Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

K.Lê 04/04/2019 08:30

Theo Chánh thanh tra Bộ LĐTBXH Nguyễn Tiến Tùng, hiện cả nước có khoảng 93% là doanh nghiệp (DN) nhỏ và siêu nhỏ chuyên chế biến gỗ và lâm sản đang sử dụng máy, thiết bị, công nghệ lạc hậu. Đáng báo động, tình hình vi phạm pháp luật lao động trong DN chế biến gỗ còn phổ biến.

Chính vì vậy Chiến dịch Thanh tra lao động năm 2019 có chủ đề “Tuân thủ pháp luật lao động để phát triển bền vững ngành chế biến gỗ”.

Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

Tình trạng vi phạm luật lao động trong ngành chế biến gỗ vẫn còn.

Theo thống kê, cả nước hiện có khoảng 4.500 DN chế biến gỗ và lâm sản, với khoảng 500.000 lao động, trong đó lao động được đào tạo, làm việc ổn định chiếm từ 55-60%, còn lại là lao động giản đơn theo mùa vụ. Việt Nam hiện là quốc gia đứng đầu khối ASEAN, thứ 2 châu Á và thứ 5 trên thế giới về kim ngạch xuất khẩu gỗ (chiếm khoảng 6% thị trường gỗ toàn cầu); tốc độ tăng trưởng hàng năm từ 10-15%...

Riêng năm 2018, chế biến gỗ là ngành có kim ngạch xuất khẩu của tỉnh cao và chiếm 40% tổng kim ngạch xuất khẩu ngành gỗ cả nước.

Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Tiến Tùng, đa số các DN, cơ sở chế biến gỗ trong nước còn sử dụng công nghệ thấp, máy móc thiết bị lạc hậu và lực lượng lao động trình độ lao động giản đơn, làm việc theo mùa vụ dẫn đến tình hình tuân thủ pháp luật lao động trong ngành này còn nhiều hạn chế.

Đáng báo động, tình hình vi phạm pháp luật lao động trong DN chế biến gỗ còn phổ biến như: Tổ chức giờ làm thêm vượt quá giờ quy định; vi phạm về giao kết hợp đồng; vi phạm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; những yếu tố nguy hiểm, độc hại chưa được kiểm tra soát chặt chẽ để có giải pháp ngăn ngừa như bụi, tiếng ồn, trơn trượt…gây mất an toàn và bệnh nghề nghiệp cho người lao động.

“Việc vi phạm pháp luật lao động không những ảnh hưởng trực tiếp đến an toàn, sức khỏe của người lao động mà còn làm giảm năng suất, giảm tính cạnh tranh của ngành chế biến, xuất khẩu gỗ ở cả thị trường trong nước và trên thế giới. Do đó Chiến dịch thanh tra lần này nhằm hướng đến tuân thủ bền vững pháp luật lao động sẽ góp phần đạt mục tiêu mà Chính phủ đặt ra là : Phát triển ngành chế biến gỗ và lâm sản xuất khẩu bền vững, hiệu quả, hiện đại trên cơ sở hội nhập sâu rộng vào thị trường quốc tế và khu vực” – ông Nguyễn Tiến Tùng cho biết.

Cũng theo ông Tùng, ngành LĐTBXH hiện nay chỉ có 500 thanh tra viên, riêng lực lượng thanh tra lao động chỉ khoảng 150 người, trong khi cả nước có gần 800.000 DN. Để có thể kiểm tra hết các DN thì phải mất 50 năm. Chính vì vậy, việc nâng cao nhận thức để các DN phải tự điều chỉnh vì quyền lợi của mình và bảo đảm quyền lợi người lao động. Do đó, Chiến dịch không nhắm đến hiệu ứng tức thì, mà lôi kéo các bên liên quan để tạo được hiệu ứng trong năm chiến dịch và những năm tiếp theo, không chỉ trong ngành chế biến gỗ mà còn những ngành khác.

Qua 4 năm thực hiện chiến dịch thanh tra trong các lĩnh vực may mặc (năm 2015), Xây dựng (năm 2016), Điện tử (năm 2017), Khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng và sản xuất vật liệu xây dựng (năm 2018) đã đem lại những hiệu quả tích cực, góp phần ổn định quan hệ lao động hài hòa và có tác động lan tỏa tới việc tuân thủ tới pháp luật của các DN trong các lĩnh vực khác.

Được biết, năm nay Chiến dịch thanh tra lao động năm 2019 sẽ được triển khai tại 63 tỉnh thành, phố trên cả nước với sự tham gia của đại diện người lao động là tổ chức Công đoàn các cấp, đại diện người sử dụng lao động là Phòng thương mại công nghiệp Việt Nam, các cơ quan quản lý nhà nước về chế biến gỗ và các cơ quan thanh tra lao động trong cả nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Để ngành chế biến gỗ phát triển bền vững

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO