Tại Hội nghị Tổng kết 10 năm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới và Chương trình số 02-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh, nông thôn Hà Nội phải là miền quê đáng sống.
Phiên chợ làng Chuông (Thanh Oai, Hà Nội).
Thực tế thì trong quá trình đô thị hóa mạnh mẽ, vùng ven đô đã phải đang phải chịu nhiều áp lực. Và khu vực này đang phải chịu nhiều áp lực của quá trình đô thị hóa: Nhiều giá trị tưởng như vĩnh hằng bỗng đảo lộn.
Nói về vùng ven đô của Hà Nội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đánh giá cao việc phát triển. Tuy nhiên, Thủ tướng cũng cho rằng, khu vực này còn nhiều việc phải được quan tâm. Đó là: Sản xuất nông nghiệp nói riêng, kinh tế nông thôn nói chung còn nhỏ bé, quy mô phân tán, đặc biệt là phát triển còn dưới tiềm năng. Môi trường nông thôn chưa được cải thiện tích cực, người dân một số nơi còn kêu ca về rác thải, nước thải, ô nhiễm không khí. Còn một số trường hợp vấn đề đạo đức gia đình, làng xóm đáng lo ngại. Từ đó, Thủ tướng nhấn mạnh, Hà Nội không chỉ phát huy vị trí trung tâm, đầu tàu ở chức năng đô thị mà vùng nông thôn, ngoại ô cũng phải phát triển.
Những năm qua, tốc độ đô thị hóa diễn ra rất mạnh mẽ. “Phố tiến về làng”, nhiều diện tích đất sản xuất trở thành khu công nghiệp. Nhiều làng trở thành khu phố. Đó cũng là tiếp biến của công nghiệp hóa, đô thị hóa. Tuy nhiên, trong quá trình đó, những phần còn lại của nông thôn vùng ven phải làm gì để tự khẳng định là điều rất đáng quan tâm.
Nông thôn bao quanh các đô thị được coi là khoảng không gian xanh cân bằng lại với những gì ồn ào, tấp nập, bon chen của phố phường. Vùng ven cũng là nơi cung cấp nguồn thực phẩm cho thành thị. Mà muốn thế thì vùng ven phải mạnh lên, cả về phát triển sản xuất cũng như giữ lại và phát huy những giá trị truyền thống tiềm tàng.
Trong quá trình đô thị hóa, không chỉ ở Việt Nam mà là chung toàn cầu, nông nghiệp thu hẹp, làng quê vơi hụt vì phải nhường đất cho các công trình nhà ở, giao thông… Từ đó, kế mưu sinh của con người khu vực ấy cũng phải thay đổi. Đó là điều tất nhiên. Nhưng trong sự thay đổi ấy, vành đai ngoại ô rất cần có một vị trí riêng. Hôm nay, về làng ven đô, không khỏi ngạc nhiên về sự thay đổi. Trong sự thay đổi ấy, vui buồn lẫn lộn. Vui vì nhà cao hơn, kiên cố hơn. Buồn vì những gì vốn đọng trong ký ức nay đã không còn. Nào đâu những con đường làng lát gạch chéo; nào đâu những hàng rào cây xanh cúc tần, ô rô; nào đâu giếng làng với những vạt bèo tổ ong giữ cho làn nước trong veo. Và đâu còn những con mương để lũ trẻ đi cất vó te… Người tân tiến thì coi đó là hay; người cả nghĩ thì thấy trống trải.
Đó là gương mặt của làng, cũng dễ nhận thấy. Còn thì sâu thẳm hồn làng mới là điều căn cốt.
Nhiều năm qua, không ít người lo ngại bởi những tệ nạn vùng ven. Người ta bối rối khi trong những ngôi làng vốn lành hiền thì nay không thiếu nạn cờ bạc- kể cả trong đám ma thì người ta cũng rải chiếu ra quần nhau quanh bộ bài tổ tôm, hay là vài ván tá lả. Nạn rượu chè cũng “rất phát triển”, say sưa không còn là chuyện hiếm. Truyền thống “Tối lửa tắt đèn có nhau”, “Bán anh em xa mua láng giềng gần” đã không còn được như xưa bởi những khoảnh tường cây xanh đã bị chặt bỏ mà thay vào đó là tường gạch kín như bưng cao quá mặt người.
Đáng kể nữa là khi “phố tiến về làng”, đất nông thôn - nông nghiệp cao vọt. Không ít người bỗng trở thành tỉ phú chỉ vì bán được mảnh vườn, cắt ra một phần khu nhà cũ của cha ông. Có nhiều tiền, không biết làm gì, nhiều người vung tay mua sắm những tiện nghi sinh hoạt đắt tiền, kể cả ô tô đi cho oai. Chả mấy chốc tiền hết, nghề nghiệp mới không có, ruộng vườn hết, thế là lại rơi vào cảnh nghèo…
Nói những điều đó cũng là để thổ lộ mối âu lo khi rất nhiều vùng ven của các đô thị đang mất dần ảnh hưởng. Sự đổi thay quá nhanh chóng khiến người dân vốn chân lấm tay bùn không kịp trở tay, không kịp có được sự thăng bằng cần thiết. Đã nhiều năm như thế, đến nay phải bình tĩnh lại, không thể tiếp diễn.
Trở lại vấn đề nông thôn quanh các đô thị, dẫn câu ca dao “Xứ Đoài là đất trăm nghề/ Đi buôn làm thợ đề huề tinh tươm”- Thủ tướng cho rằng Hà Nội cần tiếp tục làm nhiều việc nữa để bảo tồn, phát triển một miền nông thôn rộng lớn. Một không gian kinh tế nông thôn với thế mạnh đất làng nghề gắn với các lễ hội, nét đẹp văn hoá, để cùng với nông nghiệp sạch, hữu cơ đặc trưng tạo nên không gian du lịch hấp dẫn trong một bức tranh tổng thể phát triển. Xây dựng nông thôn mới phải gắn với phát triển đô thị, quy hoạch thống nhất, không để quy hoạch bị phá vỡ; phải hình thành cho được các vành đai xanh sinh thái bao bọc cho đô thị.
Lâu nay người ta hay nghĩ tới việc thành thị hóa nông thôn. Nhưng thời gian cũng đã đủ để nhìn nhận vấn đề một cách rộng dài hơn. Là vành đai xanh, nơi cung cấp thực phẩm cho đô thị…, thì vùng ven- những miền quê- trước hết phải là nơi đáng sống. Nó phải là nơi cân bằng trước tốc độ phát triển mạnh mẽ của phố sá. Nói điều đó không phải là sự vin vào theo lối tư duy cũ kìm hãm sự phát triển, mà rất mong vùng ven phải phát huy được thế mạnh của mình, chứ không phải là vay mượn thế mạnh khác mà đánh mất những gì thuộc về căn cốt.