ĐBQH 'truy' Bộ trưởng về loạn giá xét nghiệm, có hiện tượng trục lợi

Việt Thắng 10/11/2021 10:11

Các ĐBQH bày tỏ chưa thỏa mãn với trả lời của Bộ trưởng Bộ y tế Nguyễn Thanh Long và đều bấm nút tranh luận ngay sau đó.

Ngày 10/11, Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long đăng đàn mở đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn trước Quốc hội. Nhóm vấn đề chất vấn đặt ra đối với lĩnh vực ngành Y tế gồm: Công tác phòng, chống dịch bệnh Covid-19 thời gian qua và chiến lược phòng, chống dịch, chiến lược vaccine trong thời gian tới. Việc bảo đảm nguồn cung và quản lý giá xét nghiệm Covid-19, thuốc chữa bệnh, trang thiết bị y tế, sinh phẩm xét nghiệm. Giải pháp giảm thiểu sự chênh lệch chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh giữa các tuyến, các vùng, miền và nâng cao năng lực của hệ thống y tế cơ sở, đặc biệt là ở các vùng khó khăn. Định hướng đào tạo, sử dụng và chế độ đặc thù cho đội ngũ cán bộ y tế.

Tiêm 2 mũi vaccine, đeo khẩu trang nhưng đi chung thang máy vẫn bị cách ly 14 ngày

ĐB Nguyễn Mạnh Cường (đoàn Quảng Bình) phản ánh: Nhiều cử tri sống ở chung cư rất lo lắng về chính sách của một số địa phương trong đó có Hà Nội về việc bắt buộc đưa F1 đưa cách ly tập trung mà không xem xét các trường hợp cụ thể. Người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc 5K nhưng chỉ cần đi chung thang máy với F0 trong vài chục giây đã trở thành F1 và bắt buộc đưa đi tập trung trong 14 ngày, trong khi họ hoàn toàn có đủ điều kiện để tự cách ly tại căn hộ và cam kết việc cách ly.

“Cách làm này gây lãng phí về nguồn lực, dễ gây tổn hại về tinh thần, dễ lây nhiễm chéo, không phù hợp với tình hình thực tiễn hiện nay. Với trách nhiệm quản lý nhà nước về y tế, đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến về vấn đề này?”, ông Cường đặt vấn đề.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thành Long cho biết, thời gian qua căn cứ theo Nghị quyết 128 và quyết định 4800, Bộ Y tế đã có hướng dẫn về việc xét nghiệm để cách ly những trường hợp đi từ vùng dịch trở về từ cấp độ 3 cho đến cấp độ 4 phân ra nhiều quy định.

Ông Long cho rằng, đối với người đã tiêm đủ 2 liều vaccine chỉ cần theo dõi y tế ở nhà 7 ngày, xét nghiệm ngày thứ 1. Đối với người đã khỏi bệnh cũng tương tự như thế. Còn đối với người đã tiêm 1 mũi vaccine thì cách ly tại nhà 7 ngày. Đối với người chưa được tiêm đầy đủ mũi vaccine nào thì về phải cách ly 14 ngày. Tuy nhiên tùy thuộc vào điều kiện của từng địa phương và trong khuyến cáo của Bộ Y tế là tùy mức độ, tùy địa phương, nhất là vấn đề đảm bảo an toàn trong phòng chống dịch đối với khu vực có mật độ dân cư cao, chung cư hay khu vực có nhiều người dân sinh sống, chưa có tiêm phòng vaccine chúng ta cố gắng làm sao đảm bảo cách ly linh hoạt để đảm bảo cho tính an toàn.

“Đối với trường hợp này chúng tôi kiến nghị áp dụng cho cụ thể. Đối với khu chung cư đông người mà tỷ lệ tiêm chủng chưa cao, chúng ta buộc áp dụng cách ly tập trung hoặc cách ly tại nhà”, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long nói.

Ngay sau đó, ĐB Cường tranh luận lại và cho rằng: “Bộ trưởng trả lời chưa trúng vấn đề”. Bởi khi người đã tiêm đủ 2 mũi vaccine đeo khẩu trang, thực hiện nghiêm túc 5K nhưng “không may” đi chung thang máy với F0 trong vài chục giây đã trở thành F1 và lại bắt buộc đưa đi tập trung trong 14 ngày.

