Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non: Cần có giáo viên chuyên biệt

Thủy Anh (thực hiện) 09/11/2015 08:45

Hiện nay, nhiều cơ sở mầm non đã tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh, nhưng là hoạt động tự phát. Theo nhiều chuyên gia giáo dục, cũng như lãnh đạo các cơ sở mầm non thì hoạt động cho trẻ làm quen với tiếng Anh vẫn còn rất mới mẻ, và còn nhiều tranh cãi.

Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non: Cần có giáo viên chuyên biệt

TS Đặng Lộc Thọ.

TS Đặng Lộc Thọ - Hiệu trưởng Trường CĐSP Trung ương cho rằng, trong xu thế hội nhập thì việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu hết sức cần thiết.

PV: Việc tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh trong trường mầm non hiện nay, ông thấy có bất cập gì không?

TS Đặng Lộc Thọ: Việc tổ chức cho trẻ mầm non làm quen với tiếng Anh hiện nay có những thuận lợi rất cơ bản là nhu cầu của các bậc cha mẹ HS rất lớn, rất nhiều trường, cơ sở GDMN đã có sự quan tâm triển khai thực hiện. Tuy nhiên bên cạnh đó cũng có một số khó khăn lớn cần có sự chuẩn bị rất chu đáo, để có thể triển khai tốt hoạt động này.

Điểm thứ nhất, đó là việc xác định cho đúng mục đích và yêu cầu của việc cho trẻ làm quen với tiếng anh trong tuổi mầm non. Bởi lẽ đối với trẻ mầm non, vốn bình thường hoạt động giáo dục cũng đã khác với học sinh phổ thông, cho nên khi cho trẻ làm quen với tiếng anh không thể như cho trẻ học một ngoại ngữ thứ hai theo cách của phổ thông. Đầu tiên tôi nghĩ là phải xác định cho được mục đích.

Thứ hai, từ việc xác định mục đích như thế chúng ta phải có sự lựa chọn nội dung sao cho phù hợp. Hiện nay việc xây dựng các chương trình phù hợp để cho trẻ làm quen với tiếng Anh chưa có sự nghiên cứu đầy đủ, mà vẫn mang tính tự phát hoặc là dựa vào các chương trình của nước ngoài. Chúng tôi nghĩ cần phải có sự nghiên cứu cụ thể chi tiết và sâu sắc hơn để có thể xây dựng chương trình phù hợp với thực tiễn của Việt Nam.

Điểm thứ ba, vì chưa có nội dung chương trình thật phù hợp nên hình thức tổ chức cũng như phương pháp cho trẻ làm quen với tiếng Anh cũng đang có những vấn đề bất cập. Mặc dù chúng ta vẫn xác định rằng đối với trẻ mầm non là học thông qua chơi nhưng cách thức chúng ta tổ chức hiện nay vẫn đang thiên nhiều về dạy hơn là về việc cho trẻ được tham gia các hoạt động, để thông qua các hoạt động đó trẻ tự tiếp nhận được các kiến thức cần.

Thứ tư, về đội ngũ, chúng ta cũng chưa có sự chuẩn bị chu đáo. Từ năm 2006 thì Trường CĐSP Trung ương đã có triển khai đào tạo GVMN chuyên ngành tiếng Anh tuy nhiên số lượng vẫn còn rất hạn chế. Mỗi khoá ra trường mới được khoảng 25 em. Thêm vào đó còn phải điều chỉnh rút kinh nghiệm nhiều về nội dung chương trình, cũng như về các phương pháp trang bị…

Điểm thứ 5 mà chúng tôi cũng nghĩ, để cho trẻ có thể làm quen được tiếng Anh tốt thì cần phải tạo ra môi trường. Môi trường đó trước tiên là không khí tại các nhà trường. Không khí đó thể hiện thông qua các bài trí, các hoạt động, phải thấm đậm vào trong từng hoạt động của trẻ mà mỗi một GVMN cần phải đảm bảo điều đó. Chúng tôi nghĩ rằng nếu như có sự chuẩn bị một cách chu đáo chúng ta cũng có thể đáp ứng được.

