Quốc hội

ĐBQH đề xuất Luật Điện lực cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI

Quang Vinh, Việt Thắng 07/11/2024 17:54

Chiều 7/11, Quốc hội thảo luận về Góp ý về dự án Luật Điện lực (sửa đổi).

Thiếu hành lang pháp lý minh bạch sẽ làm lãng phí nguồn lực

ĐB Trần Quốc Tuấn (Đoàn Trà Vinh) cho rằng, sửa đổi Luật Điện lực cần phải đồng thời đáp ứng cả 2 mục tiêu là vừa đạt mục tiêu trước mắt bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa đạt mục tiêu lâu dài thực hiện đầy đủ cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Theo ông Tuấn, cần phải khai thác hiệu quả nguồn lực tài nguyên sẵn có, nhất là các dự án điện năng lượng tái tạo, năng lượng mới. Để đạt đồng thời 2 mục tiêu nêu trên, nếu thiếu hành lang pháp lý rõ ràng, minh bạch sẽ làm lãng phí lớn nguồn lực xã hội như: nhiều trường hợp dự án điện gió, điện mặt trời hiện nay đã hoàn thành nhưng không thể hoà lưới thương mại.

z6008696565864_00b92ad227ce34b6aea62463b4a18ae8.jpg
Ông Trần Quốc Tuấn phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Từ đó, ông Tuấn đề nghị, Ban soạn thảo quan tâm, nghiên cứu bổ sung nội dung hình thức đầu tư tư nhân và đầu tư có vốn nước ngoài trên nguyên tắc đảm bảo an ninh quốc phòng. Đồng thời, xem xét về đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư các dự án điện lực không thực hiện đầu tư theo phương thức đối tác công tư và đầu tư công. Đặc biệt, cần bổ sung nội dung “loại hình điện gió trên biển” gồm: “điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi”.

“Ngoài loại hình điện khí, điện gió trên bờ và năng lượng mới được quy định trong dự thảo Luật, hiện nay có nhiều nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi đang rất cần sự an toàn vốn khi họ bỏ ra một số tiền rất lớn để đầu tư. Điển hình, họ cần sự bảo đảm của Nhà nước trong bảo lãnh đầu tư, chuyển đổi ngoại tệ, cam kết về chuyển giao công nghệ và sử dụng hàng hóa và dịch vụ trong nước”, ông Tuấn nói và cho rằng, nếu được bổ sung, nội dung này sẽ thu hút được nhiều hơn các nhà đầu tư điện gió gần bờ và điện gió ngoài khơi tham gia phát triển điện lực trong nước, góp phần lớn vào việc vừa đạt mục tiêu vừa bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia, nhưng cũng vừa thực hiện đúng cam kết quốc tế của Việt Nam đạt mức phát thải ròng bằng 0 vào năm 2050.

Ông Tuấn cũng kiến nghị, dự thảo Luật cần có quy định chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI và chuyển giao công nghệ, khuyến khích các doanh nghiệp nước ngoài có kinh nghiệm trong sản xuất thiết bị điện gió đến Việt Nam đầu tư và chuyển giao công nghệ cho các đối tác trong nước. Điều này giúp nâng cao năng lực sản xuất, đồng thời đảm bảo chất lượng sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ngoài ra, các dự án Điện gió ngoài khơi cần phải được điều chỉnh tại các điều khoản của Luật đầu tư và các dự án luật khác để có đủ cơ sở pháp lý triển khai thực hiện đầu tư các dự án trên biển.

Tính lãi ngay khi chậm trả tiền điện: Không thực sự phù hợp

Theo ĐB Nguyễn Thị Việt Nga (Đoàn Hải Dương), về phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới (Điều 33 dự thảo), khoản 1 Điều 33 dự thảo quy định một số đối tượng được khuyến khích phát triển điện tự sản xuất, tự tiêu thụ từ nguồn năng lượng tái tạo, năng lượng mới để cung cấp cho nhu cầu phụ tải của tổ chức, cá nhân.

Đối với nội dung này, bà Nga đề nghị xem xét bổ sung thêm đối tượng là điện phục vụ hoạt động của các trường học và bệnh viện, bao gồm cả các bệnh viện và trường học tư nhân, ngoài các nội dung được quy định trong dự thảo.

