“…Con thương mẹ lắm, con sẽ cố gắng học thật giỏi để mẹ không buồn. Con chúc mẹ giữ gìn sức khỏe…”, đó là một phần bức thư của con gái gửi đến nữ điều dưỡng đang trực tiếp tham gia lấy mẫu xét nghiệm tại tâm dịch Chí Linh, Hải Dương.
Chị Nguyễn Thị Huyền là điều dưỡng của Trung tâm Y tế Chí Linh. Tính đến thời điểm hiện nay, nữ điều dưỡng đã 7 ngày tham gia vào tâm dịch chống Covid-19 tại tâm dịch lớn nhất cả nước.
Chia sẻ với PV, chị Huyền không giấu nổi sự xúc động khi nhận được lá thư từ con gái: “Khi nhận được thư con gửi, tôi bật khóc phải độ mươi phút mới có thể định thần. Tôi vừa nhớ lại vừa thương con khi không có mẹ bên cạnh để chăm sóc. Ngày nhận nhiệm vụ tôi chỉ kịp nói với con mẹ đi công tác một tháng”.
Trong bức thư Đoàn Gia Linh (học sinh lớp 4) gửi mẹ, có đoạn viết: “Con biết mẹ phải tiếp bệnh nhân Covid-19 suốt đêm, con thương mẹ lắm, với lại lúc mẹ gọi cho con, con thấy mẹ không có giường nằm mẹ rất lạnh”.
Đó cũng là hoàn cảnh chung của hàng trăm nhân viên y tế thuộc Tung tâm Y tế Chí Linh, Hải Dương vào những ngày đầu của cuộc chiến chống Covid-19 tại điểm nóng của tâm dịch.
Những ngày qua, họ đã phải gồng mình với những thử thách đến nghẹt thở. Đặc thù của việc lấy mẫu xét nghiệm là không thể xác định trước thời gian. Chỉ cần xác định có yếu tố dịch tễ nghi ngờ là cả đội tác chiến lại lên đường ra trận. Những ca làm việc của họ gần như kéo dài xuyên đêm.
“Chống dịch Covid-19 thì thời khóa biểu được lập trình theo tính khẩn cấp của ca bệnh. Nhiều hôm, chúng tôi làm việc xuyên trưa, xuyên đêm đến tận 3h sáng. Tâm thế khẩn trương cho kịp gửi mẫu về nơi xét nghiệm khiến chúng tôi không còn cảm giác đói. Cũng có lúc anh chị em không chịu nổi đành phải nghỉ tạm ở ngay tại điểm lấy mẫu chốc lát rồi về”, chị Huyền nhớ lại.
Thời tiết Hải Dương những ngày này không nóng, nhưng việc khoác bộ đồ bảo hộ trong suốt thời gian dài cũng là một thử thách lớn với đội ngũ lấy mẫu xét nghiệm. Để đảm bảo tiến độ xét nghiệm, nhân viên y tế nhiều khi phải nhịn ăn, nhịn uống để làm việc.
Chị Huyền kể: “Các điểm lấy mẫu đa phần nằm ở các nhà văn hóa xã phường, nên hầu hết không có nhà vệ sinh. Không chỉ vậy, đồ bảo hộ những ngày đầu lại hiếm nên chúng tôi đều có gắng hạn chế tối đa việc ăn uống để tiết kiệm đồ và không ảnh hưởng đến tiến độ chung”.
Bước vào cuộc chiến, những hậu phương là thành lũy tinh thần quan trọng. Ông bà ngoại đã thay chị chăm sóc hai cháu. Ngày chị “ra trận”, mẹ chị nhắn nhủ rất giản dị: “Con cố gắng phụng sự tổ quốc, các cháu đã có mẹ lo rồi!”.
Chứng kiến hình ảnh vất vả của các anh chị, nhiều người dân Chí Linh đã không thể cầm lòng. Từ chăn đệm đến những nhu yếu phẩm cần thiết đều được gửi đi, gói ghém cả sự trân trọng dành cho những người mà họ biết ơn.
Đó chắc hẳn cũng là lý do mà chị Huyền và các đồng nghiệp thấy “ấm áp đến lạ lùng” khi nhận được những suất cơm tiếp ứng của bà con.
Ít ai biết rằng, cả mẹ và ba chị em gái của chị Huyền đều là cán bộ ngành Y. Mẹ chị trước đây cũng từng công tác tại Trung tâm Y tế TP Chí Linh. Chị tự hào khi chia sẻ thêm về ước mơ của con gái: “Gia Linh toàn bảo sau này muốn trở thành bác sĩ”.
Ước mơ của Gia Linh hoàn toàn có cơ sở khi được tiếp lửa bởi những người chiến binh như bà, như mẹ em. Ký ức những ngày mẹ đi vắng chắc sẽ in đậm cả đời với Gia Linh và chắc chắn sẽ luôn tự hào về truyền thống gia đình.