ĐBQH đề nghị giảm giờ làm ở khu vực tư xuống còn 44 giờ/tuần

Việt Thắng 31/10/2023 18:54

Đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công.

Chiều 31/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2023; dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024 và nhiều nội dung quan trọng khác.

ĐB Phạm Trọng Nghĩa (Đoàn Lạng Sơn) cho rằng, bên cạnh những kết quả rất trân trọng thì năm 2023 có 5/15 chỉ tiêu Quốc hội giao chưa đạt. Trong 5 chỉ tiêu chưa đạt của năm 2023, Chỉ tiêu tốc độ tăng năng suất lao động xã hội ước đạt 3,77-4,76. Đây là năm thứ 3 liên tiếp chúng ta không đạt chỉ tiêu này. Điều đáng lo ngại là tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân đang cso xu hướng giảm: Giai đoạn 3 năm 2021-2023 chỉ đạt 4,36-4,69%, thấp hơn mức bình quân 6,26% của 3 năm 2016-2018.

Từ đó, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ làm rõ nguyên nhân, xác định trách nhiệm và có giải pháp quyết liệt đối với chỉ tiêu này. Tại các kỳ họp trước, các ĐBQH cũng đã có ý kiến và kiến nghị các giải pháp về tăng năng suất lao động, phát huy lợi thế nguồn nhân lực trong thời kỳ dân số vàng.

Ông Nghĩa cũng cho rằng, kinh tế toàn cầu năm 2024 dự báo sẽ khó khăn hơn, toàn cầu hóa và thương mại sẽ tiếp tục giảm. Nghị quyết số 16/2021/QH15 của Quốc hội về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 đề ra 20 chỉ tiêu. Đối với một số chỉ tiêu về kinh tế, việc đạt yêu cầu của Nghị quyết 16 là hết sức khó khăn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ tăng cường dự báo, đánh giá kỹ tính khả thi để trình Quốc hội điều chỉnh cho phù hợp, đề nghị có giải pháp cụ thể cho từng chỉ tiêu và cho từng năm từ nay đến hết năm 2025.

Về độ mở của nền kinh tế, ông Nghĩa phân tích: Nước ta là quốc gia có quy mô kinh tế nhỏ, độ mở cao. Năm 2022, theo IMF, Việt Nam là quốc gia đứng thứ 37 trên thế giới về quy mô kinh tế. Thống kê của WB cho thấy Việt Nam là một trong những quốc gia có độ mở về kinh tế tăng nhanh và lớn nhất thế giới. Tỷ trọng kim ngạch xuất nhập khẩu trên GPD tăng liên tục từ 81% năm 1990 lên 111,4% năm 2000, 144,9% năm 2015 và 186,5% năm 2021, đứng thứ 8 trên thế giới, đứng thứ 2 ASEAN, chỉ sau Singapore 333%, và đứng thứ nhất trong số 15 quốc gia có dân số trên 100 triệu.

“Bên cạnh những mặt tích cực, nền kinh tế có độ mở quá cao, nếu không có những giải pháp chính sách tốt, sẽ đem đến nhiều hệ lụy, như nền kinh tế trở nên dễ bị tổn thương, nhạy cảm với các biến động từ bên ngoài; xuất nhập khẩu nhiều nhưng chủ yếu là hàng hóa thâm dụng lao động, giá trị gia tăng không cao; tăng trưởng cao nhưng vẫn ở vị trí cuối trong chuỗi giá trị toàn cầu; nguy cơ là công xưởng gia công, nguy cơ rơi vào bẫy thu nhập trung bình là hiện hữu”-ông Nghĩa nói.

Với xu hướng hội nhập sâu và rộng, tham gia ngày càng nhiều hơn vào các FTAs, ông Nghĩa đề nghị Chính phủ đánh giá cụ thể tác động của độ mở nền kinh tế đến nước ta ra sao? độ mở bao nhiêu là phù hợp với nước ta? nhu cầu và cơ chế kiểm soát độ mở của nền kinh tế nước ta thế nào?

Từ đó, có giải pháp để xây dựng nền kinh tế tự chủ hơn, có khả năng thích ứng tốt hơn theo quan điểm phát huy nội lực là yếu tố quyết định gắn với ngoại lực và sức mạnh thời đại như xác định trong Chiến lược phát triển kt - xh 10 năm 2021-2030 của Đảng.

Về giải pháp trong thời gian tới, ông Nghĩa đề nghị quan tâm đến 3 nhóm giải pháp. Theo đó, tăng cầu trong nước, phát triển thị trường nội địa: Tiếp tục giảm thuế, phí, lệ phí cho người dân và doanh nghiệp; kéo dài thời gian giảm thuế VAT đến hết 30/6/2024. Đồng thời, đề nghị Chính phủ chỉ đạo Hội đồng tiền lương quốc gia tiến hành thương lượng sớm để tăng lương tối thiểu cho người lao động bảo đảm thực hiện từ 1/7/2024 cùng thời điểm với việc thực hiện cải cách tiền lương trong khu vực công.

Bên cạnh đó, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính. Trong Báo cáo tổng hợp kiến nghị do UBTƯ MTTQ Việt Nam gửi đến Kỳ họp thứ 6 này, cử tri và Nhân dân đề nghị các cấp chính quyền quan tâm rút ngắn thời gian giải quyết thủ tục hành chính, công khai minh bạch các quy trình, thủ tục.

Thứ ba, tăng cường liên kết vùng. Đề nghị Chính phủ khẩn trương xây dựng, trình Quốc hội ban hành luật hoặc nghị quyết về phát triển vùng, tăng cường liên kết vùng làm cơ sở pháp lý cho việc thể chế hóa các quan điểm của Đảng trong 6 nghị quyết nêu trên vào cuộc sống.

Điều 101 Sắc lệnh số 29 ngày 12/3/1947 quy định “thời hạn làm việc của công nhân, đàn ông hay đàn bà không quá 48 giờ 1 tuần lễ”; Điều 103 Sắc lệnh này cũng quy định thời gian làm thêm mỗi năm không quá 100 giờ. Sau gần 80 năm độc lập, qua gần 40 năm đổi mới, điều kiện kinh tế - xã hội, thế và lực của nước ta được nâng lên tầm cao mới nhưng thời giờ làm việc của người lao động khu vực tư không giảm trong khi thời giờ làm thêm đã tăng lên gấp 3 lần.

Người lao động cần được quan tâm, được chia sẻ và phải được thụ hưởng tốt hơn từ những thành quả phát triển của đất nước. Vì vậy, kính đề nghị Chính phủ xem xét trình Quốc hội giảm giờ làm việc bình thường cho người lao động trong khu vực tư từ 48 giờ/1 tuần xuống 44 giờ/ 1 tuần, tiến tới 40 giờ/1 tuần như trong khu vực công (đã được thực hiện từ 1999). Đây cũng là xu hướng tiến bộ của đa số các quốc gia trên thế giới.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH đề nghị giảm giờ làm ở khu vực tư xuống còn 44 giờ/tuần

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO