Hơn 16.210 tỷ đồng được giải ngân vốn đầu tư trong 2 tháng đầu năm của năm kinh tế 2019. Phía Bộ Tài chính cho rằng cần có chỉ đạo tổng thể để đẩy nhanh tốc độ giải ngân vốn.
2 tháng giải ngân đạt 3,89% kế hoạch
Theo Báo cáo của Bộ Tài chính, tổng số kế hoạch chi đầu tư phát triển nguồn ngân sách nhà nước (NSNN) năm 2019 được Quốc hội giao là 416.800 tỷ đồng gồm: vốn trong nước là 369.300 tỷ đồng và vốn nước ngoài là 47.500 tỷ đồng). Tổng kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN đã được Thủ tướng Chính phủ giao là 355.617,901 tỷ đồng, đạt 85,32% so với kế hoạch Quốc hội giao.
Số liệu ước giải ngân vốn đầu tư nguồn NSNN của các bộ, ngành địa phương 2 tháng năm 2019 khoảng 16.210,314 tỷ đồng, đạt 3,89% so với kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,52% so kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao trong khi đó cùng kỳ năm 2018 đạt 1,87% kế hoạch Quốc hội giao và 1,95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao), trong đó: Vốn trong nước là 16.174,940 tỷ đồng, đạt 4,38% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 4,9% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao và vốn ngoài nước là 35,374 tỷ đồng; đạt 0,07% kế hoạch Quốc hội giao và đạt 0,12% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong khi đó cùng kỳ năm 2018 đạt 0,53% kế hoạch Quốc hội giao và 0,6% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao).
Nếu so sánh thấy rằng, số liệu giải ngân kế hoạch vốn NSNN 2 tháng năm 2019 của các bộ, ngành và địa phương mặc dù có cao hơn so với cùng kỳ năm 2018 nhưng vẫn ở mức thấp.
Nhưng nguyên nhân tại sao? Bộ Tài chính cho rằng, những tháng đầu năm, kế hoạch vốn đầu tư nguồn NSNN mới được Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư giao; các bộ, ngành Trung ương và địa phương mới cơ bản hoàn thành việc phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án, đồng thời nhập dự toán trên hệ thống Tabmis; các chủ đầu tư đang hoàn thiện các các thủ tục đấu thầu, lựa chọn nhà thầu, hoàn thiện hồ sơ tạm ứng, thanh toán theo quy định. Đồng thời, tháng 2 có thời gian nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài nên cũng ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân vốn.
Để đảm bảo giải ngân hết kế hoạch vốn năm 2019, Bộ Tài chính kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương rà soát, tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ giao vốn cho các dự án đủ điều kiện theo đúng ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 401/VPCP-KTTH ngày 15/1/2019 của Văn phòng Chính phủ. Đối với các dự án chưa đủ điều kiện giao vốn đề nghị thu hồi hết số vốn này để thanh toán nợ đọng xây dựng cơ bản và thu hồi vốn ứng trước. Các bộ, ngành và địa phương đến nay chưa phân bổ chi tiết hoặc chưa phân bổ hết kế hoạch vốn năm 2019 thì phải khẩn trương phân bổ chi tiết kế hoạch vốn cho các dự án theo đúng quy định.
Áp biện pháp mạnh với các chủ đầu tư chậm thanh toán
Trả lời báo chí, Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng khi nói về việc thúc đẩy giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản đã khẳng định, các bộ, ngành, địa phương tập trung vào việc sửa đổi các vướng mắc về cơ chế chính sách quy định tại Luật Xây dựng, Luật Đầu tư, Luật Đấu thầu, Luật Đất đai và các văn bản hướng dẫn.... tháo gỡ kịp thời các rào cản khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện thuận lợi để các dự án triển khai theo đúng tiến độ với chất lượng cao. Tiếp tục hài hòa quy trình, thủ tục với các nhà tài trợ, đặc biệt trong công tác giải phóng mặt bằng và tái định cư, đấu thầu, quản lý tài chính, kiểm toán.... Qua đó, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, đơn giản hóa quy trình, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ của hệ thống pháp luật về quản lý đầu tư xây dựng và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Theo Bộ trưởng Bộ Tài chính Đinh Tiến Dũng, cần đẩy nhanh công tác sắp xếp, kiện toàn bộ máy ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực theo Nghị định số 59/NĐ-CP của Chính phủ về quản lý dự án đầu tư xây dựng. Nâng cao năng lực của các ban quản lý dự án chuyên ngành, khu vực, đẩy mạnh tiến độ thực hiện các dự án. Đặc biệt đối với dự án ODA, chỉ đạo các chủ dự án, các bộ ngành địa phương đẩy nhanh tiến độ giải ngân, đồng thời đánh giá điều chỉnh kế hoạch vốn cho phù hợp với tiến độ thực hiện các dự án, thúc đẩy giải ngân nhanh các dự án ODA.
Bộ Tài chính cho rằng chủ đầu tư khẩn trương hoàn thiện các thủ tục về phê duyệt thiết kế, dự toán, thủ tục đấu thầu; đôn đốc các nhà thầu đẩy nhanh tiến độ thi công để có khối lượng giải ngân; tập trung hoàn thiện các thủ tục nghiệm thu, thanh toán vốn ngay từ các tháng đầu năm; rà soát các vướng mắc trong việc thực hiện và thanh toán để kịp thời xử lý. Đồng thời có biện pháp xử lý trách nhiệm cụ thể đối với các chủ đầu tư chậm hoàn thiện thủ tục nghiệm thu, thanh toán.