"Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và đang gồng mình trong bộ độ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu đốt ngày hè, với những bữa cơm ăn vội diễn ra suốt thời gian chống dịch. Có người ngủ gục bên hộp cơm ăn dở".
Ngày 25/7, Quốc hội thảo luận ở hội trường cả ngày về: Đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng đầu năm, các giải pháp thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, ngân sách nhà nước 6 tháng cuối năm 2021 và Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2021-2025 (trong đó có nội dung về tăng cường công tác phòng, chống dịch Covid-19 trong thời gian tới).
ĐB Nguyễn Thị Thủy (đoàn Bắc Kạn) cho rằng, quyết liệt phòng chống dịch nhưng không được áp dụng thái quá, cực đoan.
“Thời gian qua, nhiều địa phương có cách làm khoa học, sáng tạo trên cơ sở đánh giá dịch bệnh, đã ra biện pháp phù hợp, hạn chế tối đa ảnh hưởng kinh tế, người dân. Có địa phương sáng tạo xét nghiệm mẫu gộp, ngẫu nhiên, không để mất giờ vàng trong chống dịch. Nhưng có một số địa phương áp dụng biện pháp thái quá, gây cản trở cho người dân, doanh nghiệp. Nhiều địa phương không cho xe chở nông sản đi qua mặc dù có giấy xác nhận an toàn. Có doanh nghiệp phản ánh xe hàng được thông chốt kiểm soát dịch qua nhiều tỉnh, nhưng đến tỉnh cuối cùng cần giao hàng thì phải quay đầu ra vì mỗi tỉnh mỗi quy định” - bà Thủy dẫn chứng, đồng thời nhấn mạnh cả nước như một cơ thể sống quan hệ tuần hoàn chặt chẽ, nên không thể vì một chỗ bị bệnh mà cắt rời hết tất cả. Vấn đề đặt ra là cách ly mà không tách rời, đứt gãy nền kinh tế.
Bà Thủy cũng đề nghị phải xử lý nghiêm tình trạng vi phạm vừa qua để khắc phục tâm lý nhờn, coi thường quy định chống dịch. Thái độ dứt khoát cùng biện pháp mạnh đã có tác dụng răn đe. Tại nhiều trạm y tế xã, phường cho thấy người dân đến khai báo y tế rất nhiều, khắc phục khai báo qua quýt, thiếu trung thực như trước đây vì sợ đối diện với chế tài xử lý.
Đánh giá cao sự chấp nhận gian khổ hi sinh của lực lượng tuyến đầu chống dịch, sự chia sẻ chi viện giữa các địa phương; việc Việt Nam áp dụng rất sớm đưa quân đội, công an vào chống dịch, bà Thủy nghẹn ngào nói: “Hình ảnh các chiến sĩ áo xanh ngày đêm bám chốt, canh gác từng mét biên cương, tận tụy chăm lo cho người dân trong khu cách ly càng thấy sự tận tụy của bộ đội. Công an quản lý án ninh địa bàn, thực hiện nghiêm chống dịch. Hàng chục nghìn nhân viên y tế đã và đang gồng mình trong bộ độ bảo hộ kín mít, dưới cái nắng như thiêu đốt ngày hè, với những bữa cơm ăn vội diễn ra suốt thời gian chống dịch. Có người ngủ gục bên hộp cơm ăn dở. Đặc biệt Việt Nam có ban chỉ đạo quốc gia phòng chống Covid-19 rất giỏi và dày kinh nghiệm. Tất cả những điều đó đã tạo thành lá chắn vững chắc cho người dân”.
Bà Thủy cũng cho rằng, bài học huy động sức dân còn nguyên giá trị. Trong suốt thời gian chống dịch, nhiều hoạt động bị ngừng lại, nhưng phong trào đóng góp, tương thân tương ái thì lại nở rộ khắp nơi. Cả nước, xuất hiện những câu chuyện về tình người trong chống dịch không kể hết được. Không chỉ các doanh nghiệp mà cả cụ già, em nhỏ cũng chung tay đỡ đần.
Gần đây, quỹ vaccine càng thấy được tấm lòng của người dân, doanh nghiệp. Người dân cũng chung tay chấp hành 5K suốt hơn một năm qua. Covid-19 đã trở thành phép thử với tinh thần kỷ luật, ý thức trách nhiệm công dân.
“Những khó khăn của đại dịch đang ngấm ngày càng sâu vào từng người dân, doanh nghiệp. Do đó, quyết định tiếp tục triển khai gói hỗ trơ an sinh mới là kịp thời, hợp lòng dân. Chính phủ cần triển khai phần mềm thống kê liên thông để rà soát nhanh chóng đến với người thụ hưởng, đồng thời tránh bỏ sót, trùng lắp. Chính phủ cũng cần đánh giá sức chống chịu của các doanh nghiệp hiện nay để có giải pháp căn cơ trong thời gian tới” - bà Thủy cho hay.
ĐB Trần Văn Tiến (đoàn Vĩnh Phúc) cho rằng, Chính phủ đã thành công trong thực hiện mục tiêu kép vừa chống dịch vừa phát triển kinh tế xã hội. Cơ bản khống chế dịch bệnh và hỗ trợ người dân. Tăng trưởng quý sau cao hơn quy trước, GDP đạt 5,6% là nền kinh tế tăng trưởng cao trong khu vực. Nông lâm thủy sản tiếp tục là bệ đỡ cho nền kinh tế, kinh tế vĩ mô duy trì ổn định, kiểm soát lạm phát đã củng cố niềm tin cho nhân dân.
Tuy nhiên theo ông Tiến, số doanh nghiệp rút khỏi thị trường cao, điều đó cho thấy sức chống chọi của doanh nghiệp còn yếu ớt, môi trường đầu tư chưa hấp dẫn nhà đầu tư nước ngoài. Gói hỗ trợ cho người bị ảnh hưởng của dịch giải ngân chỉ đạt 0,62%.
Chính vì thế theo ông Tiến, cần ưu tiên trong công tác phòng chống dịch trong thời gian tới, khống chế dịch lây lan, hỗ trợ nhanh cho doanh nghiệp để sản xuất kinh doanh. Gỡ vướng mắc về thể chế, thu hút vốn đầu tư nước ngoài, quản lý chặt thu chi ngân sách nhà nước, mua sắm tài sản công bằng ngân sách nhà nước.