Vấn đề dạy thêm, học thêm đã được đề cập từ nhiều năm nay, nhưng vẫn gây nhiều tranh cãi trong xã hội. Tới nay việc học thêm, dạy thêm diễn ra tràn lan và có nhiều biến tướng ngay trong trường học.
Trao đổi với PV báo Đại Đoàn kết về câu chuyện này, TS Nguyễn Tùng Lâm - Phó Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Việt Nam bày tỏ: Nên đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện chứ không nên cấm.
Ông Nguyễn Tùng Lâm cho rằng: Do việc thời gian qua không quản lý được dạy thêm, học thêm để kéo dài quá lâu trong thời gian qua khiến dạy thêm, học thêm bị biến tướng. Chưa kể, có một số giáo viên lợi dụng sự lỏng lẻo này mà “ép buộc” học sinh phải học thêm. Để ngăn chặn được việc này, tôi cho rằng đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý.
PV: Thưa ông, vừa qua nhiều đại biểu Quốc hội kiến nghị cần xem lại quy định về quản lý dạy thêm, học thêm vì tình trạng dạy thêm trái quy định có chiều hướng gia tăng và gây bức xúc cho nhân dân, tạo áp lực lớn cho học sinh. Các ý kiến đề nghị phải đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?
TS NGUYỄN TÙNG LÂM: Việc dạy thêm, học thêm hiện nay đang có hai vấn đề lớn. Thứ nhất, tình trạng dạy thêm, học thêm tràn lan. Phụ huynh bắt con học ngày, học đêm, học hết cả ngày nghỉ là một tiêu cực. Nó ảnh hưởng đến sức khỏe, sự phát triển của các em học sinh, và chúng ta chưa nhìn thấy được tác hại đó. Ở các nước thì cấp 1, cấp 2 họ để cho học sinh học hành khá thoải mái, đến cấp 3 mới “căng thẳng” hơn một chút, còn vào đại học là học cho ra học. Nhưng ở ta thì lại ngược lại. Cấp 1, cấp 2 học như kiểu “chạy marathon”, đến đại học thì lại học thong thả, vui chơi. Như vậy là không đúng với quy luật phát triển của con người. Rồi việc dạy thêm và học thêm để chạy theo điểm số, chạy theo thi cử, chạy theo bằng cấp, bệnh thành tích so sánh người này với người kia, bắt con mình phải hơn con người ta. Tất cả hành vi đó cần phải cấm.
Thứ hai, dạy thêm và học thêm là do nhu cầu thực tế. Đó là những học sinh yếu kém cần có người dạy thêm để giúp đỡ. Hoặc học sinh giỏi đi theo khuynh hướng muốn phát triển thêm bản thân, muốn học thêm nâng cao kiến thức, hay các học sinh đi thi học sinh giỏi cần được dạy thêm, bổ trợ thêm để đi thi thì đó là cái cần ủng hộ.
Cấm tuyệt đối dạy thêm, học thêm là không đúng với quy luật kinh tế thị trường. Tức là có “cung” phải có “cầu”. Nếu người học có nhu cầu, cần giúp đỡ thì phải đáp ứng yêu cầu của người học. Do việc thời gian qua không quản lý được dạy thêm, học thêm để kéo dài quá lâu trong thời gian qua khiến dạy thêm, học thêm bị biến tướng.
Chưa kể, có một số giáo viên lợi dụng sự lỏng lẻo này mà “ép buộc” học sinh phải học thêm, khiến các bậc phụ huynh cũng phải “chạy” theo. Cho nên bây giờ phải bàn để làm thế nào ngăn chặn được việc này. Vì vậy tôi cho rằng đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện là hợp lý. Khi đưa vào diện kinh doanh có điều kiện, quản lý bằng pháp luật thì sẽ chặt chẽ hơn.
Vậy theo ông cần giải pháp nào để dạy thêm, học thêm được diễn ra thực chất, có chất lượng, đi vào nền nếp chứ không phải bị lợi dụng, biến tướng?
- Tất cả việc dạy thêm, học thêm của học sinh kể cả giỏi hay kém cũng chỉ có giai đoạn nhất định. Sau đó để các em có điều kiện bồi đắp lại kiến thức, tự học mới là điều quan trọng chứ không phải dạy thêm, học thêm hết “ngày dài cho đến đêm thâu”. Như thế làm học sinh ỉ lại, xói mòn đi tư duy độc lập khả năng làm việc của cá nhân các em và đó là cái rất nguy hiểm.
Theo tôi việc dạy thêm, học thêm phải được tổ chức ở trong nhà trường, có các thầy cô giúp cho học sinh không chỉ những kiến thức mà còn phương pháp học, ý chí quyết tâm học, và tạo ra cho học sinh niềm vui học tập. Đó mới là cái quan trọng.
Việc này không được thu tiền vì nó làm mất đi cái trong sáng, mà thể hiện hết trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô. Nhưng như thế không có nghĩa bắt giáo viên phải làm thêm mà không có bồi dưỡng. Vấn đề này, Nhà nước và mỗi nhà trường phải chấp nhận bỏ ra một khoản kinh phí để hỗ trợ các thầy cô dạy thêm.
Nhưng thực tế có việc nhiều khi chính phụ huynh học sinh muốn con đi học thêm, và cũng là bởi không có thời gian chăm sóc con cái nên việc cho con đi học thêm cũng chính là để thầy cô giáo chăm sóc con luôn, thưa ông?
