Ngày 22/10, Quốc hội thảo luận tại Hội trường về Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược. Đối với nhóm quy định về giá thuốc, các đại biểu Quốc hội, chuyên gia cho rằng, cần thiết kế các quy định để quản lý chặt chẽ giá thuốc chữa bệnh nhằm bình ổn thị trường thuốc theo quy định của Luật Giá 2023 và đảm bảo tính đặc thù của Luật Dược; để công nghiệp dược “cất cánh” trở thành ngành công nghiệp mũi nhọn.
Tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Xã hội của Quốc hội Nguyễn Thúy Anh trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Dược.
Cần chính sách ưu đãi, hỗ trợ
Chính sách của Nhà nước về dược và chính sách phát triển công nghiệp dược (Điều 7 và Điều 8 sửa đổi), bà Nguyễn Thúy Anh cho biết, tiếp thu ý kiến đại biểu, dự thảo Luật đã được chỉnh lý theo hướng sửa đổi toàn diện Điều 7 của Luật hiện hành để quy định các chính sách chung của Nhà nước về dược; quy định chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư trong phát triển công nghiệp dược tại Điều 8 (sửa đổi); còn quy định liên quan đến thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ được xem xét khi sửa Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đồng thời giao Chính phủ quy định chi tiết để bảo đảm triển khai thực hiện.
Trong đó, Điều 7 (sửa đổi) bổ sung quy định “có chính sách ưu đãi, hỗ trợ để phát triển ngành công nghiệp dược Việt Nam thành ngành công nghiệp mũi nhọn” (khoản 3); quy định chính sách ưu tiên mua sắm thuốc sản xuất trong nước tại các cơ sở y tế công lập (khoản 4); ưu tiên về các thủ tục hành chính khi cấp giấy đăng ký lưu hành, cấp phép nhập khẩu (khoản 5); áp dụng các cơ chế ưu đãi, hỗ trợ từ các quỹ hỗ trợ cho hoạt động khoa học và công nghệ (khoản 6); hỗ trợ phát triển dược liệu, phát huy các bài thuốc cổ truyền, thuốc dược liệu (các khoản 7, 8 và 9); phát triển hệ thống cung ứng thuốc theo hướng chuyên nghiệp, hiện đại (khoản 10); nâng cao chất lượng nguồn nhân lực (khoản 12); giữ giá, giảm giá đối với một số nhóm thuốc cần thu hút chuyển giao công nghệ (khoản 13).
Điều 8 (sửa đổi) quy định chính sách ưu đãi đầu tư cụ thể để thúc đẩy hơn nữa việc phát triển công nghiệp dược trong nước. Do còn ý kiến khác nhau về nội dung này, để thận trọng, bảo đảm công khai, minh bạch, Ủy ban Thường vụ Quốc hội xin ý kiến đại biểu về hai phương án. Phương án 1: quy định cho phép áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới trong lĩnh vực dược có quy mô vốn đầu tư từ 3.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 1.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư.
Ưu điểm của phương án này là có tính đặc thù, đột phá và khả thi đối với ngành công nghiệp dược và phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 4 Luật Đầu tư: “Trường hợp luật khác ban hành sau ngày Luật Đầu tư có hiệu lực thi hành cần quy định đặc thù về đầu tư khác với quy định của Luật Đầu tư thì phải xác định cụ thể nội dung thực hiện hoặc không thực hiện theo quy định của Luật Đầu tư, nội dung thực hiện theo quy định của luật khác đó”. Nhược điểm là khác với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư.
Với phương án 2: Không quy định quy mô cụ thể mà dẫn chiếu áp dụng theo Luật Đầu tư, có nghĩa là chỉ được áp dụng ưu đãi, hỗ trợ đầu tư đặc biệt với dự án thành lập mới có vốn đầu tư từ 30.000 tỷ đồng trở lên, thực hiện giải ngân tối thiểu 10.000 tỷ đồng trong thời hạn 3 năm kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư hoặc chấp thuận chủ trương đầu tư (gấp 10 lần quy mô vốn so với phương án 1).
Ưu điểm của phương án này là phù hợp với các quy định về ưu đãi đầu tư đặc biệt của pháp luật về đầu tư. Nhược điểm là không có tính đặc thù, đột phá và không khả thi đối với ngành công nghiệp dược.
