Tôi đi được 17 km, từ khu lưu niệm cụ Phan Châu Trinh đến cầu Bình Thuận, quận Bình Tân thì phải dừng lại. Theo chẩn đoán của bác sĩ thì cột sống bị gãy eo L5. Tôi đang điều trị và sẽ tiếp tục đi khi có thể - anh Nguyễn Quang Thạch - Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam - chia sẻ khi đang bắt đầu hành trình đi bộ từ TP HCM đến Cà Mau để thực hiện sứ mệnh đem sách đến với nhiều người.
Anh Nguyễn Quang Thạch trong hành trình đi bộ thực hiện chương trình sách hóa nông thôn.
PV: Anh có thể chia sẻ ý tưởng của anh về hành trình đi bộ từ TP HCM đến Cà Mau lần này?
Anh Nguyễn Quang Thạch: Tiếp tục đeo đuổi mục tiêu thúc đẩy 300.000 được xây dựng vào năm 2017 giúp 15.000.000 trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách, tôi thực hiện chuyến đi bộ TP HCM -Cà Mau với các đầu việc chính: kêu gọi các hiệu trưởng trường mầm non, tiểu học, THCS và THPT trên toàn quốc hành động nhân rộng Tủ sách Phụ huynh, Tủ sách Lớp em đến tất cả các lớp học theo Mục 8 của Công văn số 6841 ngày 31-12-2015 của Bộ GD&ĐT; kêu gọi cha mẹ học sinh trên toàn quốc chung tay với các trường học đưa sách đến lớp học theo hình thức góp một cuốn sách để học sinh được tiếp cận 30-50 đầu sách/năm…
Rất mong mọi người chia sẻ để toàn xã hội chung tay giúp 15.000.000 trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách như trẻ em con nhà trí thức Hà Nội và dần tiến tới bằng trẻ em Israel, Anh, Nhật, Mỹ...
Lần này, thấy đối tượng anh hướng tới chủ yếu là trẻ em và thanh thiếu niên?
- Từ trước đến nay, đối tượng chính của Chương trình Sách hóa Nông thôn Việt Nam là trẻ em, thầy cô giáo và cha mẹ các em và nó vẫn đang như vậy. Chúng ta cần nỗ lực để 15.000.000 trẻ em nông thôn được nghe và đọc sách như con nhà trí thức đô thị, dần tiến tới bằng trẻ các nước như Anh, Nhật, Mỹ…
Từ những trải nghiệm thực tế, theo anh, hiện trạng của việc đọc sách của trẻ em và thanh thiếu niên nông thôn nhìn chung ra sao?
- Trẻ em nông thôn rất khát đọc nhưng nạn đói sách kéo dài hàng chục năm qua và cả hiện nay đã và đang tước đoạt cơ hội đọc sách của hàng triệu đứa trẻ. Sự đọc của thanh thiếu nên nông thôn đang vô cùng nghèo nàn.
Thể loại sách mà trẻ em quan tâm muốn đọc theo quan sát của anh?
- Sách văn học, sách các danh nhân, sách lịch sử, sách khoa học thường thức…
Theo anh, trẻ em cần đọc gì nhất?
- Trẻ em cần đọc sách văn học để nuôi dưỡng giá trị sống, nuôi dưỡng năng lực quan sát đời sống, nuôi dưỡng khát vọng sống cũng như lũy tích giá trị triết học được phóng chiếu qua văn chương. Chẳng hạn, các tác phẩm như: Những tấm lòng cao cả, Túp lều bác Tôm, Robinson Cruisoe…; sách lịch sử; sách nuôi dưỡng đam mê khoa học như bộ Tập làm nhà phát minh…
Nhân ngày Sách Việt Nam, anh muốn nhắn nhủ điều gì?
- Đối với Nhà nước, tôi mong muốn một chương trình khuyến đọc được ra đời và được vận hành hiệu quả như Hàn Quốc, Nhật Bản đã và đang làm. Đối với khu vực dân sự, tôi rất mong toàn xã hội chung tay đưa sách về nông thôn để giúp 15.000.000 trẻ em được nghe và đọc sách. Tôi thiết tha kêu gọi các hiệu trưởng mầm non đến cấp 3 hãy nhân rộng tủ sách đến lớp học như tinh thần của Công văn của Bộ GD&ĐT.
Xin cảm ơn anh!