Trước vấn đề trên, ông Long nhìn nhận việc như ĐB Cường phản ánh có xảy ra đối với một số địa phương như Hà Nội. Do đó, đối với Hà Nội, Bộ Y tế đã trao đổi với thành phố về việc trong những trường hợp như vậy không bắt buộc cách ly tập trung 14 ngày. Trong hướng dẫn của Bộ Y tế đã nêu rõ trong trường hợp như vậy chỉ có cách ly tại nhà 7 ngày.

Từ đó, người đứng đầu ngành Y tế đề nghị đối với các địa phương về việc hiện đã có văn bản đưa ra các mức độ cách ly đối với người đã tiêm 2 mũi, tiêm 1 mũi và chưa tiêm vaccine, người khỏi bệnh như thế nào. Đề nghị địa phương các áp dụng để tạo thống nhất trong thực hiện Nghị quyết 128. “Chúng ta chuyển sang trạng thái thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả thì chúng ta phải quản lý các rủi ro, làm tốt trên bình diện chung của các địa phương để tạo sự thống nhất, đồng bộ”-ông Long nói.

Có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ test xét nghiệm?

ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) nêu câu hỏi về loạn giá xét nghiệm, có nơi thu phí 450 nghìn đồng/lần xét nghiệm, có lợi ích nhóm trong việc nhập bộ test xét nghiệm hay không, gây bức xúc cho nhân dân, Bộ trưởng cho biết tại sao có chuyện này xảy ra? Trách nhiệm của Bộ trưởng khi để giá kit test trôi nổi, câu hỏi này ĐB Hòa cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Tài chính cùng chia sẻ.

Câu hỏi thứ hai, ĐB Hà nêu tiêu cực của ngành Y trong thời gian qua việc đấu thầu mua sắm trang thiết bị y tế, có nguyên thiếu kiến thức trong công tác quản lý, quản trị của người đứng đầu bệnh viện; bác sĩ làm chuyên môn giỏi nhưng chưa chắc đã làm quản trị tốt, vậy đến lúc tách bạch quản trị với quản lý chuyên môn riêng như một số ĐBQH đã cho ý kiến, Bộ trưởng có suy nghĩ gì về vấn đề này. Câu hỏi này ĐB Hòa cũng gửi tới Bộ trưởng Bộ Nội vụ chia sẻ.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Thanh Long cho biết, trang thiết bị y tế sinh phẩm chuẩn đoán trước đây không thuộc lĩnh vực mặt hàng quản lý theo Luật giá. Giá cả các mặt hàng cũng khác nhau giữa các hãng khác nhau và khác nhau giữa các nước sản xuất. Ví dụ châu Âu, châu Mỹ giá khác với Trung Quốc. Giữa trang thiết bị y tế, sinh phẩm khác nhau cũng khác nhau qua các thời điểm, có những thời kỳ “cung ít, cầu nhiều” vì vậy giá thành có cao hơn. Hồi đầu dịch năm 2020 giá khẩu trang, găng tay cũng tương tự như vậy. Giá máy thở nhiều khi khan hiếm trên thị trường cho nên bị đẩy giá lên cao và tất cả các quốc gia đều có tình trạng tranh mua các mặt hàng này. Vừa qua nhiều doanh nghiệp tham gia vào bán các mặt hàng này nên giá mới hạ.

Về giải pháp, ông Long nêu, Bộ Y tế đã từng bước minh bạch hóa cho việc cung ứng trang thiết bị, vật tư sinh phẩm y tế. Tháng 7/2020 Bộ đã yêu cầu tất cả các công ty kinh doanh sản xuất trang thiết bị y tế phải công khai trên cổng của Bộ Y tế, niêm yết giá. Đến nay đã có 69235 sản phẩm đã niêm yết giá; và kết quả đấu thầu được 93253 kết quả đã được niêm yết giá trên cổng công khai của Bộ để từ đó các đơn vị tham khảo, xây dựng kế hoạch đấu thầu cũng như triển khai việc đấu thầu cung ứng cho các đơn vị của mình.

