Các nhà máy nước mặt của Tập đoàn Aqua One đều đang “ngập” trong thua lỗ. Mức lỗ năm sau lại nhiều hơn năm trước, lỗ vài trăm tỷ đồng mỗi năm. Đáng chú ý, khi đang ngập trong thua lỗ, Tập đoàn AQua vẫn mở rộng đầu tư, dự án mới nhất là nhà máy nước sạch Xuân Mai.
Nhà máy nước mặt Sông Đuống bị xác minh vì nghi có sai phạm
Mới đây, Bộ Công an đã có văn bản đề nghị Sở Kế hoạch và Đầu tư TP Hà Nội cung cấp hồ sơ, tài liệu về việc đầu tư xây dựng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống để xác minh, làm rõ dấu hiệu sai phạm (nếu có) trong dự án này.
Là nhà máy nước mặt cung cấp nước sạch sinh hoạt có quy mô lớn nhất miền Bắc, nhưng dự án Nhà máy nước mặt sông Đuống lại rất nhiều tai tiếng.
Theo đó, Nhà máy nước mặt sông Đuống khởi công vào tháng 3/2017, với tổng mức đầu tư 5.000 tỷ đồng (tương đương 224,4 triệu USD). Trong đó, vốn góp để thực hiện dự án là hơn 999,6 tỷ đồng (44,88 triệu USD), chiếm 20% tổng vốn đầu tư. Vốn vay là gần 4.000 tỷ đồng.
Công trình do Tập đoàn Aqua One làm chủ đầu tư, được đầu tư xây dựng theo quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050, kế hoạch cung cấp nguồn nước sạch cho khoảng 3 triệu hộ dân tại 8 quận, huyện của thành phố Hà Nội.
Vào tháng 9 năm 2019, hệ thống cấp nước bắt đầu vận hành, cung cấp khoảng 150.000 m3 nước sạch mỗi ngày đêm cho người dân Hà Nội. Tuy nhiên, đến cuối tháng 10 cùng năm, cơ quan giám định của Bộ Xây dựng vẫn chưa nghiệm thu để cho nhà máy đi vào hoạt động.
Ngoài ra, tại cuộc giao ban báo chí Thành ủy Hà Nội ngày 12/11/2019, Giám đốc Sở Tài chính Nguyễn Việt Hà cho biết tổng mức đầu tư của Nhà máy nước mặt sông Đuống gần 5.000 tỷ đồng nhưng công ty này đi vay tới 80%, tương ứng khoảng 3.998 tỷ đồng. Khi nhà máy đi vào sử dụng, phí lãi vay tính vào giá nước 20%, tức khoảng 2.003 đồng mỗi m3 nước.
Tuy nhiên, một tháng sau đó, ông Nguyễn Đức Chung (khi đó là Chủ tịch UBND TP Hà Nội) nhận định phát biểu của Giám đốc Sở Tài chính là “rất sai lầm”, khiến dư luận hiểu lầm giá nước người dân phải chịu có tính cả lãi vay của nhà máy nước.
Aqua One cùng các nhà máy nước mặt đang “ngập” trong thua lỗ
Tập đoàn Aqua One được biết tới với hàng loạt các dự án nhà máy nước mặt có tổng mức đầu tư lên tới hàng nghìn tỷ đồng như: Nhà máy nước mặt Sông Hậu (tỉnh Hậu Giang) là Nhà máy có quy mô cấp nước vùng, với công suất năm 2016 là 100.000 m3/ngày đêm, định hướng mở rộng đến 600.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt Sông Đuống, quy mô cấp nước vùng với công suất 900.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến đạt được là 1.200.000 m3/ngày đêm; Nhà máy nước mặt Xuân Mai (tỉnh Hòa Bình) quy mô cấp nước vùng, với công suất 600.000 m3/ngày đêm, tổng công suất dự kiến 900.000 m3/ngày đêm.
Mặc dù, quy mô các nhà máy nước của Aqua One là rất lớn, nhưng khi đưa vào vận hành thì lại tạo ra khoản lãi không thể bù đắp vào các chi phí khác khiến công ty mẹ buộc phải báo lỗ thuần.
Đơn cử như, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống khi đi vào vận hành đã tạo ra doanh thu đáng kể cho Công ty CP Nước mặt Sông Đuống. Theo đó, năm 2019, công ty này bắt đầu phát sinh doanh thu thuần với giá trị ghi nhận đạt 228 tỷ đồng, đồng thời báo lãi gộp 65,8 tỷ đồng, tương ứng với biên lãi gộp 28,86%.
Tuy nhiên, khoản lãi gộp nêu trên dường như vẫn chưa thể bù đắp các chi phí khác của năm đầu tiên vận hành, nên sau cùng, Nhà máy nước mặt Sông Đuống vẫn báo lỗ thuần 193,2 tỷ đồng, cao gấp nhiều lần so với các năm trước đó.
