Theo thống kê của Bộ VHTTDL, hàng năm, cả nước có 7.966 lễ hội được tổ chức quanh năm. Trong gần 8 nghìn lễ hội ấy, có những lễ hội được đồng bào cả nước mong chờ và cùng hướng về, cũng có nhiều lễ hội quy mô thuộc cộng đồng cư dân địa phương. Nhưng dù ở cấp độ nào, hoạt động lễ hội nói chung ở nước ta lâu nay đã và đang chứa đựng nhiều khía cạnh bất ổn mà nổi bật hơn cả là tính thiêng bị suy giảm, sự an vui không còn trọn vẹn.
Hội Lim.
Để “lễ” thực sự thiêng
Nhiều năm trở lại đây, câu chuyện xung quanh chiếc hòm công đức và tiền lẻ (tiền “giọt dầu”) ở các lễ hội, đền chùa nói chung hầu như năm nào cũng được nhắc đến trên truyền thông, chủ yếu là về sự phản cảm của “ma trận” hòm công đức cũng như tiền lẻ được rải khắp cả tượng Phật, đầu rùa, đủ mọi khe hở có thể trong khu tế lễ linh thiêng. Một chuyện tưởng chừng là thật tế nhị, thành tâm, đẹp đẽ tự khởi thủy do con người dựng nên giờ đây cũng lại do chính con người biến thành chuyện xấu, đến mức nó đã phải được đưa vào hạng mục “cấm” trong quy chế hoạt động tổ chức lễ hội và báo chí buộc phải đặt thành câu hỏi với các cấp quản lý.
Những cảnh đi lễ chùa mà phải đi qua hàng dãy quán xá treo thịt thú rừng lẫn thú nuôi lủng lẳng, hay thành tâm xin ấn đền Trần (Nam Định) mà phải chịu cảnh chen lấn, giẫm đạp lên nhau đến ngất xỉu nhiều năm qua có lẽ cũng làm cho những người cả nghĩ cảm thấy sợ hãi về sự phai lạt của tính thiêng ở những nơi chốn trang nghiêm ấy.
Vì sao những chuyện trên lại xảy ra? Lặp đi lặp lại qua năm này năm khác song chưa có cách giải quyết nào thấu đáo? Có rất nhiều lí do được đưa ra cả về góc độ khách quan như những hạn chế, bất lực từ phía quản lý, kiểm soát của chính quyền sở tại, cho đến ý thức của người dân khi đi dự lễ hội. Nhưng có lẽ, nguyên do cốt lõi chính là cách nghĩ thực dụng đã biến tướng thành lòng tham của cả hai phía. Chẳng thế mà ông Nguyễn Đạo Toàn - nguyên Cục trưởng Cục Văn hóa cơ sở (Bộ VHTTDL) khẳng định: “Các địa phương coi lễ hội và di tích là một nguồn thu lớn, ổn định hằng năm. Và một khi lợi nhuận được đặt lên hàng đầu thì tính văn hóa của di tích sẽ dễ dàng bị dìm xuống”. Còn người dân, nếu tự mỗi người biết bớt đi một chút “tham, sân si” khi đi lễ hội, có lẽ những cảnh rải tiền lẻ lên tượng Phật để mong Phật “chứng giám lòng thành và phù hộ” hay chen lấn xin ấn để mong tài vận đến với mình sẽ không còn.
Để “hội” thực sự vui
Còn nhớ cách đây hơn 20 năm, khi kinh tế thị trường đã bắt đầu làm thay đổi nếp nghĩ quen của mọi người về đồng tiền, người viết bài này đi hội Lim và sau đó, tự hứa với mình sẽ không bao giờ quay lại đó. Lần đó, chúng tôi ghé vào một lều nghe hát quan họ, các liền anh liền chị rất vui vẻ đón tiếp. Tôi thấy khay trầu têm cánh phượng quá đẹp nên rụt rè xin một miếng. Một liền chị nói cái đó “phải trả tiền”, nhưng là bao nhiêu tiền, câu trả lời lại là “tùy tâm”. Thật cắc cớ! Càng về sau, những câu chuyện hay hình ảnh mà báo chí nêu quanh chuyện quan họ ngả nón nhận tiền, hay xin tiền của người xem ngay tại Hội Lim không còn làm tôi ngạc nhiên nữa.
Câu chuyện trên là một ví dụ để thấy, trong bối cảnh xã hội đã có nhiều thay đổi theo hướng thị trường, niềm vui khi đi hội xuân của con người cũng đã khác xưa, cũng đã phân hóa rất nhiều. Nhiều người đi hội không còn để vãn cảnh hay thưởng thức lời ca tiếng nhạc mừng xuân, chơi các trò chơi dân gian vui vẻ nữa. Thay vào đó, họ thích thú với việc ăn uống thả cửa và chơi các trò chơi ăn thua tiền bạc, trúng thưởng để mong lợi lộc đầu năm... Thì tất cả cũng chỉ phát xuất từ cái tâm lí thực tiễn của người Việt mình dần dà đã chuyển qua thực dụng, như là một mặt trái của thời cuộc khi mà kinh tế chi phối quá nhiều thứ... Thực tế ấy có vẻ đang buộc những người “hoài cổ” tìm cách mà thích nghi và chấp nhận.