Việt Nam đã chính thức bước vào thời kỳ già hóa dân số từ năm 2011 và là một trong những nước có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới. Để đáp ứng với tình hình này, từ năm 2010, Luật Người cao tuổi (NCT) được ban hành.
Người cao tuổi tiếp tục có nhiều cống hiến cho xã hội. Ảnh:Trần Ngọc Kha.
Theo kết quả một cuộc khảo sát mới đây của Hội NCT Việt Nam, có tới 78% người cao tuổi và 72% đại diện các hộ gia đình có NCT được biết về Luật NCT và các quyền cũng như các biện pháp bảo đảm quyền cho NCT.
Theo tinh thần của Luật NCT, sự phối hợp giữa ngành Lao động - Thương binh & Xã hội và Hội Người cao tuổi trong thực hiện chính sách trợ giúp xã hội ngày càng chặt chẽ.
Hàng năm, trên 1,5 triệu NCT, đặc biệt là NCT nghèo, đã được trợ cấp xã hội kịp thời, đúng đối tượng và minh bạch. Bên cạnh đó, công tác mừng thọ, chúc thọ NCT cũng được các cấp, các ngành quan tâm đặc biệt.
Trung bình mỗi năm đã tổ chức chúc thọ, mừng thọ từ 1 đến 1,1 triệu người, thăm hỏi động viên hơn 900 nghìn NCT khi ốm đau bệnh tật v.v...
Theo bà Astrid Bant, Trưởng Đại diện UNFPA tại Việt Nam, hiện nay, cứ 10 người thì có 1 người từ 60 tuổi trở lên. Đến năm 2050, tỉ lệ này sẽ là 1:5 và đến năm 2150 sẽ là 1:3. Trong 50 năm tới, số lượng người cao tuổi (NCT) trên thế giới sẽ tăng từ khoảng 600 triệu lên đến gần 2 tỷ người.
Bà Astrid Bant khẳng định, NCT mang lại lợi ích chứ không phải là gánh nặng cho xã hội. Họ là những thành viên tích cực và năng động trong xã hội. Chúng ta không được phép tiếp tục coi họ là những người chỉ tiếp nhận một cách thụ động các dịch vụ đồng nhất của Nhà nước mà phải coi họ là một nguồn lực kinh tế quan trọng cho sự phát triển.
Chính vì vậy, theo bà Astrid Bant, Việt Nam cần thúc đẩy các cơ hội việc làm, quy định tuổi về hưu linh hoạt và phát triển kỹ năng cho NCT để giúp họ tăng thu nhập và có được lợi ích cho tuổi già. Vậy nhưng, hiện nay vẫn còn một số nơi chính quyền địa phương, cơ sở chưa xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NCT.
Công tác tuyên truyền phổ biến chính sách chưa kịp thời, thiếu chương trình, kế hoạch tuyên truyền tổng thể, phối hợp liên ngành. Việc khám bệnh, chữa bệnh ban đầu cho NCT ở cơ sở còn gặp nhiều khó khăn.
Việc chăm sóc đời sống NCT về vật chất, tinh thần chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra, nhất là ở các xã, phường còn khó khăn, phải dựa chủ yếu vào nguồn ngân sách hỗ trợ từ cấp trên. Công tác phối hợp, kiểm tra giám sát ở địa phương còn hạn chế, chưa được thường xuyên, liên tục.
Trước tình hình này, các chuyên gia thực thi luật pháp cho rằng, bên cạnh việc tiếp tục hoàn thiện hệ thống chính sách pháp luật liên quan đến thực hiện Luật NCT, chúng ta cần tập trung nâng cao khả năng tiếp cận của NCT đến các dịch vụ xã hội cơ bản như: y tế, nhà ở, nước sạch, thông tin, các dịch vụ về văn hóa, du lịch, vui chơi, giải trí, tham gia giao thông...
Các cấp ủy, chính quyền địa phương, cơ sở cần xác định rõ trách nhiệm trong việc thực hiện chính sách, pháp luật đối với NCT, quan tâm, chỉ đạo hơn nữa trong việc xây dựng kế hoạch hoạt động cụ thể, xem hoạt động của NCT chính là thực hiện chính sách xã hội, đảm bảo an sinh xã hội quan trọng trên địa bàn.