Giảng dạy tiếng Việt là điều quan trọng để giữ gìn, phát triển truyền thống, bản sắc văn hóa của đất nước.
Từ lâu, việc dạy và học tiếng Việt cho cộng đồng người Việt ở nước ngoài đã được triển khai liên tục, rộng khắp. Từ đó đã có nhiều giáo viên giàu sáng tạo, áp dụng hiệu quả công nghệ số vào vào truyền bá ngôn ngữ, đặc biệt trong bối cảnh của dịch Covid-19...
Trung tâm Tiếng Việt Budapest tại Hungary đã hoạt động từ năm 2010 đến nay. Dù số lượng người Việt sinh sống tại đây không nhiều, nhu cầu học tiếng Việt chưa cao, nguồn tài liệu tiếng Việt và giáo viên còn hạn chế nhưng Trung tâm duy trì được 3 lớp học với độ tuổi và trình độ khác nhau.
Nói như cô giáo Nguyễn Lưu Lan Anh, thì cô và các đồng nghiệp thường nói với nhau, để tiếng mẹ đẻ không bao giờ bị mất ở các thế hệ sau thì dù chỉ có một học sinh cũng dạy. Cô và các giáo viên ở đây đã kiên trì tổ chức lớp học và động viên các phụ huynh cho con em học ổn định và luyện tiếng mẹ đẻ ở nhà.
Cô Dương Thị Bích, giáo viên tiếng Việt tại Khoa Đông Nam Á học, Trường Đại học Goethe tại Frankfurt (Đức) cho biết, vì tha thiết với việc truyền bá tiếng Việt cho các cháu nhỏ nên dù khó khăn cách mấy thì cũng cố gắng vượt qua. Theo cô Bích, 100% phụ huynh đều mong muốn được dạy tiếng Việt cho con em mình. Tuy nhiên, họ chỉ có thể sắp xếp cho con học vào cuối tuần, trong khi việc duy trì các lớp học cần có sự phối hợp và ủng hộ tích cực hơn nữa từ phía các gia đình.
Cùng với đồng nghiệp, để phục vụ giảng dạy, cô Bích luôn tự trau dồi chuyên môn, thiết kế chương trình học hấp dẫn và gần gũi hơn với học sinh. “Gieo mầm tiếng Việt nơi đất khách quê người không phải là chuyện dễ, nhưng đó là nghĩa vụ của trái tim” - cô Bích tâm sự.
Là người sáng lập Trường Tiếng Việt Lạc Long Quân tại Ba Lan, ông Lê Xuân Lâm - Tổng Thư ký Hội người Việt tại Ba Lan cũng cho rằng “hành trình gieo tiếng Việt” là khó khăn. Thành lập năm 1999, vượt lên tất cả, đến nay ngôi trường này có thể tự hào vì những thành tích mà tập thể giáo viên đã cống hiến vì sự phát triển của cộng đồng người Việt.
Đáng chú ý, tập thể giáo viên nhà trường còn tự biên soạn bộ sách Em yêu tiếng Việt (tham khảo từ các bộ sách trong nước) để phù hợp với học sinh nhà trường. Đặc biệt, trong mùa Covid-19, các thầy cô đã công phu biên soạn giáo án online trên nền tảng E-learning Moodle phục vụ công tác giảng dạy trực tuyến.
Nói về việc làm sao để học trò dễ tiếp thu khi học tiếng Việt, cô giáo Hà Thị Vân Anh -giảng viên bộ môn tiếng Việt, trường Đại học Tổng hợp Taras Shevchenko, thành phố Kiev (Ukraine), cho biết mỗi giáo viên cần tìm ra các biện pháp cơ bản như: Phân loại đối tượng học; mục đích dạy và học rõ ràng; có kỹ năng sư phạm, dạy phải có hệ thống, tính liên tục và kết nối; nắm bắt được tâm lý của từng độ tuổi để có thể đưa ra những bài học, chủ đề thích hợp...
Cũng chú trọng đến tính sáng tạo của giáo viên, tại Australia, cô Ngô Tuyết Mai gây ấn tượng đặc biệt với chương trình Smart Learning - Giải pháp và kỹ năng dạy trực tuyến. Chương trình của cô Mai đang được phát triển và nâng cao qua hình thức đào tạo giúp cho việc học tiếng Việt ở nhiều địa bàn trở nên dễ dàng thuận tiện.
Cô Mai chia sẻ: “Trước những thách thức của việc học tiếng Việt online, thì quan trọng nhất bản thân giáo viên phải vượt qua rào cản tâm lý. Khi gặp khó khăn, chúng ta phải mạnh dạn nhờ chuyên gia giúp đỡ. Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ các giáo viên bằng cách tổ chức các hội thảo chia sẻ động lực học trực tuyến, trợ giúp phương pháp học trực tuyến”.
Tuy nhiên, nói như ông Phan Quốc Lợi, Phó Chủ tịch Hội người Việt Nam tại Nong Khai, Thái Lan thì “việc học tiếng Việt và văn hóa Việt ở nước ngoài là việc làm lâu dài và khó khăn, đòi hỏi chúng ta phải nỗ lực, kiên trì và đôi khi phải biết hy sinh lợi ích cá nhân”.
Ông Lợi cho biết, ban đầu chỉ có khoảng 35 học sinh, thì giờ đây, qua 3 năm phát triển, lớp tiếng Việt đã có 200 học sinh từ lớp 7 đến lớp 12. Bên cạnh đó, một Trung tâm Ngôn ngữ và Văn hóa Việt Nam khang trang, đẹp đẽ đã được xây dựng tại ngôi trường này. Cũng từ đây, hình ảnh Việt Nam được nhiều người biết đến và đã lan tỏa tới hơn 60 trường Trung học phổ thông trên toàn vùng Đông Bắc Thái Lan, nơi có kiều bào ta sinh sống.
Mới đây, tại văn phòng Hội người Việt Nam tại Odessa (Ukraine), Đại sứ Nguyễn Hồng Thạch và Đoàn công tác của Đại sứ quán Việt Nam tại Ukraine đã có buổi làm việc với cộng đồng người Việt tại Odessa. Đại sứ nhấn mạnh việc ưu tiên dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng nhằm giữ gìn truyền thống văn hóa và phát huy bản sắc dân tộc.
Đại sứ đặc biệt nhấn mạnh công tác dạy học tiếng Việt, ưu tiên việc giảng dạy tiếng Việt cho các cháu lên hàng đầu, khôi phục lại các lớp Tiếng Việt tại các cụm dân cư. Nếu tình hình dịch bệnh không được kiểm soát thì có thể tổ chức các lớp học online để giúp các cháu biết nói tiếng Việt, giữ gìn văn hóa và phát huy bản sắc dân tộc. Theo đó, Văn phòng Lãnh sự danh dự Việt Nam tại Odessa sẽ là cầu nối mới và là cơ quan thường trực của Đại sứ quán, cùng với các hoạt động của Hội sẽ là sự cộng hưởng góp phần vào việc hỗ trợ bà con làm ăn sinh sống, bảo vệ quyền lợi hợp pháp và nâng cao vị thế người Việt tại đây.
Cũng trong buổi làm việc, cán bộ đoàn công tác Đại sứ quán phụ trách từng bộ phận đã trao đổi, giải đáp những tồn đọng được đặt ra như giấy tờ, bảo hộ công dân, hỗ trợ những doanh nhân về nước để duy trì và khôi phục lại việc đưa hàng hóa Việt Nam sang Ukraine như trước đại dịch.