Bố mẹ vất vả với cuộc sống mưu sinh, đi sớm về muộn, con cái lớn lên trong môi trường văn hóa thuần Nga, sự thiếu gắn kết cứ lớn lên theo năm tháng đến khi chợt nhận ra thì quá muộn.
Tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt trong việc giữ gìn phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, nuôi dưỡng tình yêu quê hương đất nước đã được đề cập trong nhiều tài liệu chính thức.
Hiện nhiều bậc phụ huynh người Việt ở Liên bang Nga đã cảm nhận được tác hại của việc con cái họ không nắm vững ngôn ngữ mẹ đẻ.
Người Việt bắt đầu xuất hiện tại tỉnh Ulyanovsk, quê hương lãnh tụ V.I.Lenin, vào những năm 1980 thế kỷ trước. Đến nay, có khoảng 700 người đang sinh sống và làm việc tại đây, trong số đó không ít người thuộc thế hệ thứ 2, thứ 3.
Theo ông Trịnh Văn Quế, Chủ tịch Hội người Việt Nam “Đoàn kết” tại Ulyanovsk, phần lớn bà con nơi đây buôn bán, kinh doanh buốn bán ở các chợ, có cuộc sống ổn định, giấy tờ hợp pháp.
Chỉ có điều khiến ông trăn trở nhất là thế hệ trẻ ngày càng ít quan tâm đến việc học tiếng Việt. Mọi sinh hoạt hàng ngày của các cháu hầu hết gắn với bạn Nga, từ đi học, đi chơi cho đến các hoạt động xã hội khác. Chỉ có khoảng thời gian ngắn ngủi buổi tối gia đình mới được quây quần bên nhau.
Thế nhưng, do các cháu không thông thạo tiếng mẹ đẻ nên cũng không có nhu cầu tâm sự cùng bố mẹ, thậm chí thích ăn bánh mỳ hơn ăn cơm Việt Nam. Sự thờ ơ, hời hợt của con cái nhiều lúc khiến các bậc phụ huynh cảm thấy cô đơn ngay chính trong ngôi nhà của mình.
Trả lời câu hỏi vì sao không mở lớp dạy tiếng Việt cho các cháu, ông Trịnh Văn Quế chia sẻ: “Bản thân tôi cũng đã đi khảo sát mô hình mở lớp dạy tiếng Việt tại một số tỉnh, thành ở Liên bang Nga, song nhận thấy nhiều vấn đề còn chưa phù hợp với đặc điểm cộng đồng ở Ulyanovsk. Do đó, chúng tôi đang tìm cách tiếp cận khác. Hiện, Trường Trung học phổ thông số 76 mang tên Hồ Chí Minh kết nghĩa với Trường Trung học phổ thông Chuyên Phan Bội Châu của tỉnh Nghệ An đang xúc tiến hợp tác trao đổi giáo viên. Khi có giáo viên chuyên nghiệp thì chúng tôi tin rằng lớp học tiếng Việt chắc chắn sẽ phát triển bền vững.”
Có lẽ, không ít gia đình người Việt ở Liên bang Nga đang rơi vào hoàn cảnh tương tự. Anh Nguyễn Ngọc Tuấn - Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Cộng hòa Bashkortostan cũng ghi nhận mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình người Việt ở nơi đây không còn gắn kết như trước đây, mà bắt đầu trở nên lỏng lẻo, rời rạc.
Bố mẹ vất vả với cuộc sống mưu sinh, đi sớm về muộn, con cái lớn lên trong môi trường văn hóa thuần Nga. Sự thiếu gắn kết cứ lớn lên theo năm tháng đến khi chợt nhận ra thì quá muộn. Bọn trẻ đã trưởng thành, việc dạy dỗ văn hóa, truyền thống dân tộc đã vượt khỏi tầm tay của bố mẹ.
Không đến nỗi rơi vào tình trạng nói trên, nhưng chị Nguyễn Thị Hoàng Yến sống ở Moskva cũng bày tỏ sự tiếc nuối khi không dạy được tiếng Việt bài bản cho hai cô con gái của mình.
Chị kể hồi còn bé gia đình thuê được giúp việc người Việt nên các cháu nói được tiếng Việt khá tốt. Các cháu rất vui khi được nói chuyện qua điện thoại với ông bà và người thân ở Việt Nam. Khi đó, chị treo phần thưởng nếu các con học giỏi đến Hè cho về Việt Nam chơi. Chị vẫn nhớ y nguyên nét mặt hứng khởi và hào hứng như thế nào mỗi lần được về thăm quê hương.
Thế nhưng sự phấn khích đó chỉ kéo dài đến hết cấp 1, rồi theo thời gian, các cháu lớn lên và bị cuốn vào việc học hành, vui chơi cùng các bạn Nga, nên số lần về Việt Nam cũng giảm dần. Giờ đây, về thăm quê hương không còn là niềm mơ ước, mong chờ mà đã trở thành miễn cưỡng. Cũng khó trách được các cháu bởi vì bây giờ về thăm quê hương, tiếng Việt thì bập bõm, phần lớn phong tục tập quán thì lạ lẫm nên các cháu cảm thấy cô đơn và lạc lõng.
Không nắm vững tiếng Việt còn làm hạn chế cơ hội việc làm của các bạn trẻ người Việt sinh ra và lớn lên tại xứ sở Bạch dương, đặc biệt trong bối cảnh mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa Việt Nam và Liên bang Nga không ngừng được củng cố, mở rộng và phát triển.
Mỗi năm hàng trăm đoàn lớn nhỏ, chính thức và không chính thức sang thăm, làm việc cũng như tìm kiếm cơ hội kinh doanh, du lịch đều rất cần người thông thạo tiếng Việt và tiếng Nga hỗ trợ.
Có thể nói, nghề phiên dịch và hướng dẫn viên du lịch đang rất “hot” với mức thu nhập khoảng 200 USD/ngày, thế nhưng vẫn không thu hút được giới trẻ. Nhiều người lý giải thế hệ trẻ bây giờ được sống sung sướng nên không chịu khó, chịu khổ được, do đó cho dù nghề “hái ra” tiền cũng khó có thể hấp dẫn được các bạn trẻ.
Tuy nhiên, mọi người đều thừa nhận thực tế rằng để làm được hướng dẫn viên du lịch hay phiên dịch thì phải thông thạo tiếng Nga và tiếng Việt, thế hệ thứ hai sinh ra và lớn lên ở Nga phần lớn lại rất kém tiếng Việt.
Như vậy, chưa nói đến những mục tiêu cao xa, việc không nắm vững tiếng mẹ đẻ đang gây ra nhiều hậu quả nhãn tiền đối cộng đồng người Việt ở Nga. Rất đáng tiếc, hiện vẫn chưa có những giải pháp cụ thể và thiết thực để chấn chỉnh tình trạng đáng buồn này.