ĐBQH tái ứng cử nên về đơn vị cũ để dân 'phán quyết'

Theo Vov.vn 22/02/2016 15:42

“Người nào tái ứng cử thì về đơn vị cũ tái ứng cử. Ở đó cử tri sẽ đánh giá xem khóa trước đại biểu đã làm được gì. Đó chính là cơ chế để cử tri giám sát ĐBQH một cách hiệu quả nhất”.

ĐBQH tái ứng cử nên về đơn vị cũ để dân 'phán quyết'

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM.

Ông Trần Hoàng Thám, nguyên Trưởng Đoàn Đại biểu Quốc hội TP HCM nhấn mạnh, Hội đồng bầu cử nên quy định, người nào tái ứng cử thì về đơn vị cũ tái ứng cử, kể cả đại biểu Trung ương hay địa phương. Đại biểu về đó để cử tri đánh giá xem khóa trước ông đã làm được gì. Cố gắng đừng bao giờ đại biểu tái ứng cử ở đơn vị X, đơn vị A mà người dân thấy không được tạo cơ chế, cơ hội cho người dân giám sát.

PV: Một trong những nhiệm vụ hàng đầu của MTTQ là giới thiệu những người đủ tiêu chuẩn để được giới thiệu hiệp thương theo quy định. Với một người gắn bó lâu năm với Mặt trận, dự nhiều hội nghị hiệp thương, ông có đóng góp như thế nào để hiệp thương lần này giới thiệu được những người đủ tiêu chuẩn, tránh những trường hợp đáng tiếc như bà Châu Thị Thu Nga, bà Hoàng Yến…?

Ông Trần Hoàng Thám: Tôi nghĩ 3 lần hiệp thương để có một danh sách giới thiệu với cử tri để bầu chọn làm ĐBQH không những là nhiệm vụ hàng đầu mà còn là nhiệm vụ rất nặng nề của Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam và UBMTTQ các tỉnh, thành trong việc chọn người giới thiệu. Việc này phải bám vào quy định của Luật, nhưng tôi quan tâm nhất không phải là những tiêu chuẩn của Luật, không phải chỉ là cơ cấu, thành phần mà trong điều kiện hiện nay phải nghĩ tới những người có điều kiện để thực hiện nhiệm vụ của người ĐBQH.

Trong tiêu chuẩn và thành phần có rất nhiều người nhưng có những người có tiêu chuẩn, có trong cơ cấu nhưng mà điều kiện ít thì chúng ta đừng chọn những người đó. Theo tôi, cơ cấu lần này cố gắng giảm những người có tiêu chuẩn tốt nhưng không có điều kiện hoạt động hoặc hoạt động ít thì chúng ta giảm bớt đi.

Ví dụ, các cơ quan hành pháp nên tham gia Quốc hội ít thôi vì những người này rất khó có thời gian để thực hiện nhiệm vụ của ĐBQH. Hãy nâng lên số đại biểu với tiêu chuẩn ấy mà thuộc về các tổ chức chính trị - xã hội, các cơ quan chuyên ngành về Luật pháp như Hội Luật gia, Văn phòng Luật sư, những đơn vị kinh tế … để họ có điều kiện tham gia đóng góp nhiều hơn trong Quốc hội.

Một trong những vấn đề được đông đảo cử tri quan tâm đó là việc giới thiệu cơ cấu trong đó đảm bảo đại biểu là nữ và trong hội nghị hiệp thương làm sao để cho cơ cấu đó đáp ứng được nguyện vọng của cư tri và nhân dân. Ông bình luận gì về việc này?

- Về cơ cấu của Quốc hội khóa tới chúng ta cũng không nên chăm bẵm như xưa nay đó là nam, nữ, dân tộc… tất nhiên phải kế thừa nhưng cuộc sống đặt ra hiện nay là cơ cấu ĐBQH trên cơ sở tiêu chuẩn, điều kiện hoạt động và cơ cấu đó phản ánh được tầm trí tuệ của đông đảo nhân dân.