Trong yêu cầu đổi mới hiện nay, với xu thế hội nhập thì chắc chắn việc cho trẻ làm quen với tiếng Anh là yêu cầu hết sức cần thiết. Chúng tôi cũng rất mong Bộ GD&ĐT, Nhà nước có sự quan tâm chỉ đạo và sát sao hơn để các cơ sở đào tạo GVMN, cũng như các cơ sở GDMN có thể thực hiện được tốt việc này.

Theo đánh giá của ông, hiện nay ngay cả giáo viên dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non cũng là hạn chế?

- Qua kết quả khảo sát nhà trường vừa thực hiện, thì hiện nay ở rất nhiều nơi cho trẻ làm quen tiếng Anh đang dựa vào các trung tâm. Và người dạy chủ yếu là giáo viên nước ngoài. Ưu thế của giáo viên nước ngoài là họ phát âm chuẩn, có những phương pháp mới phù hợp. Tuy nhiên với trẻ Việt Nam chỉ thuần tuý áp dụng theo hình thức tổ chức của người nước ngoài thì cũng có thể có chỗ chưa phù hợp.

Đối với giáo viên người Việt đang thực hiện thì tôi thấy chủ yếu là giáo viên ngoại ngữ đi dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non. Điều đó dẫn đến một bất cập là chưa hiểu hết về tâm sinh lý của lứa tuổi mầm non. Còn GVMN đang đi dạy thực hiện cho trẻ làm quen tiếng Anh thì lại có hạn chế là năng lực ngoại ngữ còn hạn chế, dẫn đến những việc phát âm hoặc có tình huống sử dụng từ chưa thật chuẩn, làm ảnh hưởng đến quá trình tiếp nhận tiếng Anh của trẻ.

Từ năm học 2015-2016, sau khi được Bộ cho phép đào tạo ngành tiếng Anh trình độ cao đẳng, nhà trường cũng đã xin được chương trình song hành là GDMN tiếng Anh. Tại sao phải xây dựng như vậy, bởi lẽ phải có được kiến thức mầm non trong giáo viên dạy mầm non, thì phương pháp dạy mới phù hợp đặc điểm tâm sinh lý của trẻ.

Điều hết sức phấn khởi là ngay trong năm đầu tiên này chúng tôi đã có hơn 120 em nhập học lớp song hành này. Nếu như có sự phát triển tốt, chúng tôi nghĩ trong vòng 5 năm tới cũng sẽ đào tạo được một đội ngũ GVMN có khả năng tổ chức cho trẻ làm quen với tiếng Anh đáp ứng được nhu cầu xã hội.

Theo ông thì giáo viên nước ngoài dạy cho trẻ em Việt Nam là không phù hợp?

- Tôi cũng không dám nói là không phù hợp vì thực ra cũng chưa có nghiên cứu sâu mà mới sơ bộ tìm hiểu. Tôi nghĩ là cũng có những phương pháp, hình thức tổ chức rất hay nhưng có những cái chưa phù hợp ở chỗ, là những buổi làm quen tiếng Anh riêng.

Mà đối với trẻ mầm non khi làm quen với tiếng Anh phải thông qua các hoạt động thường ngày của trẻ, cho nên đưa vào trong các trường mầm non, gắn với hoạt động giáo dục thường xuyên liên tục của trẻ thì hiệu quả sẽ cao hơn.

Vậy việc xây dựng đội ngũ giáo viên tiếng Anh cho trẻ mầm non, theo ông, có cần thiết được đưa vào các trường sư phạm không?

- Tôi nghĩ điều đó là cần thiết. Bởi lẽ khi đã xác định đây là một trong các nội dung hoạt động trong trường mầm non, để thông qua đó giáo dục trẻ thì đương nhiên phải có đào tạo giáo viên chuyên biệt.

Cũng như trong triển khai thực hiện, trường mầm non tiếp cận chất lượng cao thì tôi có đặt ra giáo viên chuyên biệt như giáo viên Âm nhạc trong trường mầm non, giáo viên Mỹ thuật trong trường mầm non... Và tương tự, chúng ta cũng rất cần giáo viên tiếng Anh trong trường mầm non.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Dạy tiếng Anh cho trẻ mầm non: Cần có giáo viên chuyên biệt