Đề cao lòng tự trọng trước nhân dân

H.Vũ (thực hiện) 20/11/2017 07:45

Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Bùi Văn Phương- Phó trưởng Đoàn ĐBQH tỉnh Ninh Bình cho rằng: Cán bộ phải đề cao lòng tự trọng trước nhân dân. Khi bổn phận trách nhiệm của mình được giao mà làm không tròn thì phải biết xấu hổ trước nhân dân.

Ông Bùi Văn Phương.

PV:Thưa ông, từ những vụ việc như phá rừng, cát tặc, buôn lậu... dư luận cho rằng có sự tiếp tay, bảo kê của cán bộ cho những sai phạm. Như vậy có tình trạng vi phạm pháp luật ngay trong lực lượng thực thi pháp luật, chưa kể cán bộ nhũng nhiễu người dân khi làm các thủ tục hành chính. Ông đánh giá thế nào về tình trạng trên?

Ông Bùi Văn Phương: Từ những vụ việc đang diễn ra, gần đây nhất là dư luận xã hội rất bức xúc trong việc phá 300 ha rừng phòng hộ tại Quảng Nam dù khởi tố 25 vụ án nhưng không khởi tố được bị can.

Điều đó đang đặt ra những vấn đề về trách nhiệm của cơ quan quản lý, trách nhiệm của cả các cơ quan tư pháp.

Rừng bị phá như vậy, xe cộ vào như thế nhưng khi khởi tố vụ án lại không khởi tố được bị can là chuyện cử tri thấy ngạc nhiên.

Trong quá trình thực hiện công tác quản lý nhà nước ở địa bàn, lĩnh vực để xảy ra sai phạm mà người đứng đầu không biết thì vô lý, hay biết mà không xử lý cương quyết đến nơi đến chốn, để cho người dân oán thán thì càng có lỗi.

Đây không phải vấn đề mới mà tình trạng phá rừng, khai thác khoáng sản trái phép, cát tặc đã được đề cập nhiều lần, ở nhiều nơi. Vì sao vẫn không xử lý được, thưa ông?

- Các cụ xưa nói “đất có Thổ công, sông có Hà bá”. Tức là mọi phần lãnh thổ từ mặt đất cho đến không gian đều có cơ quan, có con người giao trách nhiệm quản lý. Bộ máy của ta có từ Trung ương xuống cơ sở, đến thôn, xóm.

Chức năng nhiệm vụ cũng đã quy định rất rõ, không thể nói không biết trong khi mọi thứ vẫn đang diễn ra hàng ngày. Phải khẳng định là có sự tiếp tay.

Tôi nói thật, con mắt của chính quyền tinh lắm, không thể nói chuyện khai thác rầm rầm suốt ngày đêm mà không biết. Cho nên dứt khoát là biết nhưng có người làm ngơ, hoặc vì lý do lợi ích nhóm. Người dân biết hết nhưng không làm gì được vì không có quyền.

Do đó đã là cán bộ phải là người cán bộ có trách nhiệm. Điều đó cho thấy công tác quản lý nhà nước đang có vấn đề trong sử dụng cán bộ.

Thưa ông, nhưng khi có tình trạng cán bộ tiếp tay cho sai phạm, thì cần phải có cơ chế nào để kiểm soát hành vi đó?

- Phải đề cao vai trò giám sát của người dân. Thông qua ý kiến nhân dân thì các cơ quan phải biết lắng nghe, đừng “nhìn thấy cây mà không thấy rừng”.

Nói đi nhưng nói lại cần phải nhớ câu các cụ đã nói “con sâu làm rầu nồi canh”. Dù chỉ là một con sâu bé nhỏ nhưng hậu quả vô cùng lớn, đó là lòng tin của người dân.

Đặc biệt trong vấn đề truyền thông cần chú trọng đến tuyên truyền việc tốt. Việc tốt thì ít ai để ý nhưng việc xấu lại lan truyền rất nhanh và người dân rất quan tâm.

Cho nên làm cán bộ phải thấy được thực tế đó mà tự rèn rũa mình, tự quản lý đội ngũ thuộc phạm vi trách nhiệm của mình đừng để xảy ra sai phạm.

Cán bộ chính là gốc rễ của vấn đề, từ việc đề bạt bổ nhiệm cán bộ không đúng đã gây ra các vấn đề tiêu cực. Vậy, chúng ta phải siết chặt từ khâu này?

- Gốc rễ mọi chuyện đều là cán bộ. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã từng nói “thành công hay thất bại đều là do cán bộ”. Bổ nhiệm cán bộ mà phẩm chất người đó không tốt, thiếu trách nhiệm, năng lực không tốt, công việc được giao bê trễ, không hoàn thành nhiệm vụ, và nói sâu hơn là còn tiếp tay cho tiêu cực thì nguyên nhân cuối cùng vẫn là cán bộ.

Ta lâu nay hay đổ lỗi cho khách quan là không nghiêm túc. Phải thấy đó là trách nhiệm của những người được giao nhiệm vụ nhưng không làm tròn nhiệm vụ của mình được giao.

Vậy theo ông cần giải pháp nào mạnh mẽ hơn nữa để xử lý những vi phạm của một bộ phận cán bộ tiêu cực?

- Về giải pháp thì các quy định pháp luật đều đã có, trong đó có quy định trách nhiệm của người đứng đầu. Vì vậy trước hết đã là cán bộ thì phải đề cao lòng tự trọng trước nhân dân.

Khi bổn phận trách nhiệm của mình được giao mà làm không tròn thì phải biết xấu hổ trước nhân dân, biết ngượng trước người dân khi người dân đóng thuế để nuôi mình, nuôi bộ máy làm việc.

Thứ hai cần giao trách nhiệm cho cấp ủy, nơi mà cán bộ đó làm việc. Vì mọi việc xảy ở địa phương thì cấp ủy nơi đó cũng phải chịu trách nhiệm.

Đảng thực hiện lãnh đạo thông qua các cấp ủy. Và hiện lãnh đạo ở các cấp quản lý đều đa phần là đảng viên. Cho nên cũng phải nói trách nhiệm của cấp ủy, phải được đề cao và nâng cao trách nhiệm của cấp uỷ, khi để tình hình xấu diễn ra thì cấp ủy cũng phải chịu trách nhiệm đối với nhân dân.

Thứ ba, hàng năm đều có kiểm điểm tự phê bình và phê bình, bản thân cán bộ và tổ chức cũng phải tự phê bình, góp ý để mà sửa chữa, tiến bộ. Còn để vi phạm kéo dài thì cần phải có biện pháp xử lý.

Trách nhiệm xử lý cũng chính là cấp ủy, vì cấp ủy xem xét việc bổ nhiệm cán bộ, quản lý cán bộ nhưng để cán bộ làm không tròn trách nhiệm thì đó chính là lỗi.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Đề cao lòng tự trọng trước nhân dân