Quốc hội

ĐBQH lo ngại 'cứ có tiền nộp phạt vi phạm là xong' lợi bất cập hại

Quang Vinh, Việt Thắng 23/10/2024 14:59

Ngày 23/10, Quốc hội thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tư pháp người chưa thành niên.

Phát biểu tại phiên họp, ĐB Dương Văn Phước (Đoàn Quảng Nam) đề nghị, bổ sung thêm các trường hợp người chưa thành niên phạm tội khi thuộc các trường hợp sau thì không được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng. Đó là: Người chưa thành niên là chủ mưu, tổ chức cầm đầu, chỉ huy; người phạm tội có tính chất côn đồ, chuyên nghiệp; hai là người chưa thành niên phạm tội cố ý gây thương tích dẫn đến chết người; sử dụng vũ khí, hung khí nguy hiểm để phạm tội.

Ông Phước nêu rằng, thực tiễn người chưa thành niên vi phạm pháp luật trong thời gian qua tập trung nhiều vào độ tuổi 16 đến 18. Các đối tượng này lợi dụng không gian mạng tập hợp các nhóm tội phạm phạm tội mang tính chất có tổ chức, manh động, côn đồ, nguy hiểm cho xã hội.

202410230905148833_z5958249653761_928c92db102628c98fa2ac905c3eeaba.jpg
Các đại biểu tham dự phiên họp (Ảnh: Quang Vinh)

Ông Phước lo ngại, nếu các hành vi nêu trên được áp dụng các biện pháp chuyển hướng sẽ có nguy cơ gia tăng nhóm tội phạm đối với người chưa thành niên, gây mất an ninh trật tự. Đồng thời, người chưa thành niên phạm tội cố ý giết người thân ruột thịt như cha, mẹ, anh chị em ruột, cũng không nên được áp dụng các biện pháp xử lý chuyển hướng nhằm xử lý nghiêm những người mất nhân tính, giết hại cả những người thân thích ruột thịt của mình, vi phạm đạo đức, phạm tội nghiêm trọng.

“Đây là những đối tượng đặc biệt nguy hiểm và những người bị hại trong trường hợp này thường không đề phòng, thiếu cảnh giác nên có nguy cơ bị hại rất cao”-ông Phước nói.

ĐB Hoàng Đức Thắng (Đoàn Quảng Trị) cũng cho hay, Điều 113 về phạt tiền mặc dù đã có giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội nhưng cá nhân ông vẫn băn khoăn cả về nội dung và tính pháp lý của điều luật. Vì vậy, xin đề nghị cân nhắc lại việc phạt tiền đối với người chưa thành niên từ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi.

Theo ông Thắng, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 không quy định hình phạt tiền đối với nhóm đối tượng này. Cụ thể tại Điều 91, nguyên tắc xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội và Điều 98, các hình phạt áp dụng đối với người dưới 18 tuổi phạm tội, gồm cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ, phạt tù có thời hạn. Do vậy, việc đưa hình phạt tiền vào quy định ở nhóm độ tuổi này là chưa thống nhất với Bộ luật Hình sự hiện hành.

“Trong thực tế người chưa thành niên phần lớn là người sống phụ thuộc, không có tài sản riêng, mặt khác việc xác minh người đó có thu nhập, có tài sản riêng làm phát sinh thủ tục hành chính và trong những trường hợp cụ thể thì việc xác minh này không đơn giản, dễ dàng, khó khả thi, làm phát sinh sự bất hợp lý, không bảo đảm nguyên tắc công bằng, bình đẳng trước pháp luật, người thì cho phạt tiền, người thì không”-ông Thắng phân tích và đề nghị cần cân nhắc kỹ điều luật này theo hướng không nên quy định hình phạt này hoặc nếu có quy định thì không quy định theo kiểu tùy nghi.

Mặt khác, trong quy định cũng có nêu “gia đình, người thân thích của người chưa thành niên có tài sản mà tự nguyện nộp phạt” thì đây không phải là chế tài xử lý mang tính bắt buộc và cũng không đúng đối tượng xử phạt. Điều này sẽ tạo ra tâm lý ỷ lại cho các cháu là vi phạm cứ có tiền nộp phạt là xong, không mang ý nghĩa răn đe, giáo dục. “Tôi thấy nội dung điều luật này thực sự là lợi bất cập hại, rất cần được nghiên cứu, xem xét và cân nhắc”-ông Thắng kiến nghị.

Còn ĐB Nguyễn Tạo (Đoàn Lâm Đồng) bày tỏ, dự thảo Luật quy định các trường hợp không được áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng là giết người, hiếp dâm, hiếp dâm người dưới 16 tuổi, cưỡng dâm người 13-16 tuổi, sản xuất, tàng trữ, mua bán trái phép ma túy.

Ông Tạo lo ngại, thời gian vừa qua, tình hình tội phạm do người chưa thành niên thực hiện có xu hướng ngày càng gia tăng. Đối tượng có hành vi phạm tội có độ tuổi 16-18 tuổi. Thực tế lợi dụng phát triển của không gian mạng, các nhóm đối tượng phát triển rất nhanh, kéo theo hàng chục, hàng trăm đối tượng tham gia phạm tội manh động. Trong khi đó, dự thảo Luật chỉ quy định không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng ở một số tội là chưa đầy đủ.

“Nếu chỉ có một số tội này không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng, trong khi dự báo tình hình tội phạm thời gian tới do người dưới tuổi thành niên thực hiện tiếp tục gia tăng. Từ đó có thể xuất hiện những băng nhóm chỉ sử dụng người dưới 18 tuổi thực hiện các hành vi vi phạm pháp luật như đòi nợ thuế, cố ý gây thương tích, hủy hoại tài sản”-ông Tạo băn khoăn.

Từ đó, ông Tạo đề nghị bổ sung thêm trường hợp không áp dụng biện pháp xử lý chuyển hướng trong dự luật để tránh áp dụng không thống nhất đồng bộ, nhằm nâng cao công tác đấu tranh phòng chống tội phạm.


(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH lo ngại 'cứ có tiền nộp phạt vi phạm là xong' lợi bất cập hại