Muốn như vậy, chúng ta phải có các thành phần trí thức, các nhà khoa học, tăng thêm người ngoài Đảng. Hiện nay nếu chúng ta có khoảng 500 ĐBQH thì người ngoài Đảng cũng nên có ít nhất khoảng 100 người vì dân tộc mình rất nhiều người ưu tú vì lý do này, lý do khác họ chưa vào Đảng chứ không phải họ yêu nước ít hơn người Đảng viên, hay không phải trình độ của họ thấp hơn bất kỳ người Đảng viên nào cho nên cái này không chỉ phản ánh cho bộ mặt, sức mạnh của ĐBQH mà là sức mạnh của lòng dân.

Bên cạnh đó, chúng ta nên đặt vấn đề tạo cơ hội cho cử tri giám sát đại biểu. Không cần trong Hiến pháp hay luật mà chỉ Hội đồng bầu cử nếu quan tâm định ra sẽ tạo nhận thức trong nhân dân là đại biểu khóa XIII tái cử, Hội đồng bầu cử nên quy định, người nào tái ứng cử thì về đơn vị cũ tái ứng cử, kể cả đại biểu Trung ương hay địa phương.

Đại biểu về đó để cử tri đánh giá xem khóa trước ông đã làm được gì, đó chính là cơ chế để cử tri giám sát đại biểu một cách hiệu quả nhất. Cố gắng đừng bao giờ đại biểu tái cử ở đơn vị X, đơn vị A mà người dân thấy không được tạo cơ chế, cơ hội cho người dân giám sát.

Cũng nên bàn đến cơ cấu của những người tự ứng cử. Bây giờ những người có đủ tiêu chuẩn, điều kiện làm đại biểu Quốc hội thì cũng nên có quy định về cơ cấu, để một đơn vị được bao nhiêu người tự ứng cử. Với tiêu chuẩn đó, Mặt trận đồng ý giới thiệu ra nhưng người tự ứng cử và nên khuyến khích những người tự ứng cử.

Tôi tiếc rằng việc này chưa đặt ra trong khung Thường vụ Quốc hội báo cáo với Đoàn chủ tịch lần này để khuyến khích những người tự ứng cử và như vậy đồng bào, cử tri mới quan tâm đến những vấn đề mới.

Theo ông MTTQ Việt Nam sẽ phát huy vai trò của mình thế nào trong các hội nghị hiệp thương nhằm hạn chế những Đại biểu kém chất lượng?

- Việc này Mặt trận phải làm hết trách nhiệm, phải căn cứ vào tiêu chuẩn và thực hiện quyền giám sát của mình. Tuy nhiên, tôi cho rằng ĐBQH cũng là con người, khi được giới thiệu họ đúng tiêu chuẩn nhưng do không rèn luyện hoặc một lý do nào đó mà họ không giữ được bản thân thì chúng ta đưa ra bãi miễn tư cách ĐBQH.

Theo tôi, đây là việc không vui nhưng cũng là việc bình thường. Tôi nghĩ, Mặt trận quyết tâm chọn lựa những người đúng tiêu chuẩn, còn họ có làm đúng với tư cách ĐBQH hay không thì còn phụ thuộc vào việc rèn luyện, tu dưỡng, phấn đấu theo nhiệm vụ của mình.

Vai trò của Mặt trận ở đây là giám sát. Giám sát trong quá trình hiệp thương, giám sát trong quá trình bầu cử và giám sát luôn hoạt động của Quốc hội. Việc này trong Hiến pháp đã cho phép và trong cương lĩnh cũng đã nêu rồi nhưng muốn làm được việc này Mặt trận phải đủ bản lĩnh, phải có trình độ cần thiết, phải có điều kiện cần thiết. Tôi nghĩ Đảng, Chính phủ cũng sẽ tạo điều kiện để Mặt trận thực hiện nhiệm vụ của mình.

Theo ông, điểm mới của kỳ bầu cử ĐBQH lần này so với kỳ bầu cử ĐBQH kỳ trước như thế nào?

-Tôi thấy trong cơ cấu, thành phần Đại biểu Quốc hội lần này có bàn những bàn những nội dung mới là số đại biểu chuyên trách của Quốc hội được tăng lên. Điều đó rất đáng mừng vì đây là số lượng người cần thiết chuyên làm việc Quốc hội còn việc cơ quan hành pháp chưa giảm thì cần phải bàn thêm.

Xin cảm ơn ông.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH tái ứng cử nên về đơn vị cũ để dân 'phán quyết'