạo thống nhất 07 nhóm nhiệm vụ công tác trọng tâm, với 12 nhiệm vụ cụ thể, tập trung vào việc lãnh đạo, chỉ đạo phát hiện, xử lý tham nhũng. Đồng chí Tổng Bí thư - Trưởng Ban Chỉ đạo yêu cầu các Thành viên Ban Chỉ đạo và các cơ quan chức năng tập trung lực lượng để đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ án đặc biệt nghiêm trọng, phức tạp, dư luận đặc biệt quan tâm, trước hết là vụ Hà Văn Thắm, giai đoạn II của các vụ án Phạm Công Danh, Huỳnh Thị Huyền Như, Vũ Quốc Hảo v.v… và các vụ án liên quan đến Tổng công ty cổ phần xây lắp dầu khí Việt Nam (PVC); đồng thời, đẩy nhanh tiến độ thanh tra, kiểm toán, xử lý các dự án đầu tư lớn thua lỗ, kéo dài, không hoạt động được và khẩn trương điều tra khi có dấu hiệu tội phạm.