Bày tỏ quan điểm đồng tình với phương án 1, ĐB Trương Thị Ngọc Ánh (Đoàn ĐBQH Cần Thơ) cho rằng, đây là phương án có tính đặc thù đột phá và khả thi với ngành công nghiệp dược và phù hợp với các quy định tại khoản 4 điều 4 của Luật Đầu tư. Bên cạnh đó, bà Ánh cũng nhìn nhận, chính sách của Nhà nước về dược có nhiều chính sách ưu tiên nhưng các chính sách còn dàn trải, chưa có tính trọng tâm, trọng điểm.
“Chỉ khi nào đa dạng hoá và chủ động được nguồn nguyên liệu dược thì công nghiệp dược mới phát triển mạnh, bền vững, tạo sự cạnh tranh trong xuất khẩu ra bên ngoài. Do đó ban soạn thảo cần nghiên cứu thêm để quy định, tạo sự đột phá trong phát triển ngành công nghiệp dược” - bà Ánh nói.
ĐB Nguyễn Anh Trí (Đoàn ĐBQH Hà Nội) đề nghị, chuyển đổi số cần được bổ sung vào Điều 7 quy định về chính sách của Nhà nước đối với phát triển ngành Dược. “Tôi xin lấy ví dụ về việc kê đơn qua mạng nên làm và làm dần dần, làm quyết liệt và làm cho được. Việc này sẽ quản lý tốt hơn việc kê đơn, hình thức kê đơn. Trong đó có việc mà chúng ta hay gặp đó là khá nhiều bác sĩ kê đơn chữ rất xấu. Nếu thực hiện việc kê đơn qua mạng thì việc này sẽ được giải quyết khá tốt, quan trọng là theo dõi được đường đi của đơn thuốc, hiệu lực kê đơn, hiệu quả của đơn thuốc và kinh phí, tài chính của đơn đó. Mỗi ngày có hàng triệu đơn thuốc được kê, nếu kê bằng tay thì không có cách nào quản lý được” - ông Trí bày tỏ.
Quản lý giá của tất cả các loại thuốc
Liên quan đến về vấn đề quản lý giá thuốc, ĐB Trần Thị Nhị Hà (Đoàn ĐBQH Hà Nội) cho biết, tại Điều 2 của dự thảo nêu khái niệm về giá bán buôn thuốc dự kiến. Đây cũng là khái niệm để quản lý giá thuốc. Tuy nhiên, qua báo cáo nghiên cứu kinh nghiệm của một số quốc gia trên thế giới trong hồ sơ do Bộ Y tế trình Quốc hội thì chủ yếu mô hình quản lý giá thuốc là cơ quan quản lý nhà nước quy định trần giá thuốc như ở Nhật Bản, Indonesia, Thái Lan.
Theo bà Hà, quy định như dự thảo có thể dẫn đến nguy cơ độc quyền thuốc trên thị trường. "Ví dụ như trong trường hợp cơ sở nhập khẩu thuốc xác định mức giá bán buôn dự kiến rất thấp và thành lập chuỗi nhà thuốc để bán lẻ. Sau đó đẩy giá thuốc tăng lên ở hệ thống bán lẻ của mình. Đây chính là kênh bán hàng trực tiếp cho người dân và người dân vẫn phải mua thuốc giá cao" - bà Hà dẫn chứng.
Bà Hà cũng lo ngại khi theo quy định tại Điều 107 dự thảo quy định chỉ công bố, công bố lại giá bán buôn thuốc dự kiến với thuốc kê đơn.
"Tôi cho rằng khi quản lý về giá thì cần phải quản lý giá của tất cả các loại thuốc. Dự thảo Luật quy định tại Điều 112 sửa đổi, UBND cấp tỉnh tổ chức tiếp nhận hồ sơ kê khai giá thuốc của các cơ sở kinh doanh thuốc trên địa bàn theo quy định về quản lý giá thuốc. Như vậy, nếu không có tiêu chí để các địa phương có thể ban hành danh sách các cơ sở kinh doanh dược phải kê khai giá sẽ dẫn đến mỗi địa phương sẽ có cách tổ chức thực hiện khác nhau, và cùng một doanh nghiệp kinh doanh trên nhiều địa bàn thì việc thực hiện kê khai giá cũng sẽ khác nhau” - bà Hà nói và lo ngại với các tỉnh thành có quy mô lớn như Hà Nội có gần 10.000 cơ sở bán lẻ và 1.500 cơ sở bán buôn thì quy định này tạo thêm nhiều công việc cho chính quyền địa phương, tăng gánh nặng về thủ tục cho các cơ sở kinh doanh dược khi thực hiện kê khai giá.