- Chúng ta cần rất nhiều các biện pháp tổng thể. Riêng Bộ Giáo dục và Đào tạo cũng không thể làm được mà phải có sự vào cuộc của toàn xã hội, nhất là các cha mẹ học sinh. Đầu tiên cha mẹ học sinh phải “thông”, và các thầy cô giáo phải có ý thức, có trách nhiệm với nghề của mình. Nếu đẩy mạnh dạy thêm trong nhà trường cho các học sinh yếu thì các phụ huynh học sinh yên tâm.
Nhà nước cũng phải đổi mới, tức là phải có kinh phí để chi cho các thầy cô khi dạy thêm cho học sinh. Song như tôi đã đề cập ở trên, dạy thêm, học thêm là biện pháp bất đắc dĩ, chỉ tiến hành trong một thời gian nhất định, hướng dẫn cho học sinh tự phát triển, tự học tập tốt chứ không thể kéo dài từ cấp 1, cấp 2, cấp 3. Luôn luôn lúc nào cũng phải đi học thêm thì khổ lắm.
Nhiều ý kiến cho rằng đang có một nghịch lý là các nghề khác có thể đi làm thêm bằng chính nghề của mình nhưng nghề giáo lại không được. Vì thế nếu cấm dạy thêm, học thêm cũng là sự bất hợp lý với nghề giáo, thưa ông?
- Chúng ta phải hiểu rõ rằng không ai cấm việc dạy thêm, mà là cấm việc dạy thêm tràn lan, vô lối. Tức là chúng ta chống cái tiêu cực thôi. Còn quyền của người học là được học, họ cần học thì phải được học. Có người cần học thì phải có người dạy. Chúng ta cấm cái tràn lan, liên tục, có hại cho trẻ. Chứ không cấm dạy cho các em học sinh yếu kém, hay bổ trợ thêm kiến thức cho các em học sinh giỏi để các em đi thi.
Đặc biệt, cần nâng cao nhận thức cho các phụ huynh để họ không chạy theo điểm số, thành tích, so sánh con mình với con nhà người ta. Ngoài ra với gia đình không có điều kiện chăm sóc con và muốn cho đi học thêm thì trẻ vừa chơi, vừa học thêm chút ít cũng được chứ không phải bắt buộc. Như thế là không nên.
Quan niệm của các bậc phụ huynh học sinh cứ bắt con mình phải thế này, thế kia là cái cần chống. Vì thế cần tuyên truyền thường xuyên để họ nhận thức được. Bên cạnh đó có nhiều phụ huynh cũng không muốn cho con đi học thêm, nhưng đúng là có việc thầy cô giáo dùng điểm số, kiểm tra để “ép” học sinh đi học thêm.
Tôi nói luôn rằng, nhiều giáo viên đàng hoàng, họ không nhận dạy thêm các học sinh khá đâu, chỉ nhận dạy thêm các học sinh yếu kém và dạy trong một thời gian nhất định. Đến khi học sinh khá lên rồi thì thôi. Vấn đề này chúng ta cần quán triệt, và Bộ Giáo dục và đào tạo, các địa phương cần nghĩ ra cách để giải quyết.
Bởi ngay việc dạy thêm cho các em học sinh giỏi để các em chuẩn bị đi thi thì cũng chỉ dạy thêm trong giai đoạn đó thôi. Cả học sinh giỏi cũng như học sinh kém chỉ bồi dưỡng trong một thời gian nhất định để cho học sinh có đủ năng lực tự học, tự phát triển. Đó mới là cái tốt nhất.
Thưa ông, việc dạy thêm cũng một phần do lương giáo viên thấp nên họ tìm mọi cách, gây áp lực để các em phải đi học?
- Cái đó cũng có chứ không phải là không.
Sắp tới, chúng ta sẽ thực hiện chính sách tiền lương mới. Rất nhiều ý kiến cho rằng lương cho giáo viên phải ở mức cao nhất trong thang bảng lương. Quan điểm của ông thì sao?
- Chúng ta cải cách tiền lương nhưng lương có đáp ứng được nhu cầu tối thiểu của các thầy cô giáo hay không đó là bài toán cần phải tính toán kỹ. Nếu chỉ nâng lên vài ba phần trăm, tăng thêm vài trăm nghìn đồng kiểu “nhỏ giọt” thì ăn thua gì. Nói cho yên lòng người ta chứ không giải quyết được đời sống.
Tại các nước, làm công chức Nhà nước thì không giàu nhưng đủ sống, và đảm bảo mức sống tối thiểu. Nếu cứ trông chờ tăng lương vài phần trăm mà không đủ sống thì họ phải tìm mọi cách để đủ sống. Vấn đề là phải đảm bảo đủ sống cho người ta chứ không phải cao nhất. Đủ sống mới là cái quan trọng chứ không phải mức lương cao nhất là quan trọng. Vì cao nhất mà không đủ sống thì chả làm được gì.
Trân trọng cảm ơn ông!
Theo tôi việc dạy thêm, học thêm phải được tổ chức ở trong nhà trường, có các thầy cô giúp cho học sinh không chỉ những kiến thức mà còn phương pháp học, ý chí quyết tâm học, và tạo ra cho học sinh niềm vui học tập. Đó mới là cái quan trọng.
Việc này không được thu tiền vì nó làm mất đi cái trong sáng, mà thể hiện hết trách nhiệm của nhà trường, của các thầy cô. Nhưng như thế không có nghĩa bắt giáo viên phải làm thêm mà không có bồi dưỡng. Vấn đề này, Nhà nước và mỗi nhà trường phải chấp nhận bỏ ra một khoản kinh phí để hỗ trợ các thầy cô dạy thêm.
TS Nguyễn Tùng Lâm