Về thanh toán tiền điện trong hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện (Điều 77 dự thảo), Khoản 1 Điều 77 quy định về thanh toán tiền điện theo hợp đồng mua bán điện đối với khách hàng sử dụng điện phục vụ mục đích sinh hoạt. Trong đó, có quy định nội dung về trả lãi trên số tiền chậm trả cho bên bán điện tương ứng với thời gian chậm trả. Việc quy định điều này để ràng buộc trách nhiệm của khách hàng sử dụng điện trong việc thanh toán tiền điện là phù hợp để đảm bảo lợi ích của bên cung cấp điện.

z6008562300635_f34ca5a7c78ec533f13bf73f2c73360c.jpg
Bà Nguyễn Thị Việt Nga phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Tuy nhiên, bà Nga cho rằng, đối với khách hàng sử dụng điện sinh hoạt, việc đôi khi quên thời gian đóng tiền điện, tiền nước dẫn tới đóng chậm một vài ngày diễn ra rất phổ biến. Vì vậy, quy định tính lãi ngay khi chậm trả sẽ không thực sự phù hợp.

Từ đó, bà Nga đề nghị nên có thời hạn quy định sau bao nhiêu lâu chậm trả thì bắt đầu tính lãi, nên có khoảng thời gian ít nhất 1 tháng. “Đặc biệt, nên quy định không tính lãi chậm đóng tiền đối với các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, người già neo đơn, sống một mình để đảm bảo tính nhân văn”, bà Nga nói.

Liên quan đến việc tại khoản 5 Điều 77 quy định về việc hóa đơn thanh toán tiền điện được lập theo chu kỳ ghi chỉ số đo điện, bà Nga cho biết trên thực tế xảy ra trường hợp bên cung cấp điện thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện. Điều này dẫn tới tình trạng, trong thời gian thay đổi chu kỳ, chỉ số sử dụng điện sẽ cao hơn chu kỳ thông thường, do thời gian từ khi chốt chỉ số lần trước đến khi chốt chỉ số lần sau dài hơn.

Bà Nga nêu quan điểm rằng, điều này đồng nghĩa với việc, hệ số điện tính giá ở mức cao sẽ nhiều hơn, gây thiệt hại và bức xúc cho khách hàng. Vì vậy cần bổ sung thêm quy định về trách nhiệm của bên cung cấp điện trong việc thay đổi chu kỳ ghi chỉ số đo điện và đảm bảo quyền lợi của khách hàng sử dụng điện.

Còn ĐB Phan Đức Hiếu (Đoàn Thái Bình) cho hay tại Điều 93, khoản 6 nêu: “Các dự án đầu tư nguồn điện sử dụng khí thiên nhiên hóa lỏng đã được lựa chọn nhà đầu tư theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm Luật này có hiệu lực được áp dụng cơ chế theo khoản 8, Điều 5”.

Ông Hiếu băn khoăn về cụm từ “theo đúng quy định của pháp luật trước thời điểm luật này có hiệu lực” do tính khả thi của quy định này.

z6008696312421_9988db2a8ffbf6055ad282ef7818dfc5.jpg
Ông Phan Đức Hiếu phát biểu (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Hiếu phân tích rằng, khi thực hiện quy định này đâu là cơ quan có thẩm quyền?, đâu là quy trình thủ tục để xác định lại dự án này đã được lựa chọn được nhà đầu tư trót lọt?. “Tôi cho rằng đây là cụm từ sẽ tạo ra sau này không biết sẽ thực thi thế nào?. Nhưng cái lớn hơn sẽ làm môi trường đầu tư rủi ro hơn. Đặt mình vào vị trí của nhà đầu tư, các nhà đầu tư sẽ rất lo, nếu một dự án đã hoàn thành các thủ tục rồi, thậm chí đã được cấp giấy phép rồi, họ có nên tiếp tục triển khai không, hay là cứ chờ đợi, sau này nhỡ có một quy định nào đó, xem lại quá trình ấy đúng hay không?”-ông Hiếu nói và kiến nghị bỏ cụm từ “theo đúng quy định của pháp luật”.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH đề xuất Luật Điện lực cần có chính sách ưu đãi thu hút đầu tư FDI