Công bằng mà nói thì dù gì Nhà máy nước mặt Sông Đuống cũng chỉ mới đi vào hoạt động, nên việc đánh giá hiệu quả vẫn còn khá khiên cưỡng. Nhưng một dự án khác mà Tập đoàn này cũng đầu tư đã đi vào hoạt động trước Sông Đuống 2 năm là nhà máy nước mặt Sông Hậu. Mặc dù, được vận hành từ tháng 12/2017, dự án nước mặt sông Hậu của Tập đoàn Aqua One cũng chưa có lãi. Không những thế các khoản lỗ còn có xu hướng gia tăng trong các năm gần đây.
Như năm 2019, Công ty CP Nước Aqua One Hậu Giang (Aqua One Hậu Giang) chỉ ghi nhận 4,7 tỷ đồng doanh thu, báo lỗ thuần 321,3 tỷ đồng, cao gấp 3,8 lần so với năm trước.
Khoản lỗ này còn “khoét sâu” vào vốn chủ sở hữu của Aqua One Hậu Giang từ mức 422 tỷ đồng tại thời điểm cuối 2018, xuống còn 22,3 tỷ đồng vào cuối năm 2019.
Nếu chỉ đơn thuần là “bán nước sạch” lấy tiền của Aqua One thành công, chắc hẳn kết quả kinh doanh kể trên sẽ khiến “shark” Liên (doanh nhân Đỗ Thị Kim Liên chủ tịch HĐQT Aqua One) đỡ phiền lòng đi rất nhiều. Tuy nhiên, nếu đi sâu vào cơ cấu tài chính của doanh nghiệp dự án, cùng cách mà số cổ phần tại Nhà máy nước mặt Sông Đuống được chuyển nhượng, hẳn “shark” Liên kỳ vọng ở một phép tính khác.
Theo đó, kể từ khi dự án khởi công vào năm 2017 đến cuối 2019, dư nợ vay dài hạn của Nhà máy nước mặt Sông Đuống liên tục tăng nhanh, gấp nhiều lần quy mô vốn chủ sở hữu. Khoản vay nợ dài hạn của Nhà máy nước Sông Đuống lên tới 2.483,1 tỷ đồng trong năm 2018, và sau khi đi vào vận hành giai đoạn 1, tính đến cuối 2019, khối nợ của công ty tiếp tục tăng thêm 1.000 tỷ đồng, lên mức 3.506,4 tỷ đồng.
Trong khi đó, quy mô vốn chủ sở hữu đến cuối năm ngoái mới chỉ đạt mức 813,2 tỷ đồng. Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu lên tới 4,3 lần, nói cách khác, dự án Nhà máy nước mặt Sông Đuống chủ yếu được tài trợ bởi nguồn vốn vay ngân hàng. Mà nguồn vốn từ các cổ đông chưa chắc đã được góp đủ ngay từ đầu.
Ngoài 2 dự án nhà máy nước mặt Sông Đuống, Sông Hậu thì dự án nhà máy nước đáng chú ý khác của Công ty CP Nước Aqua One là dự án Nhà máy nước mặt Xuân Mai - Hòa Bình thông qua Công ty TNHH Nước sạch Hòa Bình - Xuân Mai làm chủ sở hữu.
Theo giới thiệu, dự án có tổng mức đầu tư 4.295 tỷ đồng, công suất 150.000 m3/ngđ khi hoàn thành hợp phần 1 giai đoạn 1 (2021), hợp phần 2 giai đoạn 1 (2023) nâng lên 300.000 m3/ngđ, giai đoạn 2 (2030) nâng lên 600.000 m3/ngđ và sau năm 2030 đạt 900.000 m3/ngđ.
Với đường uống truyền dẫn nước sạch dài 58km, dự án được giới thiệu sẽ cung cấp nước sạch cho các quận Hà Đông, một phần quận Thanh Xuân, Nam Từ Liêm và huyện Hoài Đức; Phía Nam: Từ vành đai 3 theo quốc lộ 1A về phía Nam gồm huyện Thường Tín và Phú Xuyên; Phía Tây và Tây Nam: huyện Thanh Oai, Chương Mỹ, Mỹ Đức và Ứng Hòa (Hà Nội). Một số thông tin còn cho rằng dự án đã rậm rịch giải phóng mặt bằng, tổ chức thi công san gạt nền, hạ cốt.
Chỉ có điều, dự án này không nằm trong Quy hoạch cấp nước Thủ đô Hà Nội đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 theo Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó, việc bổ sung dự án vào quy hoạch điều chỉnh cũng chưa có quyết định rõ ràng.
Ngoài các dự án nhà máy nước kể trên, Aqua One còn có các khoản đầu tư vào CTCP Cấp thoát nước Phú Yên, CTCP Nước sạch Hòa Bình (HBW). Bên cạnh đó, công ty này còn có mối quan hệ tín dụng khá bền chặt với CTCP Bảo hiểm Viễn Đông (VASS) - nơi em gái của “shark” Liên là bà Đỗ Thị Minh Đức đảm nhiệm cương vị Chủ tịch HĐQT.