Để không phải học “chay”

Hàn Minh 16/09/2022 08:18

Năm học 2022-2023 đã bắt đầu được 2 tuần nhưng tại nhiều địa phương, học sinh vẫn chưa có đủ sách giáo khoa (SGK) cho một số môn học.

Chủ yếu thiếu sách giáo khoa lớp 10

Theo ghi nhận của PV Báo Đại Đoàn Kết, tình trạng thiếu SGK diễn ra chủ yếu ở một số môn học của lớp 10 do đây là năm đầu tiên triển khai Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018 ở khối lớp này.

Bà Phan Như Hạnh có con học lớp 10 ở quận Đống Đa (Hà Nội) cho biết, mặc dù đã đăng ký mua SGK theo nhà trường nhưng gần đến ngày khai giảng, cô giáo thông báo không có đủ một số SGK, sách bài tập nên gia đình phải tự đi mua. Bà và nhiều phụ huynh trong lớp đã tìm đến các hiệu sách quanh nhà và gần cơ quan nhưng đều không còn nên đã đề nghị với cô giáo sẽ photo tạm sách cho con dùng. “Cô giáo nói trước mắt sẽ in phiếu giao bài cho học sinh nhưng về lâu dài, tôi vẫn mong có đầy đủ sách để đảm bảo chất lượng dạy và học vì sách photo không có màu, thiếu sinh động” - bà Hạnh cho biết.

Tương tự, tại tỉnh Vĩnh Phúc, Đồng Tháp,… một số phụ huynh có con học lớp 10 phản ánh vẫn chưa có đủ SGK cho năm học mới. Điều này gây nhiều bất tiện cho cả cô và trò, nhất là trong bối cảnh học sinh học chương trình mới, nội dung, kiến thức có nhiều sự thay đổi.

Trong báo cáo Sở Giáo dục và Đào tạo(GDĐT) TPHCM gửi Bộ GDĐT và UBND TPHCM về việc trang bị SGK cho học sinh sau khai giảng năm học mới. Theo đó, còn 7.053 (0,5%) trường hợp chưa có SGK đều ở các khối lớp thực hiện Chương trình GDPT 2018. Cụ thể bậc THCS thiếu 2.050 bộ, bậc THPT thiếu 2.232 bộ và giáo dục thường xuyên thiếu 2.771 bộ. Lý do thiếu SGK là học sinh chưa tự trang bị, công ty sách và thiết bị trường học chưa cung cấp đủ sách theo đặt hàng của cơ sở giáo dục và một số học sinh từ địa phương khác chuyển đến thành phố chưa tự trang bị…

Sở GDĐT TPHCM đã làm việc với nhà xuất bản, các công ty phát hành sách, đề nghị các nhà sách trong hệ thống Nhà xuất bản Giáo dục đảm bảo có đủ sách để cung ứng cho học sinh. Dự kiến, sẽ cung ứng đủ sách trước ngày 16/9.

Không thể cứ đến hẹn lại thiếu sách

Đã ở năm thứ 3 triển khai Chương trình GDPT 2018 nhưng tình trạng thiếu SGK mỗi đầu năm học vẫn diễn ra. Mặc dù hiện nay SGK không còn là “pháp lệnh” nhưng đây vẫn là tài liệu quan trọng trong quá trình dạy học nên không thể có chuyện học sinh học “chay”, không có SGK. Dẫu các nhà xuất bản có cung cấp bản điện tử, học sinh có thể tải về và in để học nhưng chất lượng sẽ không thể đảm bảo như SGK “xịn”.

Nhiều trường, giáo viên đang phải sử dụng tạm sách điện tử do Bộ GDĐT cung cấp để dạy nhưng vì học sinh không có sách nên khó chuẩn bị bài trước ở nhà, trên lớp cũng phải ghi chép nhiều nội dung hơn thay vì thảo luận, mở rộng, tranh biện…

Dù có nhiều nguyên nhân cả chủ quan và khách quan dẫn đến việc thiếu SGK khi năm học mới đã bắt đầu nhưng theo các chuyên gia, cần có giải pháp để khắc phục tình trạng này, không thể để năm nào phụ huynh cũng phải chạy đôn chạy đáo tìm mua SGK cho con. Trong đó, không chỉ thiếu SGK ở các khối lớp thay sách mà cả các lớp cận kề như lớp 4, lớp 11, một số môn phụ huynh cũng không thể tìm mua được sách cho con.

TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học, Bộ GDĐT cho rằng để tình trạng này không tái diễn, về mặt quản lý, Bộ GDĐT phải có sự chỉ đạo, đốc thúc để đẩy nhanh tiến độ in ấn, ban hành SGK, cần có đề xuất cụ thể để đảm bảo học sinh nhận được đủ sách trong thời gian ngắn nhất.

PGS. TS Nguyễn Xuân Thành - Vụ trưởng Vụ giáo dục Trung học, Bộ GDĐT, cho biết Bộ đã nắm được thông tin thiếu SGK tại một số ít địa phương. Bộ sẽ yêu cầu các Sở GDĐT và các nhà xuất bản phối hợp chặt chẽ để đảm bảo đủ SGK cho học sinh, nhất là những địa phương còn thiếu nhiều như TPHCM.

Trước đó, Bộ GDĐT đã ban hành nhiều văn bản yêu cầu các nhà xuất bản đảm bảo cung ứng đủ SGK cho học sinh. Ngày 29/8, Bộ GDĐT ban hành công văn gửi giám đốc các Sở GDĐT yêu cầu thực hiện một số hoạt động đầu năm học 2022 - 2023, trong đó nhiệm vụ bảo đảm cung cấp đủ SGK cho học sinh, không để xảy ra tình trạng thiếu SGK đầu năm học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để không phải học “chay”