Trong số các vụ án tham nhũng lớn trên cả nước được Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, tiêu cực (Ban Chỉ đạo) yêu cầu đẩy nhanh tiến độ thì riêng TP Hồ Chí Minh chiếm tới 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Dù vậy, theo đánh giá thì tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án, vụ việc đang còn rất chậm.
Trong năm qua, dù ảnh hưởng nặng nề của đại dịch Covid-19 nhưng Ban Thường vụ, Thường trực Thành ủy TP HCM đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo nghiêm túc, quyết liệt việc thực hiện kết luận của Tổng Bí thư, Trưởng Ban Chỉ đạo trong xử lý các vụ án tham nhũng lớn.
Thành phố đã hoàn thành 34 nội dung theo kiến nghị của Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Thanh tra Chính phủ về một số vụ việc, đã kết thúc điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm 1 vụ, với khoảng 20 bị cáo và đang điều tra 3 vụ; xác minh 7 vụ việc. Mặc dù vậy, thành phố cũng lúng túng hoặc chậm tiến độ xử lý dứt điểm một số vụ việc, sai phạm.
Mới đây, khi làm việc với Thường trực Thành ủy TP HCM, lãnh đạo Ban Nội chính Trung ương đã phê bình nghiêm túc, thẳng thắn về tiến độ xác minh, điều tra, truy tố, xét xử các vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo xảy ra trên địa bàn TP HCM còn rất chậm.
Ông Phan Đình Trạc, Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Nội chính Trung ương, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo dẫn chứng vụ việc sai phạm xảy ra tại Khu đô thị mới Thủ Thiêm là nghiêm trọng, phức tạp và được dư luận xã hội quan tâm. Thế nhưng, vẫn còn tới 5 nội dung kiến nghị là còn chậm do khó khăn, vướng mắc lớn đang chờ chỉ đạo tháo gỡ của Trung ương.
Một số vụ việc sai phạm Thanh tra TP HCM chưa kịp thời chuyển cơ quan điều tra giải quyết theo thẩm quyền. Ngoài ra, có vụ cơ quan điều tra cũng chưa kịp thời điều tra, xử lý, nhất là đối với một số vụ việc, vụ án kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, vụ việc đã đưa vào diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo…
Trước thực trạng này, Ban chỉ đạo đề nghị TP HCM phải đẩy nhanh tiến độ xác minh xử lý các vụ việc, điều tra, truy tố, xét xử đối với 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo. Đó là các vụ án kinh tế lớn xảy ra tại các Công ty TNHH MTV Đầu tư và Xây dựng Tân Thuận; Liên hiệp HTX thương mại TP HCM (Saigon Co.op); Công ty TNHH MTV Phát triển công nghiệp Tân Thuận (IPC) trong sai phạm bán nền đất tại huyện Bình Chánh và vụ liên quan đến nguyên Tổng Giám đốc IPC Tề Trí Dũng và các cá nhân đại diện vốn tại IPC; Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn - TNHH MTV và việc cổ phần hóa Công ty TNHH Một thành viên Phát triển và Kinh doanh nhà thuộc Tổng Công ty Địa ốc Sài Gòn và mới đây nhất là sai phạm trong đấu thầu thiết bị y tế tại Bệnh viện Ung bướu TP HCM.
Liên quan đến các bùng nhùng trong lĩnh vực đất đai, mới đây khi đến dự Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Đảng bộ TP Thủ Đức (nhiệm kỳ 2020-2025), ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP HCM đã yêu cầu TP Thủ Đức phải nhanh chóng cải thiện việc thụ lý và xử lý các thủ tục hành chính liên quan đến đất đai. Đặc biệt, tập trung giải quyết và phối hợp giải quyết các vụ việc tồn đọng trên địa bàn.
Chủ tịch UBND TP HCM đã trực tiếp chỉ đạo và ký các văn bản liên quan đến lĩnh vực quy hoạch, quản lý, phát triển đô thị, cũng như các vấn đề về xây dựng Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Tại dự án này, Ban Nội chính Trung ương mới đây cũng đề nghị Bộ Công an chỉ đạo điều tra, xử lý theo quy định của pháp luật các vụ việc có dấu hiệu sai phạm mà Thanh tra Chính phủ đã chuyển qua.
Hy vọng với quyết tâm của cả TP HCM và Trung ương, 7 vụ án thuộc diện Ban Chỉ đạo theo dõi, chỉ đạo sẽ được đẩy nhanh tiến độ xác minh xử lý các vụ việc; điều tra, truy tố, xét xử. Đặc biệt, thành phố chủ động tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong thẩm quyền của thành phố để đẩy nhanh tiến độ sớm kết luận giám định, định giá tài sản phục vụ điều tra, xử lý các vụ án, vụ việc.
Bên cạnh đó, những vụ việc vượt thẩm quyền cần sớm báo cáo Trung ương chỉ đạo, hướng dẫn để xử lý dứt điểm.