Để đạt các mục tiêu đặt ra thì phải đoàn kết

H.Vũ (thực hiện) 16/11/2020 08:30

Quốc hội đã quyết chỉ tiêu năm 2021 tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng khoảng 6%. Ông Phan Viết Lượng - Ủy viên Thường trực Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên, và nhi đồng của Quốc hội đã dành cho ĐĐK cuộc trao đổi về vấn đề này

Ông Phan Viết Lượng.

PV: Thưa ông, Quốc hội đã quyết GDP năm 2021 tăng khoảng 6%. Theo ông chúng ta có thể hoàn thành mục tiêu đó?

Ông Phan Viết Lượng: Tôi cho rằng mục tiêu tăng trưởng GDP khoảng 6% là có cơ sở. Vì năng lực, tốc độ tăng trưởng trong điều kiện bình thường của ta ở mức cao. Năm nay dù rất khó khăn, tăng trưởng vẫn đạt xấp xỉ 2-3%.

Trong những tháng cuối năm 2020, nhiều doanh nghiệp đã có đơn đặt hàng, nhận công nhân và người lao động trở lại làm việc. Chúng ta cũng có kinh nghiệm sau 1 năm chống dịch. Việt Nam có thể đi sau nhưng con người Việt Nam rất thông minh, có khả năng “đi tắt, đón đầu” trong công nghệ số. Thị trường của mình đã mở, nhiều nguồn hàng được xuất khẩu.

Nông nghiệp giữ được nhịp tăng trưởng. Dịch vụ vẫn duy trì, không mua sắm trực tiếp mà chuyển sang mua sắm thông qua app thanh toán. Bây giờ chúng ta đã có đến 40% thanh toán qua điện thoại. Nếu biết khơi thông du lịch nội địa, huy động tiêu dùng tăng trong nhân dân thì khả năng đạt là có cơ sở. Nếu có sự cố gắng, nỗ lực, đoàn kết, vào cuộc của cả hệ thống chính trị chúng ta có thể đạt được 7% như Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nói.

Ông vừa nhắc đến vấn đề đoàn kết. Vậy theo ông làm sao để có thể phát huy được tinh thần đại đoàn kết toàn dân tộc, giúp đất nước phát triển trong bối cảnh vừa đối phó với thiên tai, dịch bệnh, vừa lo phát triển kinh tế?

- Đại đoàn kết toàn dân tộc, truyền thống yêu nước thương nòi là giá trị không thể mai một. Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng đã nói, trong những lúc khó khăn nhất, giá trị đó càng trỗi dậy, càng thấy rõ ràng nhất. Theo tôi trong tất cả mọi mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra, bao giờ chúng ta cũng nghĩ đến đoàn kết.

Vì vậy, bên cạnh việc phát triển kinh tế thì Đảng, Nhà nước rất quan tâm chăm lo đến thực hiện công bằng và tiến bộ xã hội, dành nguồn lực chăm lo cho những người yếu thế, vùng khó khăn, khơi dậy tinh thần tương thân tương ái trong toàn xã hội. Chúng ta cũng đã rất quan tâm đến văn hóa xã hội, giáo dục; tiếp tục đổi mới và nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý nhà nước để ngăn chặn các mặt trái của cơ chế thị trường.

Ví dụ như có giải pháp về rút ngắn khoảng cách giàu - nghèo. Hiện nay, khoảng cách giàu nghèo giãn rộng giữa vùng này với vùng khác, tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của người dân. Chính sách ưu việt sẽ khơi dậy được lòng dân, sức mạnh đại đoàn kết. Người nghèo tiếp cận được quyền học tập, chăm lo để không ai bị bỏ lại phía sau.

Bên cạnh đó, các hành vi vi phạm pháp luật cần được phát hiện và xử lý nghiêm minh. Đừng để nhờn luật, vi phạm mà không xử lý sẽ ảnh hưởng đến niềm tin của người dân vào Nhà nước. Chống tham nhũng phải được ưu tiên đặt lên hàng đầu, cán bộ phải nêu gương.

Cán bộ đi trước làng nước theo sau. Sự nêu gương của một cán bộ gương mẫu sẽ tác động tới hàng triệu người. Trước đây, số lượng đảng viên của ta rất ít, nhưng tinh thần đại đoàn kết toàn dân rất cao nên cách mạng giành được nhiều thắng lợi. Bây giờ chúng ta cần phải chú ý hơn đến những giá trị từ người cán bộ.

Tôi muốn lưu ý rằng tốc độ tăng trưởng 6% liên quan đến việc sử dụng quản lý các nguồn lực. Để xảy ra tham nhũng không chỉ mất tiền mà còn mất niềm tin của người dân. Mất niềm tin sẽ ảnh hưởng đến sự nghiệp đại đoàn kết toàn dân tộc. Chỉ khi nào đảm bảo công bằng xã hội thì tinh thần đoàn kết sẽ được khơi dậy.

Mọi việc đều bắt nguồn từ cán bộ. Nhất là cán bộ tại cấp cơ sở phải gần dân, sát dân thì mới hiểu dân thuyết phục dân để tạo đồng thuận trong xã hội. Chúng ta cần đổi mới công tác cán bộ ở cấp cơ sở, thưa ông?

- Trong khó khăn hoạn nạn sẽ bộc lộ những giá trị cốt lõi. Trong cơn hoạn nạn mới hiểu lòng nhau. Chính vì thế, những lúc khó khăn phải khơi dậy tinh thần yêu nước, đoàn kết toàn dân. Phải có sự vào cuộc của toàn xã hội và cả hệ thống chính trị.

Từ cơ sở đến Trung ương phải rõ ràng trách nhiệm, đổi mới trong lãnh đạo, chỉ đạo. Lựa chọn những giải pháp phù hợp, vượt lên thích ứng với hoàn cảnh cụ thể. Ví dụ như trong thực hiện nhiệm vụ kép không coi nhẹ nhiệm vụ nào cả. Kinh tế phát triển nhưng sức khỏe nhân dân vẫn thực hiện tốt. Cho nên ở cấp cơ sở cũng vậy.

Phải đổi mới phương thức, cách làm để phù hợp với hoàn cảnh cụ thể. Bây giờ chúng ta đang tiến tới Chính phủ số thì quản lý ở các cấp cũng phải công khai, minh bạch để người dân biết và giám sát.

Trân trọng cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để đạt các mục tiêu đặt ra thì phải đoàn kết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO