Để thực hiện tốt công tác bảo trợ xã hội, thời gian qua, ngoài việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho người tâm thần, thành phố Cần Thơ đã triển khai nhiều chương trình cụ thể, đầy đủ về chăm sóc người bệnh tâm thần mang lại hiệu quả thiết thực.
Xã hội chung tay chăm lo cho bệnh nhân tâm thần sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Nhiều họat động trợ giúp
Lãnh đạo Trung tâm Bảo trợ xã hội TP Cần Thơ cho biết, nơi đây đang tiếp nhận 493 đối tượng, trong đó có 81 người lang thang, và 412 trường hợp tâm thần kinh. Bên cạnh việc chăm sóc, khám chữa bệnh cho các đối tượng bệnh tâm thần, năm 2016, Sở LĐ-TB&XH TP Cần Thơ, đã phối hợp với Trường Đại học Lao động - Xã hội (Cơ sở II) TP HCM tổ chức 9 lớp tập huấn cho 450 hộ gia đình trên địa bàn các quận, huyện, có người mắc bệnh tâm thần về các phương pháp, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người tâm thần, hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí; 2 lớp tập huấn cho 185 cán bộ làm công tác trợ giúp xã hội quận, huyện, xã, phường, thị trấn và nhân viên Trung tâm.
Đối với các hộ gia đình chăm sóc người bệnh tại nhà, Sở cũng đã phối hợp tổ chức 9 lớp tập huấn cho 450 hộ gia đình trên địa bàn các quận, huyện, có người mắc bệnh tâm thần về các phương pháp, kỹ năng chăm sóc sức khỏe người tâm thần, hoạt động phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí nhằm nâng cao nhận thức trách nhiệm của gia đình, cộng đồng và toàn xã hội về chăm sóc và phục hồi chức năng, trợ giúp xã hội và phục hồi chức năng cho người tâm thần, người rối nhiễu tâm trí dựa vào cộng đồng.
Tại bệnh viện tâm thần hay Trung tâm, người bệnh được cấp thuốc, có cán bộ y tế theo dõi thường xuyên, giúp hỗ trợ về mặt tâm lý xã hội. Những bệnh nhân có biểu hiện cấp tính như lên cơn, có biểu hiện nguy hiểm sẽ lập tức được chuyển đến bệnh viện tâm thần của thành phố, hoặc các bệnh tâm thần tuyến sau cùng để điều trị.
Nhằm giảm những hệ lụy đáng tiếc cho gia đình, cộng đồng, Sở LĐ-TB&XH thành phố đã triển khai đầy đủ việc thu thập thông tin, đánh giá, phát hiện những trường hợp có biểu hiện nghiêm trọng, kịp thời phối hợp ngăn chặn các hành vi gây nguy hiểm cho người khác.
Từ đó, phối hợp với chính quyền địa phương, các cơ quan ban, ngành có chính sách cụ thể với từng đối tượng, có thể phân loại mức độ chăm sóc ở cộng đồng, gia đình hay đưa điều trị tập trung tại Bệnh viện tâm thần Cần Thơ, hoặc Trung tâm Bảo trợ Xã hội thành phố.
Cần sự chung tay của toàn xã hội
Ngoài những kết quả đạt được, thực tế hiện nay thành phố Cần Thơ cũng phải đối mặt với không ít khó khăn, thách thức trong công tác bảo trợ xã hội, chăm sóc người bệnh tâm thần.
Bởi lẽ, thành phố là trung tâm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, các đối tượng người bệnh tâm thần của thành phố không nhiều, nhưng với nhiệm vụ chung Cần Thơ phải chăm sóc các đối tượng lang thang cơ nhỡ, người bị tâm thần từ địa phương khác đến trú ngụ tại thành phố.
Thống kê của TP Cần Thơ cho biết, ngoài những đối tượng lang thang, tâm thần kinh, phần lớn những đối tượng thuộc diện bảo trợ xã hội của thành phố đều thuộc hộ nghèo, hộ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn. Đây thường cũng là những hộ khó thoát nghèo nhất trong số các hộ nghèo.
Chính vì vậy, thời gian qua thành phố luôn xác định phải nâng cao đời sống vật chất tinh thần cho nhóm đối tượng này, đây là một trong những nhiệm vụ quan trọng nhằm đảm bảo an sinh xã hội trên địa bàn.
Việc quản lý, chăm sóc điều trị người bệnh tâm thần là một công việc không hề đơn giản, tuy nhiên không vì thế mà những cán bộ công tác trong ngành chùn bước, nghi ngại, chính sự khó khăn đã thôi thúc họ phải cố gắng hơn. Sự quan tâm, chăm sóc, gần gũi với người bệnh để hiểu rõ tâm tính cũng như tâm lý của từng người, từ đó đưa ra phương án điều trị hiệu quả.
Để làm tốt công tác chăm sóc sức khỏe tâm thần cộng đồng, thời gian tới, Trung tâm Phòng, chống bệnh xã hội tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Ngoài ra, cần sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành, đoàn thể tại các địa phương. Đặc biệt là tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân tâm thần để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.
Hiện nay, người bệnh tâm thần vẫn phải chịu sự phân biệt, đối xử trong đời sống và điều trị. Sau khi thực hiện điều trị ở các cơ sở y tế, nhiều bệnh nhân được trở về với gia đình. Sự nỗ lực của người thân và cộng đồng sẽ giúp họ hòa nhập tốt hơn với xã hội.
Trong thời gian tới, cùng với các cơ quan ban, ngành và các địa phương, Sở LĐTB-XH Cần Thơ tiếp tục tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bệnh nhân tâm thần tại cộng đồng; tổ chức các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn. Đặc biệt, đẩy mạnh công tác tuyên truyền nhằm tránh sự kỳ thị phân biệt đối xử với bệnh nhân tâm thần để giúp họ sớm phục hồi, hòa nhập cộng đồng.