Trước việc tội phạm gia tăng, song nhiều tội danh trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi có mức hình phạt giảm - điều này hiện cũng đang gây nhiều tranh cãi trên diễn đàn Quốc hội. Tuy nhiên, theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Nguyễn Đình Quyền, khi hoạch định chính sách đừng nghĩ tăng hình phạt lên là cách giảm tội phạm; quan trọng là hình phạt phải tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội.
Ông Nguyễn Đình Quyền Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội.
Với trẻ em vi phạm pháp luật, phạt nặng là phản tác dụng
Theo ông Nguyễn Đình Quyền, khi hoạch định chính sách đừng nghĩ tăng hình phạt lên là cách giảm tội phạm và hình phạt phải tương xứng với hành vi nguy hiểm cho xã hội.
“Ví dụ năm 1999 khi tội phạm về ma túy gia tăng, lúc đó chúng ta sửa Luật Hình sự và tăng mức phạt ma túy đến mức cao nhất. Có những vụ chúng ta xử tới 5-7 án tử hình, nhưng tội phạm ma túy không giảm mà vẫn tăng”- ông Quyền nói.
Cũng theo ông Quyền, đối với trẻ em vi phạm pháp luật, càng phạt nặng bao nhiêu càng phản tác dụng. Khoa học hình sự trên thế giới đã chứng minh điều đó, không phải phạt nặng đối với trẻ em mà đạt được mục đích. Cần sử dụng đồng bộ các biện pháp khác và chính sách hình sự hướng tới giá trị nhân đạo, bảo đảm quyền con người.
Thực ra, trẻ vị thành niên vừa là chủ thể của tội phạm, nhưng cũng là nạn nhân xã hội của tội phạm. Do vậy cần phải nhìn ở góc độ đó thì hoạch định chính sách mới đúng.
Phạt tiền thay cho hình phạt tù dễ phát sinh tiêu cực
Nhận định về quy định phạt tiền thay cho phạt tù được quy định trong Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, ông Nguyễn Đình Quyền cho rằng, không nên phạt tiền thay cho hình phạt tù bởi điều này khó đảm bảo công bằng và dễ phát sinh tiêu cực. Không đồng tình với quy định này ông Quyền nêu quan điểm, người dân cho rằng những người có tiền sẽ không phải đi tù. Người nghèo không có tiền sẽ bị bắt vào tù, sẽ không bảo đảm công bằng và quá trình xử lý rất dễ phát sinh những kẽ hở của tiêu cực.
Về việc giảm án với tội danh tham nhũng trong trường hợp bị cáo dùng tiền để khắc phục hậu quả, theo ông Quyền, qua công tác giám sát của Uỷ ban Tư pháp thực tế có một số nơi khi người ta có hành vi tham nhũng mà chủ động khắc phục thì đình chỉ điều tra, như vậy là sai pháp luật.
“Uỷ ban Tư pháp đã có công văn yêu cầu phục hồi điều tra với một số vụ việc bởi vì việc mà khắc phục hậu quả chỉ là một tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự chứ không phải để miễn trách nhiệm hình sự. Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi đưa ra nội dung trên để khuyến khích người vi phạm khắc phục hậu quả, thu hồi tài sản Nhà nước, nhân dân. Một mặt là tình tiết giảm nhẹ, nhưng chủ động khắc phục trước khi bị phát hiện thì có thể xem xét để giảm hoặc có thể miễn trách nhiệm hình sự”- ông Quyền cho hay và bày tỏ, việc miễn trách nhiệm hình sự phải xem xét trên nhiều mặt chứ không chỉ riêng việc khắc phục hậu quả.
Theo Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, qua hơn 7 triệu lượt ý kiến của nhân dân góp ý về Dự thảo Bộ luật Hình sự sửa đổi, Chính phủ đề nghị Quốc hội cho tiếp thu ý kiến của đa số nhân dân về bổ sung quy định về trách nhiệm hình sự của pháp nhân và xác định rõ loại tội mà pháp nhân chịu trách nhiệm hình sự; quy định rõ các tội mà người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự; bỏ hình phạt tử hình đối với 7 tội danh như Dự thảo Bộ luật; bổ sung quy định về chuyển đổi hình phạt tiền, hình phạt cải tạo không giam giữ thành hình phạt tù có thời hạn; bãi bỏ một số tội phạm và bổ sung một số tội phạm mới. |