Chiều 1/8, Trường Đại học Y dược (ĐHYD) TP Cần Thơ tổ chức hội nghị đào tạo nhân lực y tế khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).
Tại đây các địa phương cho rằng nên tiếp tục duy trì đào tạo bác sĩ hệ liên thông góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế và đào tạo cho chuyên ngành hiếm…
Ảnh minh họa.
“Hiếm” bác sĩ làm việc chuyên ngành hiếm
Trong số 152 bác sĩ đang làm việc ở vùng ĐBSCL tại 5 chuyên ngành hiếm, đến năm 2020 có khoảng trên 50% số đó đến tuổi nghỉ hưu. Mặc dù 13 tỉnh đều có 13 Trung tâm Pháp y, nhưng chỉ có 4 bác sĩ chuyên ngành Pháp y còn lại là chuyên khoa khác.
Mặc dù vùng có 8 bệnh viện Lao và bệnh phổi đi vào hoạt động từ lâu nhưng số bác sĩ chuyên ngành rất ít, nhiều tỉnh chỉ từ 1 đến 5 bác sĩ.
Tỉnh Kiên Giang không có bác sĩ chuyên ngành lao. Có 5 tỉnh không có bác sĩ chuyên ngành giải phẫu bệnh để phục vụ cho khoa ung bướu của bệnh viện tỉnh.
Nhu cầu đào tạo 5 chuyên ngành hiếm của 13 tỉnh thành trung bình khoảng 250 bác sĩ trong 1 năm, trong đó ngành có nhu cầu cao là Lao, ngành có nhu cầu thâp hơn là giải phẫu bệnh và pháp y.
Từ thực trạng trên, giai đoạn năm 2015, 2016 theo nhu cầu của các tỉnh, BCĐ Tây Nam Bộ và Trường ĐHYD Cần Thơ làm việc với Bộ GD&ĐT, Bộ Y tế để được giao 150 chỉ tiêu phân bổ đều theo nhu cầu cho các tỉnh. Đây là nguồn nhân lực rất quan trọng cho các tỉnh trong 4- 5 năm sau, để đảm bảo hoạt động cho các lĩnh vực chuyên ngành hiếm.
Ông Vương Phương Nam- Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bạc Liêu cho rằng: Hiện bác sĩ chuyên ngành hiếm còn thiếu nhiều, vì vậy các địa phương phải tính toán và có chính sách đặc thù đối với các ngành hiếm để thu hút đội ngũ bác sĩ tham gia vào ngành hiếm.
Các tỉnh nên quan tâm muốn làm được điều này phải có chính sách chung, đề nghị BCĐ Tây Nam Bộ có đề xuất với Chính phủ, Bộ Y tế có hướng để đào tạo.
Nên tiếp tục duy trì đào tạo hệ liên thông
Tại hội nghị các địa phương đều thống nhất đề nghị BCĐ Tây Nam Bộ và Trường ĐHYD Cần Thơ cần tiếp tục duy trì hệ đào tạo liên thông và tín chỉ.
Đại diện Sở Y tế Tiền Giang cho rằng: Tiền Giang sẽ rất khó gỡ tình trạng tỷ lệ bác sĩ/vạn dân, nếu như không có chương trình đào tạo liên thông của ĐHYD Cần Thơ.
Các trạm y tế đã tính tới chuyện nâng lên 2 bác sĩ/1 trạm để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, hiện TP HCM đã bắt đầu làm chuyện này.
Nếu chúng ta không làm việc này thì người dân sẽ bỏ khám tuyến dưới chạy lên khám tuyến trên. Chúng ta phải tính toán làm sao có chính sách níu giữ chân các bác sĩ ở tuyến xã tránh tình trạng bỏ đi nơi khác.
Ông Lê Hoàng Anh- Giám đốc Sở Y tế tỉnh Kiên Giang cho biết: Kiên Giang có đặc thù y tế biển đảo, biên giới, hiện nay rất khó khăn, một số đảo người dân sống không nhiều, nhưng nhiều đảo người dân sống số đông.
Hiện Kiên Giang có 3 xã đảo biên giới nhưng chỉ có 1 bác sĩ, không đảm bảo khám chữa bệnh ốm đau bình thường. Chuyển bệnh không được, xử lý tại chỗ cũng không ổn.
