Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng tạm dừng thi công để đảm bảo an toàn đê.
Chiều 14/5, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Hà Nội, Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn thành phố Nguyễn Mạnh Quyền đã đi kiểm tra sự cố nứt đê hữu Hồng, đoạn K46+160, thuộc địa bàn xã Liên Hà (huyện Đan Phượng).
Báo cáo với Phó Chủ tịch thành phố, ông Vũ Hồng Trường, Phó Tổng giám đốc Công ty cổ phần nước mặt sông Hồng cho biết, sau khi xảy ra sự cố, đơn vị đã ngừng thi công và khẩn trương triển khai giải pháp khắc phục sự cố tạm thời, qua theo dõi hiện tượng nứt đê đã không bị nặng thêm.
Hiện nay, công ty đang xây dựng phương án trước mắt bảo đảm an toàn cho khu vực đê trong mùa mưa lũ năm 2021, trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt để triển khai thi công. Đồng thời, thuê đơn vị tư vấn lập phương án xử lý triệt để, đảm bảo an toàn tuyến đê.
Tại buổi kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Văn Quyến cho biết, ngày 30/4, Hạt Quản lý đê Đan Phượng kiểm tra phát hiện sự cố nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang cơ đê bê tông 5m phía thượng lưu, tương ứng đoạn K46+160 đê hữu Hồng. Vết nứt dọc đường hành lang cơ đê phía thượng lưu dài 25,8m, rộng 0,5-4cm. Trên mặt đê cũng xuất hiện vết nứt dài 27m, rộng vết nứt 1-3cm.
Nguyên nhân ban đầu được xác định sự cố xảy ra tại đoạn K46+160 đê hữu Hồng là do Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng đang triển khai thi công hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án Xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng.
Việc thi công hố móng đã làm mất ổn định của mái đê, thân đê đoạn này, đặc biệt là phía thượng lưu. Cùng với ảnh hưởng của những trận mưa to xảy ra vào các ngày 24-25/4 vừa qua.
Để hạn chế mở rộng sự cố, bảo đảm an toàn tuyến đê, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội đề xuất UBND Thành phố chỉ đạo cơ quan chức năng đặt biển báo sự cố; tổ chức phân luồng giao thông không cho xe cơ giới đi vào khu vực sự cố; Công ty cổ phần Nước mặt sông Hồng dừng thi công hố móng trạm bơm nước thô, theo dõi, tính toán giải pháp xử lý sự cố về đê điều như nêu trên.
Ông Lê Hồng Phong, cán bộ Xây dựng - Địa chính của xã Liên Hà, huyện Đan Phượng, cho biết khi phát hiện vết nứt dọc mặt đê, mặt đường hành lang cơ đê bê tông 5 m phía thượng lưu trong lúc công trình hố móng trạm bơm nước thô thuộc dự án Xây dựng Nhà máy Nước mặt sông Hồng thi công, chính quyền xã đã báo cáo ngay với huyện về vấn đề này.
Tuy nhiên, UBND xã chưa nhận được đơn, thư của các hộ dân sống gần khu vực thi công phản ánh về tình trạng bị nứt tường, móng nhà.
Phó Chủ tịch UBND Thành phố Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu, UBND huyện Đan Phượng và các xã trên địa bàn chỉ đạo các đơn vị chức năng như: công an, thanh tra giao thông, UBND xã Liên Hà phối hợp các đơn vị có liên quan cắm biển cảnh báo sự cố, phân luồng giao thông, không cho người, phương tiện vào khu vực sự cố đê để đảm bảo an toàn.
Thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ và trong trường hợp có tình huống xấu xảy ra thì phải có những biện pháp phòng tránh từ xa, xử lý kịp thời.
Đối với Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn, ông Nguyễn Mạnh Quyền yêu cầu phải phối hợp chặt chẽ với Tổng cục Phòng chống thiên tai, chỉ đạo chủ đầu tư, Nhà máy nước mặt sông Hồng và các cơ quan liên quan để kiểm tra rà soát, đánh giá rõ nguyên nhân. Từ đó, đưa ra giải pháp xử lý triệt để các sự cố, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho công trình đê điều.
“Đây là tuyến đê cấp 1 và nằm ngay cạnh khu vực trung tâm Thủ đô nên chúng ta cũng không cho phép bất kỳ một điều gì có thể sơ sểnh hay bất kì điều gì mang tình chất 50-50 mà phải tuyệt đối an toàn” - ông Quyền nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền cũng đồng ý đề xuất của Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn về việc rà soát, đánh giá lại sự cố, nếu thấy cần thiết, Sở có thể thuê một đơn vị tư vấn độc lập để có đánh giá lại phương án đề xuất xử lý của Nhà máy nước mặt Sông Hồng, đảm bảo tính khả thi, bền vững cho công trình đê điều.
Về phía chủ đầu tư là Nhà máy nước mặt sông Hồng, Phó Chủ tịch UBND thành phố yêu cầu tạm dừng thi công. Xây dựng phương án thay đổi để triển khai các hạng mục khác phù hợp hơn, cố gắng cấp nước cho người dân theo đúng tiến độ quy định.
Chủ đầu tư phải tuân thủ đầy đủ, nghiêm túc chỉ đạo của Tổng cục Phòng chống thiên tai cũng như UBND thành phố. Trong việc phòng chống lũ lụt, chủ đầu tư phải chuẩn bị các phương án với phương châm 4 tại chỗ, sẵn sàng phối hợp với các đơn vị khác khi có tình huống xấu xảy ra.