ĐBQH đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng bằng “Thư khen”.
Ngày 27/5 Quốc hội thảo luận về dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Phát biểu tại phiên họp, ĐB Trần Hoàng Ngân (TP Hồ Chí Minh) cho biết, Điều 9 của dự thảo Luật đã quy định rõ về hình thức khen thưởng, bao gồm: Huân chương, Huy chương; Danh hiệu vinh dự nhà nước; “Giải thưởng Hồ Chí Minh”, “Giải thưởng Nhà nước”; Kỷ niệm chương; Bằng khen; Giấy khen.
Ông Ngân kiến nghị bổ sung thêm hình thức “Thư khen” vì đây là hình thức khen thưởng nhanh, thủ tục đơn giản, hiệu quả khích lệ rất lớn, được sử dụng tại nhiều nước, đặc biệt để động viên kịp thời cho các em học sinh, tạo động lực lớn cho người được trao tặng.
“Ngay tại Quốc hội, nếu như trong một kỳ họp, các ĐBQH tham gia thảo luận chuyên môn sâu, đóng góp rất nhiều trí tuệ hoặc là đưa ra những sáng kiến hiệu quả mà được Chủ tịch Quốc hội gửi thư khen sẽ là một điều rất trân trọng. Do đó đề xuất lãnh đạo Đảng, Nhà nước tích cực và thường xuyên sử dụng hình thức khen thưởng này” - ông Ngân cho hay.
ĐB Nguyễn Anh Trí (đoàn Hà Nội) nhất trí đối với phương án mở rộng đối tượng xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” cho cá nhân hoạt động trong các lĩnh vực văn hóa, nghệ thuật gồm diễn viên, đạo diễn, chỉ đạo nghệ thuật, chỉ huy dàn nhạc, biên đạo, quay phim, nhạc sĩ, họa sĩ, soạn giả, nhiếp ảnh, nhà văn, kiến trúc sư, phát thanh viên vào dự thảo Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).
Ông Trí cũng đề nghị quy định về Thư khen của Thủ tướng, Thư khen của Chủ tịch nước, Thư khen của Chủ tịch Quốc hội vì Thư khen của các đồng chí lãnh đạo hết sức cao quý, sẽ có ý nghĩa động viên rất lớn cho các đối tượng được khen tặng do đó nên được bổ sung vào trong dự thảo luật.
ĐB Mai Thị Phương Hoa (đoàn Nam Định) cũng cho rằng, không nên quá cứng nhắc trong việc quy định điều kiện, tiêu chuẩn xét tặng danh hiệu “Nghệ sĩ Nhân dân”, “Nghệ sĩ Ưu tú” đối với những đối tượng nhiếp ảnh gia, kiến trúc sư, soạn giả.
Bởi lĩnh vực nhiếp ảnh, kiến trúc, văn học là những lĩnh vực có tính sáng tạo nghệ thuật cao. Họ không chỉ đơn thuần là người sáng tác mà còn là những nghệ sĩ đích thực với những tác phẩm không thể nào quên trong lòng khán giả.
“Đặc thù của những tác phẩm nhiếp ảnh, kiến trúc, tác phẩm văn học là không có việc trình diễn tác phẩm bởi các nghệ sĩ, diễn viên mà các khán giả, độc giả, người xem chỉ được biết đến tác phẩm khi tác phẩm đó được trưng bày, được xây dựng, được xuất bản” - bà Hoa nói.
Giải trình, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho biết, trên cơ sở ý kiến của ĐBQH, dự thảo luật đã bám sát nguyên tắc, yêu cầu sửa đổi, vừa kế thừa, vừa đổi mới để đảm bảo được tính bao quát toàn diện, chính xác, công bằng, bình đẳng và đáp ứng được yêu cầu thực tiễn khoa đại chúng, đúng với tính chất đặc thù của Luật Thi đua, khen thưởng của nước ta.
Về các vấn đề còn nhiều ý kiến, bà Trà đề nghị Ủy ban Thường vụ Quốc hội nghiên cứu để lấy phiếu để ĐBQH lựa chọn quyết định phương án cụ thể.