Vì vậy bà Hà đề xuất Ban soạn thảo quy định tiêu chí đối với cơ sở dược phải kê khai giá thuốc để các địa phương tổ chức thực hiện; đồng thời, chưa thực hiện việc kê khai giá đối với cơ sở bán lẻ thuốc vì tất cả các cơ sở đều phải thực hiện niêm yết giá khi bán thuốc và phải thực hiện quy định liên thông dữ liệu trên hệ thống dược quốc gia.
Trong khi đó, ĐB Nguyễn Văn Dương (Đoàn ĐBQH Tiền Giang) cho rằng, yêu cầu cung cấp đầy đủ, kịp thời thuốc thiết yếu cho việc phòng bệnh, điều trị bệnh là yêu cầu hết sức cấp thiết. Do đó, cần thiết nghiên cứu rút ngắn thời gian đăng ký lưu hành thuốc, đơn giản hóa thủ tục đăng ký thuốc, nguyên liệu làm thuốc, đặc biệt đối với thuốc hiếm, vaccine, thuốc điều trị bệnh hiếm gặp, thuốc sinh học.
Chỉ rõ đang có sự bất cập giữa quy định về kê khai giá thuốc trong dự thảo Luật này và Luật Giá hiện hành, ĐB Nguyễn Công Hoàng (Đoàn ĐBQH Thái Nguyên) đề nghị cơ quan soạn thảo nghiên cứu, bổ sung quy định để đảm bảo tính thống nhất giữa hai Luật, tránh ảnh hưởng đến quá trình đấu thầu và quản lý giá thuốc. Nhất là, hiện nay số lượng thuốc được cấp giấy đăng ký lưu hành là rất lớn, khoảng 22.000 thuốc. Như vậy sẽ có rất nhiều thuốc có hoạt chất, nồng độ và hàm lượng tiêu chuẩn giống nhau, trong khi các thuốc có hoạt chất mới hoặc có tiêu chuẩn kỹ thuật cao hơn lại rất ít.
Từ phân tích trên, ông Hoàng đề nghị cần nghiên cứu bổ sung quy định hoặc hàng rào kỹ thuật để hạn chế cấp mới giấy phép đăng ký lưu hành đối với các thuốc có sự trùng lặp, nhằm khuyến khích nghiên cứu và phát triển sản xuất thuốc mới.
Giải trình về ý kiến đề nghị quy định cụ thể hơn các chính sách ưu đãi phát triển công nghiệp dược, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, đây là nội dung liên quan đến kỹ thuật lập pháp, bởi nội dung này có liên quan nhiều đến các Luật về kinh tế khác. Nếu quy định tổng hợp hết các chính sách vào dự thảo Luật này thì sẽ rất nhiều.
Đại biểu Nguyễn Lân Hiếu (Đoàn Bình Định):
Cần quy định quản lý chặt thuốc bán online
Hiện tình trạng bán thuốc tràn lan trên môi trường mạng với một số sản phẩm không phải là thuốc, gây nguy hại cho sức khỏe, bức xúc trong dư luận. Vì vậy, cần có quy định chặt chẽ về kinh doanh thuốc qua thương mại điện tử. Các thuốc bán online phải là loại thuốc được cấp phép lưu hành tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, các thuốc bán qua thương mại điện tử phải bao gồm thuốc không kê đơn và thuốc theo đơn được cơ sở y tế kê trên hệ thống đơn thuốc điện tử, sổ khám bệnh điện tử, bệnh án điện tử. Nhà thuốc được bán online cần đảm bảo tiêu chuẩn mà Bộ Y tế ban hành, thẩm định, cấp phép.
Dự thảo Luật cũng cần có điều, khoản cụ thể, quy định việc Bộ Y tế cần có bộ phận chuyên trách chống thuốc giả mạo trên các mạng xã hội, tiếp nhận thông tin, kiểm tra tính chính xác của thông tin thuốc quảng cáo để đẩy lùi tình trạng quảng cáo thuốc kém chất lượng bừa bãi, tràn lan trên mạng xã hội.
Chúng ta thúc đẩy phát triển ngành dược nội địa, nhưng cũng cần ý thức rõ vị trí của ngành dược trong nước, tránh việc các hãng dược lớn của thế giới không thể tiếp cận được thị trường, trong khi dược phẩm trong nước chưa đảm bảo được chất lượng, người dân không sử dụng được dược phẩm đạt chất lượng như mong muốn.
P.V