Đồng thời, Bộ Y tế cũng yêu cầu các doanh nghiệp tăng nguồn cung cung ứng cho thị trường Việt Nam, hạ giá sản phẩm. Bộ đã 2 lần có văn bản đề nghị doanh nghiệp hạ giá thành đối với sản phẩm. Cũng như tăng cường cấp phép để tạo cạnh tranh giữa các đơn vị với 131 sản phẩm sinh phẩm chẩn đoán, trong đó test nhanh là 60, PCR là 43, và kháng thể là 28. Cùng với đó, ông cho biết đã tăng cường vận động, hỗ trợ từ các nước với khoảng trên 50 triệu test. Việc tăng cường giảm giá thành là yêu cầu đặt ra nên Bộ Y tế hướng dẫn về gộp mẫu với cả test nhanh (gộp 3-5) và test PCR (gộp 10-20). Điều này được cho phép về mặt chuyên môn và giảm giá thành.

Đồng thời, ông Long cũng khẳng định, Bộ Y tế liên tục có điều chỉnh về việc xét nghiệm tùy từng thời điểm, mức độ dịch trên quan điểm hiệu quả, tiết kiệm. Trước 1/7, lượng test nhanh sử dụng không nhiều nhưng sau 1/7, Bộ Y tế tiên lượng thị trường sôi động hơn vì việc xét nghiệm nhiều hơn. Vì vậy, Bộ yêu cầu các địa phương triển khai theo hướng “thực thanh thực chi”. Nếu người dân tự nguyện đến xét nghiệm và thu phí thì chỉ được thu theo giá đầu vào, nên có hiện tượng chênh lệch giá giữa các đơn vị và các đơn vị tư nhân.

“Do quá bận về công tác phòng, chống dịch nên đến tận tháng 9, khi Bộ chỉ đạo giá test chỉ được thu theo đúng giá đầu vào, thì các đơn vị nhận lỗi do mải mê quá nên không thực hiện được. Chúng tôi đã yêu cầu các địa phương nghiêm khắc nhắc nhở và chấn chỉnh việc thu thế này”, ông Long nói.

Bộ trưởng Bộ Y tế cũng nhấn mạnh, Bộ Y tế và Thủ tướng Chính phủ liên tục có văn bản nhắc nhở các đơn vị, đảm bảo không có lợi ích nhóm, tiêu cực, đưa vào chương trình thanh tra đấu thầu mua sắm sinh phẩm, trang thiết bị. Thông tin thêm, ông nói có 8 đơn vị sản xuất sinh phẩm trong nước, cơ bản đáp ứng đầy đủ. Thúc đẩy nghiên cứu phương pháp chuẩn đoán mới qua hơi thở, nước bọt để giảm giá thành; chuyển từ tiền kiểm sang hậu kiểm; giá sinh phẩm trang thiết bị chính thức đưa vào mặt hàng quản lý giá, bình ổn giá với mặt hàng này, ban hành Thông tư 16 về giá xét nghiệm chỉ tính giá tối đa.

Ông Long cũng khẳng định, cơ bản test PCR cơ bản đủ, thúc đẩy sản xuất và hiện nay có 2 đơn vị sản xuất, 2 đơn vị chuyển giao công nghệ từ Pháp đảm bảo thúc đẩy sản xuất trong nước để chủ động nguồn cung ứng.

Sau trả lời của Bộ trưởng Y tế, ĐB Phạm Văn Hòa (đoàn Đồng Tháp) tranh luận lại và cho rằng: “Bộ Y tế đã không kiểm soát giá xét nghiệm là thiếu sót. Trong một quận mà giá xét nghiệm cũng khác nhau”. Từ thực tế của mình xét nghiệm ngoài vỉa hè sân bay Tân Sơn Nhất mất hơn 440 nghìn đồng, giá như vậy thì “rất tội nghiệp cho người dân” nên “Nếu Bộ đã quy định giá mới thì phải kiểm tra, giám sát chặt chẽ và có xử lý nghiêm nơi nào không thực hiện đúng quy định”, ông Hòa nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    ĐBQH 'truy' Bộ trưởng về loạn giá xét nghiệm, có hiện tượng trục lợi