Còn Giám đốc Sở Y tế Hậu Giang Nguyễn Thanh Tùng cho rằng: Hiện nguồn nhân lực của Hậu Giang đang có sự dịch chuyển từ tỉnh lẻ về thành phố, một số tỉnh thành lớn có bệnh viện tư, chế độ thu hút chênh lệch khá cao. Vì vậy việc đào tạo theo địa chỉ và liên thông sẽ góp phần giảm tải và giải quyết được việc bác sĩ chạy đi nơi khác…
Giám đốc Sở Y tế An Giang Từ Quốc Tuấn nhận định: Hệ đào tạo theo tín chỉ và liên thông đã phấn đấu chất lượng tương đương với hệ chính quy, đây là nguồn nhân lực chính của địa phương.
Đề nghị BCĐ Tây Nam Bộ tiếp tục duy trì hệ liên thông thêm một thời gian nữa sẽ giúp cho vùng giải quyết nguồn nhân lực y tế rất tốt. Nên liên thông vì ĐBSCL là vùng đặc thù, nếu không cho liên thông sẽ gặp nhiều khó khăn về nguồn nhân lực trong thời gian tới.
Theo kết quả khảo sát tại các tỉnh, đào tạo theo địa chỉ sử dụng tuy nguồn nhân lực không lớn nhưng thật sự đã góp phần bổ sung nguồn nhân lực y tế có chất lượng cao cho tỉnh, đảm bảo cho các tuyến, cho các chuyên khoa đặc biệt ở các tuyến khó khăn, các chuyên khoa khó tuyển.
GS.TS Phạm Văn Lình- Chủ tịch Hội đồng Trường ĐHYD Cần Thơ cho rằng: Hiện nay một số trường xét tuyển bác sĩ chỉ cần xét học bạ là xong, trong khi đó chúng ta đào tạo theo liên thông phải đạt 27 điểm, đào tạo theo tín chỉ đạt 22 điểm như vậy chất lượng hơn các cơ sở đào tạo khác rất nhiều. Qua các ý kiến của các địa phương, chúng tôi thống nhất tăng thêm chỉ tiêu đào tạo bác sĩ cho tuyến cơ sở.
Một số địa phương đặc thù biển đảo như Sóc Trăng, Kiên Giang đề nghị có văn bản, chúng tôi sẽ họp nếu đủ cơ sở, đúng đối tượng đào tạo phục vụ cho biển đảo chúng tôi sẽ hỗ trợ kể cả hệ liên thông và tín chỉ. Ông Lình cam kết với các địa phương: Chúng tôi cam kết chất lượng đào tạo luôn đảm bảo, học phí không tăng…
TP HCM triển khai việc thực hiện liên thông kết quả xét nghiệm Ngày 1/8, trả lời phóng viên các báo về việc thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại Quyết định 316- Đề án tăng cường năng lực quản lý của ngành y tế, trong đó có nội dung liên thông quả xét nghiệmgiữa các phòng kiểm nghiệm, bà Nguyễn Thị Huỳnh Mai- Chánh Văn phòng Sở Y tế TP HCM cho hay, TP HCM đang triển khai việc này. Thực hiện chỉ đạo của Bộ Y tế, Sở Y tế TP HCM đang yêu cầu các bệnh viện rà soát, đánh giá lại theo bộ tiêu chí của Bộ gửi về Sở Y tế trước ngày 30/8. Từ kết quả trên, Sở Y tế sẽ lập danh sách các bệnh viện gởi ra Cục Quản lý khám chữa bệnh (Bộ Y tế). Sau khi được kết quả về việc đánh giá và thẩm định rồi các phòng kiểm nghiệm của bệnh viện sẽ thực hiện liên thông với nhau. Trong đó, các đơn vị phải thực hiện đúng quy chế của Bộ Y tế về chất lượng của phòng kiểm nghiệm. Những phòng kiểm nghiệm đồng hạng được liên thông với nhau, những phòng kiểm ngiệm có với tiêu chí thấp hơn thì phải công nhận kết quả của các phòng kiểm ngiệm có tiêu chí cao hơn. “Lộ trình này đang thực hiện và kịp tiến độ. Dự kiến đến năm 2018 các bệnh viện hạng nhất hoặc các bệnh viện đặc biệt trên địa bàn TP.HCM sẽ thực hiện liên thông các kết quả với nhau”- bà Mai nhấn mạnh. T. Giang |