Thực tế cho thấy, quy hoạch vùng ĐBSCL cũng như mọi định hướng cho phát triển của vùng là phải hướng tới bảo vệ người dân, cải thiện sinh kế, phát triển cân bằng và bảo vệ môi trường.
Điều đó ngày thêm rõ ràng sau 3 năm triển khai thực hiện, Nghị quyết số 120/NQ-CP (hay còn gọi Nghị quyết thuận thiên).
Phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL), thích ứng với biến đổi khí hậu (BĐKH) là chủ trương lớn được Đảng, Nhà nước quan tâm chỉ đạo, với nhiều chủ trương, chính sách phát triển để phát huy tiềm năng, lợi thế tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội của vùng.
Năm 2017, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 120/NQ-CP về phát triển bền vững ĐBSCL thích ứng với BĐKH. Theo giới chuyên gia, đây là Nghị quyết thể hiện tầm nhìn chiến lược với chủ trương phát triển “thuận thiên” để chủ động hóa giải các thách thức do BĐKH và các hoạt động khai thác, sử dụng nguồn nước sông Mekong, tận dụng tiềm năng, thế mạnh, tạo xung lực mạnh mẽ cho vùng ĐBSCL phát triển.
Theo đó, Chính phủ tập trung chỉ đạo xây dựng, bổ sung hoàn thiện cơ chế chính sách cho phát triển bền vững vùng ĐBSCL theo 4 lĩnh vực chính: 1/ Năng lượng tái tạo và hiệu quả năng lượng; 2/ Hạ tầng và kĩ thuật môi trường; 3/ Nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản; 4/ Chế biến thực phẩm và các dịch vụ vận tải (logistics) liên quan.
Trong những năm qua, nhiều hội nghị, hội thảo về ĐBSCL đã được tổ chức. Nhiều ý kiến cho rằng đã có định hướng đúng cho toàn vùng phát triển trong bối cảnh BĐKH ngày một nặng nề. Tuy nhiên, không thể “mạnh ai nấy làm”, có nghĩa là cần có một “nhạc trưởng” cho toàn vùng để phối hợp hành động chứ không thể mỗi địa phương làm theo cách của mình. Vì tác động của BĐKH là chung của cả vùng chứ không riêng của một tỉnh/thành nào.
Trước hết là xây dựng hệ thống giao thông hiện đại liên vùng, kết nối với Thành phố Hồ Chí Minh. Tới nay, hệ thống giao thông đường bộ ở miền Tây Nam Bộ vẫn chưa phát triển, vì thế sự kết nối toàn vùng còn khó khăn. Do tác động tiêu cực từ BĐKH nên việc phát triển ngành nghề ở khu vực này cũng diễn ra chậm. Bằng chứng là số người rời làng quê (vốn rất trù phú) rất lớn. Nói như lãnh đạo tỉnh Đồng Tháp tại buổi lễ công bố báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL (ngày 14/12/2020) thì “nói ĐBSCL là trù phú, lao động nhiều, nhưng tổng hợp lại 10 năm di cư trên 1,3 triệu người là vấn đề rất buồn. Gần 40% lao động không học xong phổ thông, trong xã hội hội nhập như hiện nay là điều rất đau đáu”.
Còn theo vị Giám đốc VCCI chi nhánh TP Cần Thơ thì “thời gian qua chúng tôi thấy ĐBSCL ngày càng có nhiều thách thức hơn, rõ nhất là BĐKH, gặp nhiều hình ảnh cánh đồng lúa thiếu nước, dòng sông khô cạn, những đô thị đã bị ngập úng”.
Theo nhiều chuyên gia, để hóa giải những thách thức từ BĐKH thì cần nhiều việc phải làm cho vùng ĐBSCL. Trong đó đặc biệt quan trọng là phải tạo ra hệ thống giao thông đường bộ hiện đại liên kết toàn vùng cũng như liên kết thuận tiện với TP HCM và các tỉnh miền Đông Nam Bộ. Cùng đó là phải tạo ra “đòn bẩy” để các tỉnh Tây Nam Bộ không còn là vùng trũng giáo dục.
Điều này hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp và lâu dài đến chất lượng nguồn lao động để tạo ra năng suất lao động, hiệu quả kết tinh trong sản phẩm hàng hóa với giá trị gia tăng. Và, về lâu dài phải xoay chuyển thực sự, mạnh mẽ sản xuất toàn vùng theo hướng “thuận thiên”, cả về chủng loại cây trồng, chăn nuôi gia súc, gia cầm, nuôi trồng thủy sản; khi mà xâm nhập mặn, hạn hán ngày một diễn ra gay gắt hơn.
Những việc này cần được xác định là chiến lược cho toàn vùng, bên cạnh giải pháp tình thế theo thực tế từng năm. Ví dụ, trong các đợt hạn mặn năm 2020 đã triển khai xây dựng 10 điểm nguồn cấp nước khẩn cấp với tổng công suất xử lý và cung cấp là 3.700 m3/ngày đêm, cung cấp được cho 62.000 người ở 7 tỉnh chống hạn, mặn cho ĐBSCL. Nhưng không thể năm nào cũng “chạy theo” như vậy vì không bảo đảm phát triển bền vững và người dân cũng khó an cư lạc nghiệp.
Ở đây, “thuận thiên” được hiểu là cho dù hạn mặn xâm nhập thì cuộc sống sinh hoạt của người dân vẫn bảo đảm, việc trồng trọt chăn nuôi vẫn ổn định. Thách thức ấy cần có cách hóa giải không chỉ trước mắt mà phải là câu chuyện lâu dài.
Vùng ĐBSCL bao gồm 13 tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích 40.547,2 km²; tổng dân số toàn vùng gần 18 triệu người. Riêng về lúa chiếm 47% diện tích và 56% sản lượng cả nước; xuất khẩu gạo từ toàn vùng chiếm tới 90% sản lượng. Thủy sản chiếm 70% diện tích, 40% sản lượng và 60% xuất khẩu cả nước... Tuy nhiên, thu nhập thấp hơn trung bình của cả nước: Thu nhập bình quân đầu người 54 triệu đồng (cả nước là 64 triệu đồng/người/năm).