Sáng ngày 29-9, tại TP. Hội An, Quảng Nam đã diễn ra diễn ra Hội thảo “Phát triển du lịch bền vững” ở các tỉnh miền Trung, nhằm chia sẻ các kết quả đạt được, hoạch định xây dựng chính sách, giải pháp hữu hiệu để liên kết phát triển du lịch bền vững ngày càng hiệu quả hơn.
Quang cảnh buổi hội thảo
Khẳng định vị thế!
Phát biểu khai mạc ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT-DL Quảng Nam khẳng định: “Hội thảo hôm nay là sự kiện du lịch quan trọng, là cơ hội cho tỉnh Quảng Nam, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia chia sẻ các kết quả, kinh nghiệm trong quá trình hoạch định xây dựng chính sách, cũng như kế hoạch khuyến khích sư tham gia của các bên có liên quan cùng chung tay xây dựng, phát triển du lịch có trách nhiệm tạo nền tảng ngày càng vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững”.
Cùng với sự nghiệp đổi mới của đất nước hơn 20 năm qua, ngành du lịch đã cả nước nói chung và khu vực miền Trung nói riêng đã góp phần quan trọng vào tăng trưởng kinh tế, góp phần xoá đói, giảm nghèo, đảm bảo an sinh xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hoá, bảo vệ môi trường và giữ vững AN-QP. Nói một cách khác ngành du lịch đã khẳng định được vị thế của mình.
Miền Trung có những lợi thế nhất định cho du lịch, như Quảng Nam có đến 2 di sản văn hóa thế giới là Thánh địa Mỹ Sơn và phố cổ Hội An, cùng với đó Khu sinh quyển thế giới Cù Lao Chàm, hay như quần thể di tích cố đô Huế và nhiệu địa danh lịch sử, nhiều danh thắng nổi tiếng. Đáng chú ý, tại Quảng Nam, trong 10 năm gần đây (2005-2014), cùng với những nỗ lực của địa phương, sự hỗ trợ nhiệt tình của các tổ chức quốc tế, sự quan tâm hợp tác của các tỉnh thành, các doanh nghiệp dinh doanh du lịch trên toàn quốc đã thúc đẩy du lịch phát triển mạnh và đạt được những kết quả đáng ghi nhận. Tại Quảng Nam từ con số 1,3 triệu lượt khách vào năm 2005, đến năm 2014 lượt khách du lịch đến Quảng Nam lên hơn 3.680.000 lượt khách, doanh thu đạt trên 2.200 tỷ đồng...
Hội An luôn cuốn hút du khách nước ngoài
Để phát triển bền vững!
Tuy nhiên bên cạnh những thành tựu đó, ngành du lịch còn bộc lộ những hạn chế và bất cập nhất định; nhiều khó khăn, trở ngại vẫn chưa được giải quyết thoả đáng; chưa có bước phát triển đột phá để khẳng định thực sự là ngành kinh tế mũi nhọn; hiệu quả tăng trưởng chưa tương xứng với tiềm năng và lợi thế của đất nước; phát triển nhưng vẫn ẩn chứa nhiều yếu tố thiếu bền vững. Do đó hội thảo lần này là cơ hội cho tỉnh Quảng Nam, các tỉnh bạn, các tổ chức quốc tế, các doanh nghiệp, các chuyên gia chia sẻ các kết quả đạt được, kinh nghiệm trong quá trình hoạch định xây dựng chính sách, cũng như kế hoạch khuyến khích sư tham gia của các bên có liên quan cùng chung tay xây dựng, phát triển du lịch có trách nhiệm tạo nền tảng ngày càng vững chắc cho mục tiêu phát triển bền vững.
Tại Hội thảo đã thu hút nhiều tham luận của các nhà quản lý, nhà nghiên cứu, các chuyên gia về du lịch, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, các tổ chức quốc tế với nội dung xoay quanh các vấn đề về phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững.
Hướng dẫn cho Tây học cách cày ruộng một tour du lịch đang hấp dẫn ở Hội An
Thạc sĩ, Hồ Thị Thúy Nga, Phó Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nghề Du lịch Huế quan tâm đến đề nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực du lịch trước thềm hội nhập Cộng đồng kinh tế ASEAN- AEC. Thạc sĩ, Nga nhận định: “Du lịch là một trong số 8 ngành kinh tế được chú trọng liên kết trong giai đoạn đầu tiên khi AEC ra đời. Nếu lao động Việt Nam không nhanh chóng chuẩn bị những kiến thức và kỹ năng cần thiết để tiệm cận chuẩn nghề trong khu vực thì rất có thể việc sẽ bị thua thiệt ngay trên sân nhà. Nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực đang là vấn đề cấp bách trong chiến lược phát triển ngành du lịch của nước ta trước thềm hội nhập AEC”.
Còn TS Đinh Thị Thi - Đại học Đông Á nhận định: “Một nghịch lý lâu nay ở nước ta trong đào tạo nhân lực du lịch là sinh viên ra trường không làm việc được ngay, gây lãng phí kinh phí đào tạo cũng như lãng phí thời gian học việc của sinh sau khi ra trường. Tình trạng này bắt nguồn từ việc học lý thuyết quá nhiều mà không quan tâm đến kỹ năng nghề nghiệp, học tại trường quá nhiều mà không có điều kiện tiếp cận, cọ xát với thực tế”. Còn bà Phan Thị Hiền - Cty Du lịch Mạo hiểm Việt Nam cho rằng: “Du lịch là một ngành kinh tế đặc thù. Trong điều kiện hội nhập và mở cửa thì vấn đề liên kết du lịch là vấn đề tất yếu đặt ra đối với mỗi địa phương”…
Các thi sinh hoa hậu các dân tộc Việt Nam tại Thánh địa Mỹ Sơn.
Các đại biểu cho rằng, những ý kiến, kiến nghị của đại biểu về vấn đề cơ chế và chính sách cũng như những chia sẻ kinh nghiệm, kết quả đạt được, để khuyến khích phát triển du lịch có trách nhiệm và bền vững là rất đáng ghi nhận. Ông Đinh Hài khẳng định: “Các bài tham luận, những đoạn phim đều thể hiện sự công phu, nghiêm túc, tâm huyết của các tác giả trên tinh thần khách quan, khoa học về những vấn đề mà hội thảo mong muốn và cũng đặt ra những vấn đề để sau hội thảo này chúng ta cần tiếp tục đầu tư nghiên cứu với kỳ vọng để du lịch miền Trung liên kết để “Phát triển du lịch bền vững”. Ông Hài cho rằng, đây cũng là cơ hội để tỉnh Quảng Nam kêu gọi tất cả các ngành, các cấp, các chuyên gia, các tổ chức quốc tế, các cơ quan truyền thông tiếp tục hỗ trợ tỉnh Quảng Nam thực thi chiến lược, kế hoạch để tiến gần hơn đến mục tiêu thúc đẩy phát triển du lịch trách nhiệm và bền vững, góp phần trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh.