Trước nay vẫn có nhiều ý kiến tranh luận về việc dạy thêm, học thêm bởi xuất phát từ nhu cầu chính đáng của người học và cả người dạy. Theo quan điểm của chuyên gia giáo dục Đặng Tự Ân, khi thực hiện chương trình giáo dục phổ thông mới, học sinh không phải “học thêm”.
Dạy thêm là phổ biến
Ngay sau khai giảng năm học 2022-2023, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) đã có công văn số 4255/BGDĐT-TTr hướng dẫn công tác thanh tra, kiểm tra năm học 2022-2023 đối với giáo dục mầm non, giáo dục phổ thông và giáo dục thường xuyên. Trong đó có nội dung tăng cường thanh tra, kiểm tra đối với hoạt động dạy thêm, học thêm.
Tại nhiều địa phương, việc siết hoạt động dạy thêm cũng được các Sở GDĐT ráo riết triển khai. Đơn cử tại Hà Nội, Sở GDĐT thường xuyên có chỉ đạo tăng cường quản lý công tác dạy thêm - học thêm. Từ năm 2018, Sở yêu cầu không dạy thêm với học sinh tiểu học trừ trường hợp bồi dưỡng nghệ thuật, thể thao, kỹ năng sống…
Dẫu thế, hiện nay tình trạng dạy thêm, học thêm vẫn được tổ chức tại rất nhiều trường tiểu học, THCS tại Hà Nội thông qua việc giáo viên chủ nhiệm phát cho phụ huynh đơn xin đăng ký học thêm (theo mẫu). Rất nhiều phụ huynh phản ánh tình trạng con mình bị giáo viên dùng từ ngữ nặng nề, bạo hành chỉ vì lý do con không đi học thêm tại nhà cô.
Chị Kim Ngân, có con đang là học sinh lớp 7 của Trường THCS Linh Đàm (quận Hoàng Mai, Hà Nội cho biết, hiện cháu học bán trú 4 buổi/tuần (các môn Văn - Toán - Ngoại ngữ - Khoa học tự nhiên). Như vậy, cháu chỉ còn 2 buổi chiều trong tuần để ôn tập kiến thức các môn học khác. Tuy nhiên giáo viên chủ nhiệm dạy môn Toán vẫn vận động gia đình nên cho cháu đi học ở lớp học thêm của cô, để củng cố kiến thức.
Anh Tuấn Nghĩa (quận Thanh Trì, Hà Nội) chia sẻ, anh có con nhỏ đang học lớp 2 ở một trường công lập gần nhà cũng từng chịu sức ép từ giáo viên, chỉ vì cháu không đi học thêm. Cách đây vài ngày, gia đình anh đã quyết định làm đơn xin chuyển tới trường dân lập trên địa bàn cho con. Anh Nghĩa cho biết, sau khi chuyển trường cháu vui hơn hẳn và không còn bị sức ép về tâm lý. Nếu biết như vậy, gia đình đã chuyển trường cho con sớm hơn.
Ông Nguyễn Văn Hòa - Chủ tịch Hội đồng quản trị Hệ thống trường chất lượng cao Nguyễn Bỉnh Khiêm (Hà Nội) cho rằng, những chuyện lạm thu, dạy thêm hầu hết chỉ xảy ra ở các trường công lập, ít khi xảy ra ở trường tư thục. Bản thân ông phản đối việc lạm dụng chiêu trò để o ép học sinh đi học thêm. Đây chính là hành vi lệch chuẩn, sai quy định của Bộ GDĐT, làm trái đạo đức người thầy giáo.
Có chữa được “bệnh” này không?
Ông Đặng Tự Ân - nguyên Vụ trưởng Vụ giáo dục tiểu học (Bộ GDĐT), Giám đốc Quỹ quốc gia đổi mới giáo dục phổ thông (VIGEF) đánh giá, tại Việt Nam, hoạt động dạy thêm, học thêm cũng không khác nhiều so với các nước khác ở châu Á. Những vấn đề thuộc về bản chất, nguyên nhân, nhận định mặt tốt và chưa tốt của học thêm ở Việt Nam, có nhiều điểm tương đồng như các nước trong khu vực.
Một số giáo viên “dạy trước” khiến cho việc giảng dạy chính khóa gặp khó khăn do trình độ học sinh không đồng đều. Gần đây internet cũng trở thành phương tiện sử dụng hiệu quả trong dạy thêm và góp phần thúc đẩy học thêm phát triển ngày càng mạnh mẽ.
Theo ông Ân, tiêu cực của hoạt động học thêm ở Việt Nam và các nước trong khu vực là rất lớn và đã để lại hậu quả nặng nề, nguy cơ trở thành căn bệnh nan y khó chữa. Học thêm thu phí biến học sinh thành “khách hàng”. Áp lực lên người học tới mức trầm cảm do học thêm quá nhiều. Học cả ngày chưa đủ học sinh tiếp tục học thêm tới khuya…
Mặc dù Bộ GDĐT đã đề nghị bổ sung dạy thêm vào danh mục ngành nghề kinh doanh có điều kiện, song ông Ân cho rằng, đề xuất này vừa sai luật vừa không đúng với thực tiễn khi triển khai vào cuộc sống: “Luật của chúng ta vẫn chưa cho phép giáo dục là ngành kinh doanh như hàng hóa, sản phẩm nhà trường chưa phải là hàng hóa. Nhà trường, thầy cô với phụ huynh, học sinh chưa phải là quan hệ mua bán, trao đổi, sòng phẳng thông qua đồng tiền. Luật Giáo dục đã cấm “Ép buộc học sinh học thêm để thu tiền” hay “Cấm lợi dụng hoạt động giáo dục vì mục đích vụ lợi”.
Theo ông Ân, Chương trình giáo dục phổ thông 2018 định hướng tới phát triển năng lực học sinh, đưa kiến thức vào sách giáo khoa đảm bảo cơ bản vừa đủ, dạy học sinh cách học và học thông qua thực hành. Ngoài ra, tăng cường giáo dục kỹ năng sống. Do đó, khi thực hiện chương trình giáo dục mới, học sinh không phải “học thêm” mà chính là cần “làm thêm”, “trải nghiệm thêm”. Bậc tiểu học đã tổ chức học 2 buổi/ngày, tuyệt đối không học thêm.
Ông Ân nêu giải pháp để chuyển hướng tích cực cho hoạt động dạy thêm, học thêm là cần nhanh chóng nâng mức lương cao nhất cho giáo viên trong khối sự nghiệp như Nghị quyết 29/TW, tạo ra các cơ chế tự chủ để giáo viên sống được bằng tổng thu nhập hàng tháng. Từng bước cải tiến việc đánh giá học sinh, đổi mới phương thức, nội dung thi tuyển trong trường, từng địa phương và quốc gia, nhằm giảm áp lực học thêm.