Theo Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà, trong thời gian tới, thành phố Thủy Nguyên trong sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng.
Chiều 21/11, Quốc hội thảo luận ở hội trường về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương; dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng.
Đồng tình việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương trên nền tảng bảo tồn, phát huy giá trị di sản Cố đô và bản sắc văn hóa Huế thể hiện sự đổi mới quan trọng về phát triển đô thị, góp phần thực hiện chủ trương phát triển đô thị theo hướng xanh, văn minh, giàu bản sắc, ĐB Phạm Văn Hòa (Đoàn Đồng Tháp) cho rằng, về cơ cấu phát triển kinh tế-xã hội, Thừa Thiên - Huế đã đạt tiêu chuẩn về trình độ phát triển kinh tế-xã hội áp dụng cho thành phố trực thuộc Trung ương.
Tuy nhiên, theo ông Hòa, hiện nay thành phố Huế bước đầu thành lập sẽ có nhiều khó khăn, thách thức, nhất là vấn đề đô thị hóa vì hiện nay mới có 2 quận, 3 thị xã và 4 huyện. Do đó, Trung ương cần quan tâm nhiều hơn về nguồn lực để thành phố Huế có thể vươn xa hơn về kinh tế-xã hội, nhất là đô thị đặc thù của Cố đô.
Cùng quan điểm, ĐB Trần Văn Tiến (Đoàn Vĩnh Phúc) bày tỏ việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo các điều kiện là trung tâm, vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, bảo đảm yêu cầu về quốc phòng an ninh, văn hóa lịch sử. Hiện tại cả tiêu chuẩn về quy mô dân số và diện tích đều đáp ứng yêu cầu.
Về dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, ĐB Nguyễn Quang Huân (Đoàn Bình Dương) bày tỏ tin tưởng đây sẽ là một bước đột phá lớn và sẽ tạo ra một cơ hội mới để cho Hải Phòng phát triển mạnh hơn nữa, tự chủ hơn và cũng phát huy được vị trí địa lý của Hải Phòng. Đồng thời, phù hợp với tính cách năng động của người dân Hải Phòng, thực hiện được chủ trương như Tổng Bí thư chỉ đạo gần đây là địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm.
ĐB Nguyễn Quang Huân cho rằng, nếu xu hướng đó phát triển cũng rất mong Hải Phòng sẽ có thể trở thành một Singapore thứ hai của vùng Đông Nam Á. Theo ông Huân, đây là một chủ trương rất đúng đắn và kịp thời, xuất phát từ thực tiễn là nhu cầu phát triển ở cả vùng Đồng bằng sông Hồng, Hải Phòng sẽ là cực tăng trưởng mới và cùng với Hà Nội, hỗ trợ cho Hà Nội để dẫn dắt kinh tế phía Bắc.
Theo ĐB Lã Thanh Tân (Đoàn Hải Phòng), khi được thông qua, thành phố Hải Phòng sẽ tích cực và sớm triển khai một cách có hiệu quả nhất mô hình chính quyền đô thị mới. Đây là một mô hình có sự tác động và tạo cho Hải Phòng một bước tiến mới trong con đường xây dựng phát triển thành phố.
Giải trình về việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho rằng, nội dung này mang tính lịch sử, khi đây là thành phố văn hóa di sản đầu tiên của Việt Nam và là thành phố di sản của thế giới, của nhân loại đã được UNESCO công nhận, vinh danh.
Theo bà Trà, các đại biểu đã bày tỏ ủng hộ, đồng tình, thống nhất cao việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương. Ý kiến của các đại biểu chất chứa những kỳ vọng, đồng thời đề xuất những nội dung để đưa Huế xứng đáng trở thành thành phố di sản văn hóa trực thuộc Trung ương và để làm sao thành phố phát triển nhanh, bền vững như mong đợi.
Theo bà Trà, Đề án đã có đánh giá tác động kỹ lưỡng, xây dựng phương án và lộ trình sắp xếp, kiện toàn tổ chức bộ máy của các cơ quan, đơn vị trong hệ thống chính trị của thành phố Huế trực thuộc Trung ương; phương án sử dụng trụ sở, tài sản công và thực hiện các chính sách đặc thù trên địa bàn theo đúng quy định.
Để đảm bảo việc thành lập thành phố Huế trực thuộc Trung ương đảm bảo khoa học, chặt chẽ, chí rõ cả về cơ sở chính trị, pháp lý và thực tiễn, bà Trà cho biết, đã tham khảo kinh nghiệm của quốc tế khi thành lập các đô thị di sản. Theo đó, việc bảo tồn và phát huy giá trị di sản cố đô, bản sắc văn hóa Huế, lấy bảo tồn làm cốt lõi, nhằm tạo tâm lực và nguồn lực cho sự phát triển của Huế. Đồng thời, tạo sức lan tỏa từ Huế cho cả vùng, góp phần cho phát triển đất nước. “Việc đổi mới tư duy trong phát triển đô thị Việt Nam, nhằm xây dựng không gian đô thị kế thừa, đa dạng, phong phú, thông minh, xanh, hiện đại nhưng vẫn giàu bản sắc”, bà Trà cho hay.
Liên quan đến dự thảo Nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị tại TP Hải Phòng, bà Trà cho hay, việc thành lập chính quyền đô thị của Hải Phòng thực hiện thể chế hóa nghị quyết của Đảng, cũng như kết luận của Bộ Chính trị. Đồng thời, trong quá trình thực hiện đã đảm bảo tính kế thừa, đồng bộ với TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng và có lựa chọn bổ sung một số vấn đề phù hợp với thực tiễn trong quá trình vận hành chính quyền đô thị của TP Hồ Chí Minh để phù hợp với Hải Phòng.
Về tổ chức bộ máy của thành phố Thủy Nguyên, bà Trà cho biết, Thủy Nguyên trong thời gian tới sẽ là trung tâm chính trị, kinh tế-xã hội của thành phố Hải Phòng.