Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho hay, hiện tại, 100 xe đạp điện đạt quy chuẩn đang trên đường về Việt Nam dự kiến, ngày 20/7, số xe này sẽ có mặt tại Hà Nội. Theo đó, dự án có thể được chính thức khai trương để phục vụ người dân Thủ đô ngay trong dịp lễ 2/9.
Dự án "chậm tiến độ" là do các vấn đề về kỹ thuật
Theo Dự thảo đề án “Xe đạp đô thị” được Sở GTVT Hà Nội hoàn thiện, báo cáo UBND TP, dự án có mục tiêu đa dạng hóa loại hình phương tiện vận tải hành khách thân thiện với môi trường, kết nối giữa nhà ga xe buýt, nhà ga đường sắt đô thị, các khu đô thị, khu dân cư, trung tâm thương mại, trụ sở văn phòng, khu liên cơ quan và phục vụ đi lại, thúc đẩy phát triển du lịch, tham quan các danh lam thắng cảnh trên địa bàn thành phố.
Đơn vị được lựa chọn để phối hợp với Sở GTVT xây dựng dự án là Công ty Cổ phần tập đoàn Trí Nam, đây cũng là đơn vị đang triển khai xe đạp công cộng tại TP HCM năm 2021. Theo đó, Công ty Cổ phần tập đoàn Trí Nam triển khai dự án xe đạp công cộng giai đoạn 1 tại 6 quận nội thành. Đối tượng phục vụ của dự án là người dân sử dụng dịch vụ vận tải hành khách công cộng, học sinh, sinh viên, khách du lịch…
Dự kiến đề án "Xe đạp đô thị" này sẽ hoạt động từ cuối năm 2022, tuy nhiên, đến nay dự án vẫn chưa thể hoàn thành. Vì vậy, PV Báo Đại Đoàn Kết Online đã có cuộc trao đổi với ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch HĐQT Cty CP Tập đoàn Trí Nam đơn vị tổ chức để làm rõ vì sao dự án chưa thể đi vào hoạt động.
Ông Đỗ Bá Dân, Chủ tịch Hội đồng quản trị Tập đoàn Trí Nam lý giải, dự án triển khai xe đạp công cộng ở Hà Nội là một mô hình mới so với các tỉnh khác. Tại Hà Nội có triển khai thêm cả xe đạp điện. Do đó, phía Trí Nam phải nghiên cứu tìm ra phương án tối ưu về cả kỹ thuật, quản lý lẫn vận hành.
"Để thiết kế ra một chiếc xe đạp điện phù hợp với điều kiện môi trường Việt Nam, đội ngữ kỹ sư của chúng tôi đã mất nhiều thời gian nghiên cứu. Do điều kiện đặc thù, nên xe đạp điện tại Việt Nam phải đáp ứng các yêu cầu cụ thể về cơ khí (không gỉ sét, hệ thống phụ kiện không thể dễ dàng tháo mở); điều kiện về pin, chuẩn hóa quy trình vận hành... Bên cạnh đó, chúng tôi cũng phải tìm ra những loại xe đáp ứng tiêu chuẩn về trọng lượng, điều kiện vận hành khi đang giữa đường hết pin vẫn có thể đạp bằng cơ để di chuyển về bến đỗ gần nhất.
Tính tới thời điểm hiện tại, phía Trí Nam đã 4 lần đưa các mẫu xe về để kiểm tra, vận hành thử nghiệm. Có giai đoạn tưởng thành công, nhưng đơn vị đầu tư lại phát hiện các tiêu chuẩn không phù hợp nên tiếp tục tiến hành cải tiến", ông Dân nhấn mạnh.
Chủ tịch Hội đồng quản trị Công ty cổ phần Tập đoàn Trí Nam cho hay, hiện tại, 100 xe đạp điện đạt quy chuẩn đang trên đường về Việt Nam. Dự kiến, ngày 20/7, số xe này sẽ có mặt tại Hà Nội. "Chúng tôi tự tin xe đạp điện lần này đã cơ bản đủ điều kiện vận hành", ông Dân khẳng định.
Dự án chính thức "lăn bánh" trong tháng 9
Liên quan đến tiến độ dự án, ông Nguyễn Văn Toàn, Giám đốc phụ trách cho hay, tính tới thời điểm đầu tháng 7/2023, 6 quận trung tâm Hà Nội đã bố trí và bàn giao đủ các trạm xe. Trí Nam đã thi công hoàn thiện 16 trạm và đang tiếp tục tăng cường nhân lực để đẩy nhanh tiến độ 63 trạm còn lại.
"Theo tiến độ, mỗi ngày chúng tôi có thể sơn kẻ 3 trạm. Như vậy, dự kiến tới 10/8, toàn bộ 79 trạm xe sẽ được hoàn tất", ông Toàn cho biết.
Theo ông Đỗ Bá Dân các địa điểm được chọn làm trạm xe đạp đều có thể dễ dàng kết nối giao thông công cộng, xe buýt, tàu điện. Đặc biệt, tại những nơi có trường học, khu vui chơi, các khu du lịch, tham quan thắng cảnh và nơi đông dân cư để người dân dễ dàng sử dụng dịch vụ xe đạp công cộng.
Ông Đỗ Bá Dân thông tin thêm: Sau khi 100 chiếc xe đạp điện đầu tiên có mặt tại Hà Nội, phía Trí Nam sẽ tiến hành kiểm tra, lắp đặt, vận hành thử trong vòng 2 tuần. Tiếp đó, tới cuối tháng 8/2023, dự án có thể được chính thức khai trương để phục vụ người dân Thủ đô ngay trong dịp lễ 2/9.
Trong quá trình vận hành, Trí Nam sẽ tiếp tục cải tiến và hoàn thiện trước khi nhập lô xe điện gồm 400 chiếc tiếp theo về. Để sử dụng xe đạp cơ bình thường, khách hàng chỉ cần bỏ ra số tiền 5.000 đồng cho thời gian 30 phút. Đối với xe đạp điện, chi phí sẽ ở mức 10.000 đồng/30 phút.
Căn cứ vào thực tế, Trí Nam sẽ đánh giá tỷ lệ lựa chọn, sử dụng và tiếp tục có phương án điều chỉnh loại hình phương tiện phù hợp với nhu cầu khách hàng.